|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

MSN tăng trần với thanh khoản khớp lệnh kỷ lục, vốn hóa ba công ty 'họ Masan' đạt hơn 9 tỷ USD

16:25 | 05/03/2024
Chia sẻ
MSN tăng trần trong phiên 5/3 lên 75.700 đồng với khối lượng giao dịch 13 triệu cp. Vốn hóa tăng lên trên 108.000 tỷ đồng, tương đương trên 4,4 tỷ USD.

Cổ phiếu của Masan Group (Mã: MSN) đã tăng 6 phiên liên tiếp 27/2 đến 5/3. Riêng phiên 5/3, MSN khởi đầu với sắc xanh và tiến lên giá trần 75.700 đồng/cp từ sau 14h. Đây chính là mã “kéo” VN-Index tốt nhất phiên với 1,8 điểm hỗ trợ, kế đến là BID (1,3 điểm), MWG (1 điểm).

Khối lượng khớp lệnh trong phiên đạt 13 triệu cp - cao nhất từ trước đến nay đối với MSN (thỏa thuận 60.100 cp). Giá trị giao dịch đạt 956 tỷ đồng, xếp thứ ba toàn thị trường sau SSI (1.161 tỷ đồng), MWG (1.087 tỷ đồng) và cao hơn HPG (928 tỷ đồng) ở vị trí thứ 4.

Nhìn lại quá khứ, vào giai đoạn giao dịch sôi động nhất của mã này cuối năm 2021 (khi VN-Index đang hướng lên đỉnh lịch sử 1.500 điểm), khối lượng khớp lệnh một phiên của MSN vẫn chưa vượt 10 triệu cp (9,87 triệu cp khớp lệnh phiên 23/12/2021).

Tính từ đầu năm 2024, MSN đã tăng giá 13%, khối lượng giao dịch bình quân khoảng 3 triệu cp.

Khối lượng khớp lệnh phiên 5/3 cao hơn cả thời điểm cuối năm 2021. Biểu đồ: FireAnt.

Về tình hình kinh doanh, năm 2023, doanh thu thuần của Masan Group đạt trên 78.000 tỷ đồng, tăng 3% so với 2022. Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô khó khăn, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 1.870 tỷ đồng, giảm 61%.

Tại báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán năm 2024, SSI Reseach đưa ra dự phóng lãi ròng năm nay tăng 177% từ mức nền thấp 2023. Các chuyên gia đánh giá câu chuyện tiêu dùng dài hạn của Việt Nam vẫn tích cực. Cùng với đó, các hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm niêm yết công ty con The CrownX (TCX) hoặc thoái vốn khỏi mảng kinh doanh không cốt lõi, có thể đóng vai trò là yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu và lợi nhuận doanh nghiệp.

Rủi ro có thể xảy đến là nhu cầu đối với các dòng sản phẩm của công ty có thể phục hồi thấp hơn kỳ vọng, hay tỷ lệ đòn bẩy vẫn duy trì ở mức cao làm bào mòn lợi nhuận.

Ở quan sát khác, MSN là một trong 4 lựa chọn của J.P Morgan tại báo cáo chiến lược thị trường mới đây , cùng với TCB, ACB và FPT. Tổ chức này vẫn ưa thích các nhóm ngành ngân hàng, công nghệ và tiêu dùng cho danh mục năm 2024.

Không chỉ MSN, một số cổ phiếu “họ Masan” cũng tăng mạnh trong phiên 5/3, gồm Masan Consumer (Mã: MCH) tăng gần 9%, Masan High-Tech Materials (Mã: MSR) tăng 10%.

Theo đó, vốn hóa nhóm này gia tăng đáng kể. Tính đến 5/3, vốn hóa Masan Group đạt 108.315 tỷ đồng (khoảng hơn 4,4 tỷ USD). Chỉ tiêu này tại Masan Consumer và Masan High-Tech Materials là 96.863 tỷ đồng và 17.256 tỷ đồng.

Một số thành viên khác trong hệ sinh thái như Masan MEATLife (Mã: MML), Bột giặt Net (Mã: NET), Techcombank (Mã: TCB) (ngân hàng liên kết) đang có vốn hóa lần lượt 9.364 tỷ đồng, 1.875 tỷ đồng, 148.650 tỷ đồng.

Xuân Nghĩa