|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Mỹ sẽ rơi vào suy thoái nếu không nâng trần nợ trong vòng hai tuần'

08:47 | 06/10/2021
Chia sẻ
Hạn chót 18/10 để nâng hoặc đình chỉ trần nợ đang đến gần, nhưng các nhà lập pháp vẫn bất đồng sâu sắc.
'Mỹ sẽ rơi vào suy thoái nếu không nâng trần nợ trong vòng hai tuần' - Ảnh 1.

Bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ. (Ảnh: Getty Images).

Hôm 5/10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định nền kinh tế số một thế giới sẽ gặp suy thoái nếu Quốc hội không giải quyết giới hạn nợ của chính phủ trước khi Mỹ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.

Bà Yellen trả lời trong cuộc phỏng vấn với CNBC: "Tôi thực sự coi 18/10 là hạn chót. Sẽ là thảm họa nếu chúng ta ở trong vị thế thiếu thốn nguồn lực để thanh toán nợ của chính phủ".

"Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng việc Mỹ vỡ nợ sẽ gây ra một cuộc suy thoái".

Trong vài tuần nay, bà Yellen đã cảnh báo Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Chuck Schumer rằng Mỹ sẽ không còn có thể tiếp tục đáp ứng nghĩa vụ nợ vào khoảng ngày 18/10. Các nhà lập pháp phải tăng hoặc đình chỉ trần nợ trước thời điểm này nếu không muốn Mỹ vỡ nợ.

Bộ Tài chính Mỹ hiện đang sử dụng các biện pháp bất thường khẩn cấp để thanh toán trái phiếu chính phủ kể từ khi Mỹ chạm mức nợ trần vào cuối tháng 7. Nhưng những biện pháp này chỉ là tạm thời và sẽ chỉ cầm cự được đến giữa tháng 10.  

Các nhà kinh tế dự đoán vụ vỡ nợ của Mỹ sẽ gây ra thiệt hại kinh tế trên diện rộng thông qua lãi suất tăng vọt, làm sói mòn niềm tin của nhà đầu tư vào khả năng trả nợ đúng thời hạn của Mỹ và có khả năng trì hoãn thanh toán An sinh Xã hội cho 50 triệu người lớn tuổi. Lương của binh sĩ Mỹ cũng có thể bị chậm trễ do chính phủ vỡ nợ.  

Sự bế tắc của Quốc hội cũng có thể khiến một số quốc gia nắm giữ ít trái phiếu Kho bạc Mỹ hơn và làm giảm nhu cầu dành cho đồng USD, giúp Trung Quốc chiếm ưu thế trong nỗ lực đưa nhân dân tệ soán ngôi đồng bạc xanh.

Bà Yellen khẳng định: "Từ lâu trái phiếu Kho bạc Mỹ đã được coi là tài sản an toàn nhất trên thế giới. Đây là một trong những nguyên nhân USD là đồng tiền dự trữ chủ đạo trên thế giới. Việc khiến niềm tin vào trái phiếu kho bạc Mỹ bị lung lay do không thanh toán nợ đúng hạn sẽ thực sự dẫn tới kết cục thảm khốc".

Những lựa chọn khó khăn

Hôm 4/10, Tổng thống Joe Biden đã hối thúc Quốc hội nâng trần nợ ngay lập tức để ngăn chặn nền kinh tế rơi vào hỗn loạn.

Cả Đảng Dân chủ lẫn Đảng Cộng hòa đều thừa nhận trần nợ phải được tăng nhưng có vẻ còn lâu mới đi đến thỏa hiệp. Bất đồng của hai đảng là làm cách nào để nâng trần nợ.

Đảng Cộng hòa bất mãn với các kế hoạch chi tiêu lớn của Đảng Dân chủ và nói rằng ông Biden và các lãnh đạo Đảng Dân chủ nên tự giải quyết vấn đề bằng cách gộp điều khoản đình chỉ trần nợ vào gói chi tiêu 3.500 tỷ USD.

Ông Mitch McConnell, Lãnh đạo Đảng Cộng hòa ở Thượng viện đã nói rõ rằng không thành viên nào trong đảng của ông sẽ ủng hộ nỗ lực nâng trần nợ. Nếu các nghị sĩ Đảng Cộng hòa không đổi ý, phía Đảng Dân chủ có thể bị buộc phải thêm nội dung đình chỉ trần nợ vào dự luật 3.500 tỷ USD.

Đây sẽ là khó khăn rất lớn vì dự luật khổng lồ này vẫn cần rất nhiều thời gian để hoàn thiện và để giành được sự ủng hộ của toàn bộ 50 thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ.

Đảng Dân chủ vẫn còn lựa chọn khác là thông qua dự luật riêng để nâng trần nợ bằng quy trình điều chỉnh đặc biệt. Biện pháp này không cần đến sự trợ giúp của bất kỳ nhà lập pháp Đảng Cộng hòa nào và cho phép Đảng Dân chủ thêm thời gian giải quyết bất đồng nội bộ về dự luật chi tiêu khổng lồ.

Tuy nhiên, các nghị sĩ Đảng Dân chủ không mặn mà với giải pháp trên vì giải quyết trần nợ thông qua quy trình điều chỉnh ngân sách sẽ buộc họ phải đặt ra con số cụ thể cho trần nợ mới thay vì đơn giản là đình chỉ giới hạn nợ.

'Mỹ sẽ rơi vào suy thoái nếu không nâng trần nợ trong vòng hai tuần' - Ảnh 3.

Đình chỉ trần nợ cho phép chính phủ phát hành thêm nợ mới trong một khoảng thời gian nhất định thay vì tuân thủ hạn mức USD cụ thể. Sau khi thời hạn đình chỉ kết thúc, trần nợ mới được thiết lập bằng quy mô nợ vay của chính phủ Mỹ vào thời điểm đó.

Ước tính trần nợ công mới của Mỹ sẽ phải tăng từ mức hiện tại là 28.400 tỷ USD lên ít nhất là 30.000 tỷ USD trong năm sau. Đảng Dân chủ lo ngại việc bị bó buộc bởi con số khổng lồ này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ bầu cử Quốc hội năm 2022.

Giang

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.