|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Warren Buffett dùng bức họa Mona Lisa để minh họa chuyện đầu tư

12:37 | 27/09/2021
Chia sẻ
Huyền thoại Warren Buffett viện dẫn một trong những bức họa nổi tiếng nhất trong lịch sử để giải thích vì sao các tác phẩm nghệ thuật là khoản đầu tư tồi.
Warren Buffett dùng bức Mona Lisa để chứng minh nghệ thuật là khoản đầu tư tồi - Ảnh 1.

Warren Buffett, Chủ tịch Berkshire Hathaway. (Ảnh: Getty Images).

Warren Buffett đề cập đến chủ đề đầu tư vào tác phẩm nghệ thuật trong lá thư năm 1963 gửi tới các khách hàng của Buffett Partnership, quỹ đầu tư ông điều hành trước khi tập trung vào Berkshire Hathaway. Mục đích của ông là truyền đạt sức mạnh của lãi kép trong việc gầy dựng của cải theo thời gian.

Warren Buffett chỉ ra rằng vua Francis I của Pháp mua bức Mona Lisa vào năm 1540 với giá 4.000 crown vàng, tương đương 20.000 USD. Nếu nhà đổ số tiền đó vào một khoản đầu tư tạo ra mức lợi nhuận sau thuế khiêm tốn là 6%/năm, ngân khố Pháp sẽ có hơn 1 triệu tỷ USD vào năm 1963, gấp 3.000 lần nợ quốc gia.

Trong khi đó, bức tranh Mona Lisa được bảo hiểm với giá trị 100 triệu USD vào năm 1962, tương ứng với hơn 900 triệu USD ngày nay.

Warren Buffett dí dỏm: "Tôi tin tưởng ví dụ này sẽ chấm dứt mọi bàn bạc trong gia đình của quý vị về việc mua tranh để đầu tư".

Chủ tịch Berkshire Hathaway có thể không coi tác phẩm nghệ thuật là vật xứng đáng để nắm giữ, nhưng ông coi công việc của mình là một dạng nghệ thuật.

"Đầu tư là nghệ thuật trả tiền mặt bây giờ để nhận về rất nhiều tiền trong tương lai", Warren Buffett phát biểu trong buổi họp cổ đông năm 1998. Ông cũng mô tả định giá doanh nghiệp là "nghệ thuật" trong cuộc họp năm sau.

Hơn nữa, Warren Buffett từng ví xây dựng doanh nghiệp với việc vẽ tranh. Ông sử dụng so sánh này để thuyết phục Jack Rickwalt, đồng sáng lập hãng bảo hiểm National Indemnity bán lại công ty cho Berkshire Hathaway vào năm 1967.

Warren Buffett hỏi liệu Ringwalt có sẵn lòng để một nhân viên ủy thác thanh lý thành tựu cả đời sau khi mình mất hay không. Warren Buffett đảm bảo rằng Berkshire Hathaway sẽ tôn trọng và không bán lại National Indemnity, và tiếp tục cho phép nhà sáng lập "tô điểm" nó.

Warren Buffett nói với Ringwalt: "Chúng tôi sẽ không xen vào và bảo ông phải dùng màu đỏ thay cho vàng hay bất kỳ điều gì tương tự. Vậy nên tuy National Indemnity giờ đã là cả một kiệt tác, ông vẫn có thể điểm tô cho nó".

Warren Buffett tiếp tục đi xa hơn và ca ngợi tập đoàn Berkshire là bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật: "Chúng tôi nghĩ Berkshire giống như Viện bảo tàng Metropolitan chuyên về doanh nghiệp và chúng tôi có khả năng bổ sung những tác phẩm xuất sắc vào bảo tàng của mình".

Warren Buffett cũng mô tả Berkshire Hathaway – đế chế đầu tư sở hữu loạt công ty con như Geico và See's Candies cũng như cổ phần trị giá hàng chục tỷ đô trong Apple, Coca-Cola và những doanh nghiệp đại chúng khác – là tuyệt tác của ông.

"Tôi nghĩ về Berkshire Hathaway như cách họa sĩ nghĩ về một bức tranh, điểm khác biệt là tấm vải canvas của tôi lớn vô cùng", tờ Business Insider dẫn lời Warren Buffett nói vào năm 2016.

Giang