Muốn thúc đẩy khởi nghiệp, nhà nước phải dám đầu tư mạo hiểm
Trở ngại đối với phong trào khởi nghiệp
Theo ông Nguyễn Quân, Hội trưởng Hội Tự động hóa Việt Nam, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do hệ sinh thái chưa hoàn thiện, đặc biệt chúng ta thiếu hai thành phần quan trọng là các quỹ đầu tư mạo hiểm và các cơ sở dịch vụ mạnh.
Nguồn: Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh |
"Nhìn qua Israel, người ta thấy những tinh thần doanh nhân dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm, coi thành công là kết quả của sự thất bại. Hay Hàn Quốc bước ra khỏi cuộc chiến tranh Triều Tiên cách đây hơn 6 thập kỷ là một đống tro tàn, kiệt quệ và nghèo đói nhưng giờ đây đã trở thành một trong những con rồng Châu Á", ông Quân nói.
Ở các nước phát triển, theo ông Quân, khi nói về doanh nghiệp start-up, người ta còn đề cập đến khái niệm về spin-off (tạm dịch là “khởi nguồn”), về bản chất là các start-up hình thành trong cơ sở nghiên cứu và đào tạo như trường đại học. Các nhà khoa học (chủ sở hữu hoặc tác giả của tài sản trí tuệ) thành lập hoặc trực tiếp điều hành sau khi đã nghiên cứu thành công giải pháp hay sản phẩm công nghệ mới.
"Để có thể phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (bao gồm start-up, spin-off) kinh nghiệm của các quốc gia đi trước cho thấy chúng ta phải tạo ra môi trường sinh thái đồng bộ cho doanh nghiệp phát triển, hay còn gọi là “hệ sinh thái khởi nghiệp” (start-up ecosystem)", ông bình luận.
(Ảnh minh họa) |
Vận hành quỹ đầu tư mạo hiểm bằng ngân sách nhà nước?
Việc thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm đã được đề cập trong Luật Công nghệ cao 2009 và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2016, nhưng đến nay chưa khả thi do vướng quy định của một số luật hiện hành (Bộ luật Hình sự, Ngân sách Nhà nước). Chính phủ cũng chưa có văn bản hướng dẫn dưới luật. Thậm chí nhiều người cho rằng nếu đầu tư mạo hiểm sử dụng ngân sách nhà nước không thành công thì cũng gần như tội tham nhũng, lãng phí. Hoặc đầu tư mạo hiểm sử dụng nguồn tài chính ngoài nhà nước cũng dễ bị quy chụp là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Do vậy, nếu nhà nước không dám “đầu tư mạo hiểm” thì không thể xây dựng được căn cứ pháp lý và cơ chế vận hành cho hoạt động này, kết quả là tạo ra tâm lý e ngại và các thành phần kinh tế khác cũng không dám đầu tư.
Theo dữ liệu thống kê, đến hết năm 2017, đầu tư mạo hiểm cho các start-up trên thế giới đạt 140 tỷ USD và tổng giá trị kinh tế do các start-up toàn cầu mang lại trong giai đoạn 2015-2017 là 2.300 tỷ USD. Tại Việt Nam có khoảng 40 quỹ đầu tư hoạt động, đa phần là của nước ngoài như IDG Ventures, CyberAgent Ventures, Mekong Capital, Dragon Capital, DJF-Vina Capital…). Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động quỹ đầu tư cho khởi nghiệp khá thấp.
Nguồn: Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh |
Tính riêng 2017, lượng start-up đã lên tới con số hơn 3.000, số lượng và quy mô thương vụ đầu tư tăng lên 92 với giá trị 291 triệu USD so với 50 thương vụ và 205 triệu USD năm 2016. Tuy nhiên,giá trị đầu tư vào Việt Nam thấp so với khu vực (Năm 2017, các nước khu vức ASEAN thu hút 7,8 tỷ USD vào khởi nghiệp). Số lượng mua bán, sáp nhập (M&A) còn thấp và chưa có đơn vị nào chào bán lần đầu ra công chúng (IPO).
Năm 2016 được coi là năm khởi nghiệp quốc gia tại Việt Nam. Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 884/QĐ-TTg. Theo đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ khoảng 2.000 dự án khởi nghiệp tính đến 2025, khoảng 100 doanh nghiệp tham gia đề án gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, M&A với giá trị dự kiến 2.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt các đề án này, nhà nước cần tiếp tục có chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Các Bộ, ngành gỡ bỏ rào cản kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, ưu tiên định hướng khởi nghiệp cho các lĩnh vực mũi nhọn. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, nhà nước cũng nên thí điểm, cho ra đời và vận hành quỹ đầu tư mạo hiểm sử dụng ngân sách nhà nước để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia khởi nghiệp.