Mức tiêu thụ xăng của người Việt có thể tăng?
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dịch bệnh COVID-19 gây ra những gián đoạn về hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thông vận tải, kéo theo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, khí đốt sụt giảm.
Trong kịch bản Việt Nam dần kiểm soát tốt dịch bệnh và quá trình tiêm vắc xin được đẩy mạnh, KBSV kỳ vọng nguồn cầu sẽ phục hồi mạnh mẽ trở lại vào cuối quý III.
Triển vọng tiêu thụ xăng bình quân đầu người hàng năm của Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Năm 2019, mức tiêu thụ xăng bình đầu người của Việt Nam chỉ đạt 77 lít, thấp hơn so với mức 106 lít của Thái Lan và 124 lít của Indonesia.
Điều này có thể được lý giải bởi tỷ lệ chi phí xăng dầu trên mức thu nhập giữa các nước, trong đó Việt Nam cần 12% thu nhập hàng tháng để tiêu thụ 40 lít xăng với mức 6% của Thái Lan và 8% của Indonesia.
Bởi vậy, khi mức thu nhập trên đầu người của Việt Nam tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới thì nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam cũng tăng theo, thu hẹp khoảng cách tiêu thụ xăng dầu so với các nước Đông Nam Á.
Việt Nam không phải là thị trường lớn với doanh số bán ô tô chỉ hơn 200.000 xe/năm. Tuy nhiên, doanh số bán đã tăng trong những năm qua và hưởng lợi từ Nghị định 57 và Hiệp định EVFTA, ATIGA có hiệu lực, nhiều loại thuế phí đã được cắt bỏ và giá ô tô cũng giảm theo tương ứng.
Hiện tại, Quốc hội đang thảo luận về khả năng giảm thuế tiêu thu đặc biệt là tỷ lệ giảm thuế tương ứng với tỷ lệ nội địa hóa của mỗi dòng xe, giúp thúc đẩy hơn nữa tiêu thụ xe giá rẻ.
Việc giảm thuế có thể khiến doanh thu bán xe ô tô tăng mạnh tương tự như thời điểm Việt Nam giảm thuế từ 60% xuống 50% vào năm 2015 và xuống 40% vào năm 2016 cho những xe nhập khẩu từ Đông Nam Á như hiệp định CEPT của Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN.
Bên cạnh đó, chênh lệch giá crack ở xăng dầu đã phục hồi đáng kể kể từ vùng đáy trong năm 2020. Chênh lệch giá crack phục hồi do giá dầu tăng và hoạt động vận tải phục hồi, các nhà máy lọc dầu như Dung Quất với công suất 6,5 triệu tấn và Nghi Sơn với công suất 10 triệu tấn sẽ ghi nhận mức lợi nhuận khả quan so với mức lỗ lớn trong năm 2020.
Tuy nhiên, KBSV cũng lưu ý rằng làn sóng COVID-19 thứ 4 hiện nay có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam trong ngắn hạn.