|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông Lâm Bội Minh lý giải về cái bắt tay triệu đô giữa Phúc Long và Masan Group

07:30 | 16/02/2024
Chia sẻ
Theo ông Lâm Bội Minh, để Phúc Long tiến ra nước ngoài cần có bàn tay của Masan Group.

Chuỗi cà phê Phúc Long được thành lập từ năm 1968. Đến năm 2021, Masan Group mua lại 20% cổ phần Phúc Long với giá 15 triệu USD. Một năm sau, Masan Group tiếp tục chi 110 triệu USD mua thêm 31% cổ phần Phúc Long, nâng tỷ lệ sở hữu chuỗi đồ uống này lên 51%.

Sau nhiều lần tăng tỷ lệ sở hữu, đến nay Masan Group nắm 85% cổ phần tại Phúc Long, đưa định giá chuỗi đồ uống cán mốc 450 triệu USD.

Đồ uống Phúc Long. (Ảnh: Đức Huy).

Mới đây trên talkshow của Vietsuccess, Nhà sáng lập Phúc Long, ông Lâm Bội Minh, lý giải về cái “bắt tay” giữa chuỗi đồ uống với tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.

“Nếu muốn đi cho mạnh, vươn ra nước ngoài phải có hai người mới đi xa được. Mỗi chân dìu nhau mà đi, cõng nhau mà đi. Làm cả đời tích luỹ cũng nhiều rồi, xài cũng không hết, nhưng tôi muốn làm điều gì có ý nghĩa cho xã hội. Kiếm từ xã hội phải trả về cho xã hội”, ông Lâm Bội Minh chia sẻ.

Trước khi sáp nhập M&A với Masan Group, ông Minh đã mở một cửa hàng Phúc Long tại Mỹ dưới dạng nhượng quyền thương hiệu nhưng không lấy phí vì “chỗ thân tình”. Sau đó ông nhận ra rằng muốn vươn ra nước ngoài thực sự, bản thân ông không đi được.

Do đó, nhà sáng lập Phúc Long kỳ vọng sẽ có tập đoàn mà ông có thể tin tưởng được, kỳ vọng cuối đời của ông rằng họ sẽ làm tốt. “Tôi chỉ hy vọng vậy thôi”, ông Minh nói.

Sau khi về tay Masan Group, từ đầu năm ngoái, để chuẩn bị cho việc mở rộng ra thị trường quốc tế trong giai đoạn 2024 - 2025, phía tập đoàn cho biết đã bổ nhiệm CEO Phúc Long mới có nhiệm vụ phát triển các quy trình và hệ thống vận hành chuẩn quốc tế.

Ông Lâm Bội Minh tiết lộ điều khoản sáp nhập với Masan Group là được giữ lại cửa hàng Phuc Long Premium 87 Xuân Thuỷ, (Thảo Điền, TP HCM) với diện tích 2.000 m2. Cửa hàng sử dụng mặt bằng là nhà ông Bội Minh, do chính ông sở hữu để “bạn bè tới tán dóc”.

Trước câu hỏi về tay Masan Group liệu “chất Phúc Long” có bị mất đi, ông Lâm Bội Minh khằng định đội ngũ, lực lượng tổ chức lại vẫn ổn. 

“Cái khẩu vị mình phải kiên trì. Nếu tôi bị cuốn theo thị trường, không kiên định có thể tôi sẽ thất bại. Chủ trương của tôi làm phải đậm mùi. Ví dụ trà lài phải đúng mùi lài, đừng dở dở ương ương. Uống vào không tạo cái gì, không ấn tượng”, ông Minh nhấn mạnh quan điểm làm đồ uống đã tạo ra bản sắc của Phúc Long cho đến hiện tại.

Nhà sáng lập Lâm Bội Minh cho hay ông vẫn giữ quan điểm trà hay cà phê phải được làm thủ công để giữ được nguyên chất. 

“Hiện tại pha trà, trà trái cây kể cả nước ngoài có máy pha vẫn không đạt được mùi như ý. Nó vẫn phải thủ công. Chẳng hạn trà để ra mùi chát chát, ra hết hương vị thì phải dầm trà bằng thủ công. Nhược điểm là không đáp ứng đại trà được. Ra đại trà là kiếm tiền, muốn làm ngon thì phải làm ít. 

Bởi vậy bao nhiêu năm Phúc Long phát triển rất chậm, tới khi sáp nhập M&A mới được hơn 70 cửa hàng, nhưng hầu như cửa hàng nào cũng đứng độc lập, không phải cửa hàng này phải nuôi cửa hàng kia. Doanh thu nhỏ nhất vẫn đứng được”, ông Minh chia sẻ.

“Giá trị không nằm ở số lượng cửa hàng mà ở chất lượng mỗi cửa hàng”, nhà sáng lập khẳng định.

 Ông Lâm Bội Minh - Nhà sáng lập Phúc Long. (Ảnh: Chụp màn hình).

Theo ông Minh, khó nhất của Phúc Long là công tác nghiên cứu, phát triển (R&D) để cho ra sản phẩm mới. 

Ông kể trước đó Phúc Long đã từng tuyển dụng nhiều người vào vị trí này nhưng không thể cho ra sản phẩm nào bán được: “Cái khó nhất là người làm R&D phải biết được khẩu vị đối tượng khách hàng là gì”.

Sau ba năm về tay Masan Group, đến nay Phúc Long là chuỗi đồ uống có số lượng cửa hàng đứng thứ ba tại Việt Nam, với 156 flagship (không tính các ki-ốt bên trong WinMart). Năm ngoái, Phúc Long ghi nhận doanh thu hơn 1.500 tỷ đồng, đạt 255 tỷ đồng EBITDA - tăng 30,6% so với cùng kỳ.

Trước đó trong quý II cùng năm, Masan Group cho biết trên cơ sở hiệu quả tính theo đơn vị cửa hàng, ước tính các cửa hàng flagship sẽ mang lại doanh thu trên mỗi cửa hàng gấp đôi so với doanh thu của cửa hàng tương tự trong ngành, biên EBITDA của cửa hàng là trên 35%, “cao hơn hẳn so với các chuỗi F&B thuộc top đầu thế giới”.

Năm nay, Phúc Long dự kiến doanh thu đạt từ 1.790 đến 2.170 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 17% đến 41% so với cùng kỳ. Chuỗi có kế hoạch mở từ 30 đến 60 cửa hàng mới ngoài hệ thống WinCommerce (bao gồm cửa hàng tiêu chuẩn, cửa hàng flagship và ki-ốt) tập trung vào Hà Nội và TP HCM. 

Phúc Long cũng sẽ bắt đầu tích hợp chương trình loyalty vào hội viên WIN của Masan Group, giúp mang đến nguồn doanh thu khác cho chuỗi. 

Ngoài ra, Phúc Long sẽ nâng cao năng suất bán hàng thông qua các dự án marketing các cửa hàng địa phương, triển khai chương trình khuyến mãi trên toàn quốc, và các chương trình theo mùa giúp thu hút lượng khách hàng trẻ mới.

Đức Huy