Warren Buffett điểm lại những sai lầm 'ngu ngốc' trong hàng chục năm đầu tư
Sai lầm không chừa bất kỳ ai, kể cả với một nhà đầu tư huyền thoại. Và ngay cả khi đã biết được sai lầm nằm ở đâu, bạn cũng có thể lặp lại nó vài lần nữa – giống như Warren Buffett. Dưới đây là những sai lầm và bài học Warren Buffett rút ra trong hàng chục năm đầu tư, do ông tự tổng hợp lại trong cuốn The Essays of Warren Buffett: Lessons for Corporate America.
Đừng nhặt mẩu thuốc lá sắp tàn
Sai lầm khiến Warren Buffett ân hận mãi là việc mua quyền kiểm soát Berkshire Hathaway. Lúc đó, ông đã biết rằng ngành sản xuất dệt may không có triển vọng nhưng vẫn bị hấp dẫn vì giá có vẻ rẻ. Chiến lược đầu tư kiểu này mang lại lợi nhuận khá trong những năm đầu sự nghiệp Warren Buffett.
Khi mua một cổ phiếu với giá đủ thấp, thường thì việc kinh doanh của công ty sẽ có lúc khởi sắc, mang lại cơ hội để nhà đầu tư thoát hàng với lợi nhuận tươm tất, dù triển vọng dài hạn có thể rất tồi tệ.
Warren Buffett gọi cách tiếp cận đầu tư này là "đầu mẩu thuốc lá". Mẩu thuốc lá vứt trên đường chỉ còn một hơi không thể thỏa mãn người hút, nhưng "giá hời" sẽ biến hơi thuốc đó thành lợi nhuận.
Theo Chủ tịch Berkshire Hathaway, cách tiếp cận đầu tư như trên là ngu ngốc. Thứ nhất, mức giá hời ban đầu có thể sẽ không thực sự là món bở. Trong một doanh nghiệp khó khăn, khi một vấn đề kết thúc thì vấn đề mới sẽ nhanh chóng xuất hiện.
Thứ hai, bất kỳ lợi ích ban đầu nào bạn có được cũng sẽ nhanh chóng bị hao mòn bởi lợi nhuận bèo bọt mà doanh nghiệp mang về. Ví dụ, nếu bạn bỏ 8 triệu USD cho một doanh nghiệp có thể nhanh chóng được bán hoặc thanh lý với giá 10 triệu USD, bạn có thể ghi nhận khoản lãi lớn. Nhưng khoản đầu tư này sẽ rất đáng thất vọng nếu doanh nghiệp được bán lại với giá 10 triệu USD sau một thập kỷ và trong khoảng thời gian 10 năm này chỉ sản sinh được vài % tỷ suất lợi nhuận.
Thời gian là bạn của công việc kinh doanh tuyệt vời nhưng là thù của kẻ tầm thường.
Để thực sự thấm nhuần nguyên lý này, Warren Buffett đã phải trải qua không ít đớn đau. Không lâu sau khi giành quyền kiểm soát Berkshire Hathaway, Warren Buffett mua lại cửa hàng bách hóa Hochschild – Kohn.
Warren Buffett tin đây là một thương vụ ăn chắc: Giá mua của ông thấp hơn hẳn giá trị sổ sách, đội ngũ quản lý hạng nhất và giá trị bất động sản thậm chí còn chưa được ghi nhận. Nhưng phải ba năm sau đó, Warren Buffett mới "may mắn" tống khứ được khoản đầu tư này với giá bằng với giá mua.
Không ai chạy được trên cát lún
Bài học tiếp theo của Warren Buffett: Vận động viên giỏi sẽ đạt thành tích cao với những con ngựa tốt, nhưng không thể làm nên trò trống gì với ngựa què.
Việc kinh doanh dệt may của Berkshire và Hochschild – Kohn đều được thực hiện bởi những người trung thực và có năng lực. Những nhà quản lý này sẽ đạt được thành tích đáng nể nếu họ làm việc trong doanh nghiệp có đặc tính kinh tế tốt. Nhưng họ sẽ chẳng bao giờ đạt được tiến triển nào khi chạy trên cát lún.
Khi nhà quản lý tài giỏi đương đầu với doanh nghiệp có đặc tính kinh tế xấu, thì chỉ có đặc tính của doanh nghiệp là còn nguyên vẹn, còn tên tuổi của người quản lý sẽ bị tiêu tan.
Chọn đường dễ mà đi
Sau hàng chục năm mua lại và giám sát một loạt doanh nghiệp, Warren Buffett viết rằng cả ông lẫn phó tướng Charlie Munger đều không học cách giải quyết những rắc rối kinh doanh khó khăn. Thành công của hai người đến từ viêc tập trung vào việc phát hiện những doanh nghiệp có rào cản thấp đến gần sát đất thay vì hạ bệ những rào cản cao chọc trời.
Điều này nghe có vẻ hơi bất công, nhưng trong kinh doanh lẫn đầu tư, thông thường bạn sẽ có lợi hơn nhiều khi gắn bó với lựa chọn đơn giản và dễ dàng thay vì giải quyết khó khăn. Trong một số trường hợp, nhà đầu tư buộc phải giải quyết vấn đề hóc búa, giống như khi Warren Buffett mua lại tờ báo Chủ Nhật tại Buffalo.
Trong trường hợp khác, cơ hội đầu tư lớn xuất hiện khi một doanh nghiệp tuyệt vời mắc phải một vấn đề lớn nhưng có thể được khắc phục, giống như những gì American Express và GEICO trải qua. Nhưng nhìn chung, "Chúng tôi thà né tránh rồng còn hơn là giết chúng", Warren Buffett kết luận.