|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Một website giả mạo Viettel bán SIM 4G nhưng vẫn dùng bộ nhận diện cũ, mã số thuế không rõ ràng

07:58 | 26/04/2021
Chia sẻ
Trang web này còn ghi rõ tên một công ty thuộc tập đoàn Viettel nhưng thêm chữ "l" thành Viettell, có số đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp lần đầu ngày 25/1/2006.
Một trang web lạ giả mạo Viettel bán SIM 4G, ghi rõ tên công ty gây nhầm lẫn, số đăng ký doanh nghiệp - Ảnh 1.

Trang web giả mạo Viettel được Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo. (Ảnh: Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam).

Theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, một trang web đã sử dụng thiết kế gây nhầm lẫn, giả mạo tên và hình ảnh của Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel, thuộc Tập đoàn Công nghệ - Viễn thông quân đội (Viettel), để rao bán SIM 4G.

Trang web giả mạo nói trên có địa chỉ https://www.viettel-*****.com/sim4g sử dụng các logo và thiết kế với nhiều màu sắc khá tương đồng với những website chính thức của Viettel gây nhầm lẫn.

Phần cuối trang, website này còn ghi rõ là Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettell. Đăng ký doanh nghiệp số 0102831022 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp lần đầu ngày 25/1/2006. Trong đó, tên gọi chính thức của "Viettel" được viết thêm một ký tự "l".

Tra mã số 0102831022 nói trên tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, chúng tôi không nhận bất kỳ kết quả phù hợp nào.

Ngoài ra, Tập đoàn Viettel đã thay đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu thì trang web giả này vẫn sử dụng bộ nhận diện thương hiệu cũ của Viettel.

Một trang web lạ giả mạo Viettel bán SIM 4G, ghi rõ tên công ty gây nhầm lẫn, số đăng ký doanh nghiệp - Ảnh 2.

Tra mã số doanh nghiệp 0102831022 tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp không ra bất kỳ thông tin gì về doanh nghiệp này. (Ảnh: Chụp màn hình).

Hình ảnh nhận diện logo mới của Viettel (hình trái) và hình ảnh nhận diện cũ đang được trang web giả mạo sử dụng (hình phải). (Ảnh: Chụp màn hình).

Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam khuyến cáo cộng đồng mạng không sử dụng dịch vụ của website giả mạo này. Vụ việc sẽ được chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, các quảng cáo SIM 4G ngày một nhiều trong đó lẫn lộn tin giả và tin thật. Theo Zing, trong thời gian gần đây trên nhiều chợ mạng, hội nhóm về SIM thẻ xuất hiện quảng cáo về SIM 4G có 1 tỷ GB dung lượng tốc độ cao với giá cước chưa tới 100.000 đồng.

Đại diện MobiFone cho hay tất cả bài đăng trên mạng xã hội nói trên đều là lừa đảo và nhà mạng không có loại SIM và gói cước nào như các quảng cáo.

Thời gian gần đây cũng có hàng chục trường hợp bị một số đối tượng mạo danh là nhân viên của các nhà mạng Vinaphone, Mobifone gọi điện, nhắn tin hướng dẫn cú pháp để thực hiện nâng cấp sim 3G thành sim 4G.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD), chiêu trò này được các đối tượng dùng để lừa đảo, chiếm đoạt quyền kiểm soát sim điện thoại, đánh cắp các thông tin thẻ tín dụng, lấy mã OTP và thanh toán hàng chục triệu đồng cho các đơn hàng online bằng thẻ tín dụng của người dùng.

Cục khuyến cáo người dùng khi gặp các trường hợp trên, cần kiểm tra thông tin, không truy cập các đường dẫn lạ. Tăng cường bảo mật cho SIM điện thoại bằng cách cài đặt mã PIN cho sim điện thoại. Sử dụng các ứng dụng xác thực như Google Authenticator hay Authy, khóa thẻ sim ngay khi phát hiện bị vô hiệu hóa.

Tường Vy

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.