|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Warren Buffett: Mỹ nên bỏ trần nợ công, để lại chỉ làm tốn thời gian

08:36 | 04/10/2021
Chia sẻ
Đối với Warren Buffett, bản thân ý tưởng đặt ra trần nợ đã là sai lầm lớn, làm lãng phí thời gian của nước Mỹ với các cuộc tranh cãi dài lê thê.
Warren Buffett: Tôi muốn Mỹ xóa bỏ trần nợ - Ảnh 1.

Warren Buffett, Chủ tịch kiêm CEO Berkshire Hathaway. (Ảnh: Getty Images).

Trong cuộc họp thường niên của Berkshire Hathaway năm 2011, Warren Buffett được hỏi ông nghĩ gì về các cuộc tranh cãi của Quốc hội xoay quanh câu hỏi nên nâng trần nợ hay không. Câu trả lời của ông: Không tăng trần nợ sẽ là một sai lầm lớn.

Warren Buffett khẳng định: "Không tăng trần nợ có lẽ sẽ là hành động ngu xuẩn nhất mà Quốc hội từng thực hiện. Trên thực tế, việc đặt ra trần nợ là một sai lầm".

Một thập kỷ sau, rắc rối này một lần nữa lại đe dọa sẽ đẩy nền kinh tế vào tình trạng hỗn loạn. 

Tuần trước Thượng viện Mỹ đã đạt được thỏa thuận vào phút chót để giữ cho chính phủ tiếp tục hoạt động đến đầu tháng 12, nhưng hạn chót để các nhà lập pháp giữ nguyên hay nâng trần nợ đang đến gần.

Bộ trưởng tài chính Janet Yellen cảnh báo chính phủ Mỹ sẽ cạn kiệt nguồn lực để thanh toán nợ vào ngày 18/10.

Tuy Mỹ chưa bao giờ vỡ nợ và đã nâng hay đình chỉ trần nợ 78 lần kể từ năm 1960, khả năng nền kinh tế số một thế giới vỡ nợ có thể là thảm họa đối với nền kinh tế toàn cầu. Dùng dằng trong việc nâng trần nợ công năm 2011 đã khiến Standard & Poor lần đầu tiên hạ mức xếp hạng tín dụng của Mỹ từ AAA xuống AA+. Chứng khoán Mỹ lao dốc nặng nề trong những ngày kế tiếp.

Trần nợ là số tiền tối đa mà Bộ Tài chính Mỹ có thể vay mượn dưới hình thức phát hành trái phiếu. Số tiền này được dùng để chi trả cho hàng loạt nghĩa vụ tài chính mỗi tháng, bao gồm các khoản thanh toán An sinh Xã hội và các chương trình khác như hoàn thuế.

Vào tháng 7, Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính rằng trần nợ cần được tăng từ 22.000 lên 28.500 tỷ USD. Bà Yellen cảnh báo rằng nếu Quốc hội không làm vậy thì Mỹ sẽ rơi vào "một cuộc khủng hoảng tài chính lịch sử" dẫn đến "mất mát hàng tỷ USD tăng trưởng và hàng triệu việc làm".

Warren Buffett: Mỹ nên bỏ trần nợ công, để lại chỉ làm tốn thời gian - Ảnh 2.

Năm 2011, Warren Buffett chỉ trích rằng các cuộc đàm phán định kỳ về trần nợ và nguy cơ vỡ nợ là không cần thiết và phí phạm thời giờ.

"Các cuộc đàm phán về giới hạn nợ có vẻ là sự lãng phí thời gian trong khi Mỹ có rất nhiều việc phải làm. Tôi muốn thấy Mỹ loại bỏ trần nợ, vì nó tạo ra sự bế tắc định kỳ và các chính trị gia dùng nó để dọa dẫm lẫn nhau", Chủ tịch Berkshire Hathaway bày tỏ quan điểm.

Phía Đảng Dân chủ muốn đình chỉ hoặc nâng trần nợ thông qua các quy trình lập pháp. Tuy nhiên, Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell nói rằng Đảng Dân chủ sẽ cần tìm cách để thông qua dự luật mà không có bất kỳ sự trợ giúp nào từ Đảng Cộng hòa. Tuần trước, các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã chặn dự luận của Đảng Dân chủ hòng tài trợ cho chính phủ và đình chỉ trần nợ cùng lúc.  

Đảng Dân chủ lập luận rằng nâng trần nợ sẽ cho phép Bộ tài chính Mỹ thanh toán cho các khoản chi tiêu và cắt giảm thuế đã được bật đèn xanh dưới thời chính quyền Trump.

Trong khi đó, phe Đảng Cộng hòa nói rằng họ sẽ không giúp nâng trần nợ vì hành động này sẽ giúp tài trợ cho kế hoạch chi tiêu 3.500 tỷ USD của Đảng Dân chủ. Trên thực tế, đình chỉ hay nâng trần nợ không cho phép bất kỳ khoản chi tiêu mới nào, CNBC cho biết.

Sự phản đối của Đảng Cộng hòa có thể sẽ buộc Đảng Dân chủ tự nâng trần nợ bằng cách gộp điều khoản này vào gói chi tiêu 3.500 tỷ USD rồi thông qua bằng quy trình điều chỉnh ngân sách. Quy trình này sẽ cho phép kế hoạch chi tiêu được phê chuẩn chỉ với thế đa số mà không có giới hạn tối thiểu bao nhiêu người tán thành.

Số ghế hiện nay trong Thượng viện đang được chia đều 50-50 cho hai đảng. Trong trường hợp kết quả biểu quyết hòa nhau, Phó Tổng thống Kamala Harris có quyền bỏ phiếu để giúp Đảng Dân chủ giành chiến thắng 51-50.

Giang