|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Một thỏa thuận không thể lấp đầy bể khơi mâu thuẫn Mỹ-Trung

15:05 | 23/12/2019
Chia sẻ
Sau thời gian dài đàm phán trong sự mong đợi của cả thế giới, Mỹ và Trung Quốc đã bước đầu đạt được thỏa thuận về cắt giảm thuế quan và tăng cường giao dịch nông sản. Tuy nhiên khi lắp vào bức tranh toàn cảnh về những xung đột trong quan hệ Mỹ - Trung, thỏa thuận thương mại này chỉ nhỏ bé như muối bỏ bể.

Người khổng lồ phương Đông tỉnh giấc

Năm 1817, Hoàng đế Pháp Napoleon từng nói: "Hãy để cho Trung Quốc ngủ yên. Khi thức dậy, Trung Quốc làm làm rung chuyển cả thế giới".

Quả thực thế giới chưa từng chứng kiến một sự trỗi dậy nào ấn tượng như của Trung Quốc trong 4 thập kỉ vừa qua. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nước Mỹ đóng góp tới một nửa tổng sản lượng kinh tế trên toàn thế giới. Đến năm 1980, con số này giảm còn 22%.

Sau hơn 30 năm tăng trưởng trên hai chữ số của Trung Quốc, đóng góp của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu hiện chỉ còn lại 15%. Trong khi đó, miếng bánh của Trung Quốc tăng từ 2% khi nước này mới mở cửa năm 1980 lên thành 19,3% năm 2019 và có khả năng đạt tới 30% vào năm 2040.

Thỏa thuận thương mại như hạt muối bỏ vào bể khơi mâu thuẫn Mỹ-Trung - Ảnh 1.

GDP điều chỉnh ngang giá sức mua (PPP) của Trung Quốc đang đứng đầu thế giới. Nguồn: Statista.

Ngoài ra, Trung Quốc còn là trung tâm sản xuất của thế giới khi dẫn đầu về sản lượng tàu thuyền, sắt thép, nhôm, nội thất, may mặc, da giày, điện thoại, máy tính, … Với dân số 1,4 tỉ người, Trung Quốc còn là thị trường tiêu dùng lớn nhất với đa số mặt hàng, từ dầu mỏ tới xe hơi.

Đầu thế kỉ 20, nước Mỹ khiến thế giới kinh ngạc khi vượt qua mọi cường quốc châu Âu để trở thành thế lực số một thế giới. Thế kỉ 20 thực sự là giai đoạn mà Mỹ giữ vai trò chi phối toàn cầu. Con đường đi lên của Trung Quốc thời gian qua có nhiều khác biệt nhưng cũng không ít điểm tương đồng với nước Mỹ.

Nội hàm của "Giấc mơ Trung Hoa" mà Chủ tịch Tập Cận Bình nêu lên ngày 17/3/2013 có thể được diễn đạt một cách ngắn gọn là "Làm cho Trung Quốc vĩ đại trở lại" (Make China Great Again).

Trên ghế nhà trường, các thế hệ học sinh Trung Quốc được học thuộc lòng về giai đoạn cuối thế kỉ 19 - đầu thế kỉ 20 khi nhà Thanh suy vong, đất nước bị các nước đế quốc xâu xé, sau đó là mấy chục năm nội chiến liên miên và phát xít Nhật xâm lược. 

Bài học khắc cốt ghi xương mà Trung Quốc rút ra từ "thế kỉ nhục nhã" này là: Không bao giờ quên – Không bao giờ để lặp lại.

Chủ tịch Tập Cận Bình muốn đưa Trung Quốc trở lại vị thế hoàng kim trước khi phương Tây nổi lên. Hơn một tỉ người dân Trung Quốc không chỉ mong mỏi sự giàu có mà còn muốn đất nước hùng cường, tới mức các quốc gia khác không có lựa chọn nào khác là phải công nhận lợi ích và giành cho Trung Quốc sự tôn trọng xứng đáng.

Thỏa thuận thương mại như hạt muối bỏ vào bể khơi mâu thuẫn Mỹ-Trung - Ảnh 2.

Lễ kỉ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc: 1/10/1948 - 1/10/2019. Ảnh: Reuters.

Năm 2015, khi được hỏi liệu Chủ tịch Tập Cận Bình có thực sự tin rằng Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ để trở thành cường quốc chi phối châu Á trong tương lai gần hay không, Cố Thủ tướng Singapore Lí Quang Diệu nói chắc chắn: "Hiển nhiên rồi. Tại sao lại không? Tất nhiên Trung Quốc phải có tham vọng trở thành số một châu Á và sau đó là số một thế giới".

Theo Giáo sư Graham Allison của Đại học Harvard, trong khoảng 500 năm gần đây thế giới có 16 trường hợp một thế lực đang nổi lên đe dọa vị thế dẫn đầu của quốc gia hùng mạnh nhất. Trong đó có 12 lần xảy ra chiến tranh quân sự, tương ứng với xác suất 75%.

Một số cuộc xung đột điển hình như chiến tranh Mỹ - Nhật 1941-1945 (sau trận Trân Châu Cảng), chiến tranh Anh, Pháp, Liên xô với Đức trong Thế chiến thứ nhất và thứ hai, …

Kĩ năng sử dụng cây gậy và củ cà rốt của Trung Quốc

Khi còn làm Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Obama, bà Hillary Clinton từng cho rằng ở thế kỉ 21, khái niệm về cán cân quyền lực đã trở nên lạc hậu. Cố Thủ tướng Singapore Lí Quang Diệu không đồng ý như vậy.

Ông cho rằng khái niệm cán cân quyền lực là nền móng căn bản để hiểu rõ hơn về quan hệ giữa các quốc gia. Tuy nhiên ông cũng giải thích thêm: "Theo quan niệm cũ, cán cân quyền lực chủ yếu nói về sức mạnh quân sự. Ngày nay, cán cân quyền lực là sự kết hợp giữa kinh tế và quân sự, và tôi nghĩ khía cạnh kinh tế quan trọng hơn quân sự".

Định nghĩa mới về cán cân quyền lực này còn được gọi bằng một cái tên khác là địa kinh tế, tức là sử dụng các công cụ kinh tế để đạt được mục đích về địa chính trị. Các công cụ kinh tế ở đây có thể bao gồm chính sách thương mại, đầu tư, cấm vận, tấn công mạng và viện trợ nước ngoài.

Trung Quốc thường thực hiện chính sách đối ngoại bằng biện pháp kinh tế đơn giản là bởi vì Trung Quốc có khả năng làm thế.

Năm 2015, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất với hơn 130 quốc gia trên thế giới bao gồm tất cả nền kinh tế lớn tại châu Á. Kim ngạch thương mại của Trung Quốc với các nước ASEAN chiếm 15% tổng giá trị thương mại của khối này năm 2015 trong khi Mỹ chỉ chiếm 9%.

Chiến lược địa kinh tế này có từ thời xa xưa, được ghi lại qua lời dạy của Tôn Tử: "Tướng giỏi nhất trong những tướng giỏi không phải là người trăm trận trăm thắng mà là người không cần đánh vẫn khuất phục được quân địch".

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger giải thích: Chiến thắng đối với Tôn Tử không phải chỉ là chiến thắng nơi sa trường mà là việc đạt được mục đích chính trị cuối cùng.

Tất nhiên để có thể nắm quyền lực chi phối quan hệ quốc tế, một quốc gia không những cần vũ khí kinh tế mà còn cần kĩ năng cần thiết để sử dụng thành thạo thứ vũ khí này.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã cho cả thế giới thấy sự thành thạo của mình. Khi một quốc gia khác vô tình hay cố ý làm phật lòng Trung Quốc, đất nước tỉ dân sẽ không ngại dùng "củ cà rốt và cây gậy" trong kho vũ khí kinh tế của mình: mua, bán, cấm vận, đầu tư, hối lộ, trộm cắp … để buộc đối phương phải phục tùng.

Các ví dụ đáng chú ý bao gồm việc Trung Quốc đột ngột dừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản khi hai nước xảy ra tranh chấp biển đảo năm 2010.

Cùng năm 2010 khi Na Uy trao giải Nobel Hòa Bình cho một người bất đồng chính kiến với Trung Quốc và đang phải ngồi tù, nước này liền đột ngột cắt giảm nhập khẩu mặt hàng chủ lực của Na Uy là cá hồi. 

Khi xảy ra tranh chấp chủ quyền với Philippines, Trung Quốc kéo dài thời gian kiểm tra sản phẩm chuối của Philippines cho đến khi chúng thối mục ở bến cảng.

Theo lời của Cố Thủ tướng Singapore Lí Quang Diệu, "Tầm ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc là rất khó cưỡng lại". 

Cái bẫy của Thucydides

Khi một quốc gia lớn mạnh nhanh chóng và đe dọa vị thế của quốc gia dẫn đầu, cả hai nước đều đang ở trong một tình huống nhạy cảm mang tên "Cái bẫy của Thucydides".

Thucydides là một vị tướng đồng thời là sử gia thời cổ Hy Lạp, là tác giả cuốn Lịch sử chiến tranh Peloponnese kể lại cuộc chiến ở thế kỉ thứ 5 trước công nguyên giữa hai thành phố Hy Lạp là Sparta và Athens. Khi đó Sparta đóng vai trò là thế lực thống trị còn Athens là thế lực đang lên.

Trong 500 năm qua thế giới có 16 trường hợp "Cái bẫy của Thucydides" được giăng ra và 12 lần dẫn tới chiến tranh vũ trang. Nhưng như đã nói, cán cân quyền lực trong thế kỉ 21 không chỉ mang ý nghĩa về quân sự mà còn là sự kết hợp về kinh tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn thường nhắc đến thâm hụt thương mại hàng trăm tỉ USD với Trung Quốc để chứng minh rằng nước Mỹ đang bị lợi dụng và cần phải mở ra chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên thâm hụt thương mại chỉ là phần nổi rất nhỏ của tảng băng, là con số dễ thấy nhất và dễ giải quyết nhất.

Thỏa thuận thương mại như hạt muối bỏ vào bể khơi mâu thuẫn Mỹ-Trung - Ảnh 3.

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc năm 2018 lên mức kỉ lục 420 tỉ USD. Nguồn: Song Ngọc tổng hợp.

Bên cạnh cuộc chiến thương mại còn có cuộc chiến về công nghệ liên quan tới Huawei và mạng 5G, cuộc chiến tiền tệ về giá trị của đồng USD so với nhân dân tệ, cuộc chiến về mô hình kinh tế liên quan tới trợ cấp cho doanh nghiệp và bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Các bên sẽ sử dụng mọi đòn đánh về kinh tế để đạt được mục đích của mình và khi nào kinh tế không giải quyết được thì hai nước mới động đến binh đao.

Xung đột Mỹ-Trung là cuộc đối đầu trực tiếp giữa một bên là tên tuổi thành danh, thế lực thống trị sân chơi; còn phía bên kia là ngôi sao mới nổi, sẵn sàng thách thức người đứng đầu.

Tại Mỹ, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn thường đối lập nhau như nước với lửa. Nhưng khi nhắc đến nguy cơ từ sự trỗi dậy và mô hình kinh tế của Trung Quốc, cả hai đảng phái đều nhất trí đồng lòng.

Mục tiêu thực sự của cuộc chiến thương mại mà ông Trump phát động không chỉ là xóa đi thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc mà là chặn hoặc ít nhất là làm chậm bước tiến của Trung Quốc trên con đường soán ngôi đầu thế giới của Mỹ.

Để làm được điều này, Mỹ phải buộc Trung Quốc thay đổi căn bản chính sách kinh tế trong nước bao gồm chấm dứt trợ cấp cho các tập đoàn nhà nước, dừng thao túng tiền tệ, ngừng cưỡng ép chuyển giao công nghệ, …

Những chính sách này đều là các "công thần" giúp Trung Quốc lớn mạnh như ngày nay, đồng thời được kì vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò thiết yếu trong kế hoạch Made in China 2025 của Chủ tịch tập Cận Bình. Dĩ nhiên Bắc Kinh không hề có ý định thay đổi theo yêu cầu Mỹ.

Thỏa thuận thương mại mới được công bố là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đã không mang lại hiệu quả. 

Thỏa thuận không đả động gì đến hàng loạt chính sách công nghiệp của Trung Quốc mà Mỹ chỉ trích gay gắt từ lâu, không làm dịu đi mâu thuẫn về công nghệ 5G hay tranh chấp ở những điểm nóng địa chính trị như Biển Đông, Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương, …

Một trong những điểm nhức nhối là tương lai của mạng 5G và số phận của Huawei - cánh chim đầu đàn của ngành công nghệ Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Trump đã liệt Huawei vào danh sách đen về thương mại và đang tìm cách dẫn độ Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Chu - đồng thời là con gái của người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi.

Mỹ và Trung Quốc giờ đây đang vận động các quốc gia khác đứng về phía mình, đôi khi bằng cách đe dọa: Hôm 14/12, Đại sứ Trung Quốc tại Đức dọa sẽ trả đũa thích đáng nếu Đức ngả theo Mỹ và cấm Huawei cung cấp thiết bị 5G.

Trung Quốc hiểu rõ sự hạn chế của thỏa thuận thương mại giai đoạn một - hiện vẫn chưa được kí kết - và những thách thức còn tồn tại. Truyền thông nhà nước Trung Quốc không tung hô thỏa thuận này, cũng không nhấn mạnh về những cam kết hay số liệu cụ thể.

Thuế quan không phải chiếc đũa vạn năng. Giả sử thỏa thuận được kí kết và thâm hụt thương mại giảm đi, đó mới chỉ là bước khởi đầu tương đối dễ dàng trên con đường nhiều chông gai.

Mỹ và Trung Quốc giờ đây sẽ tập trung vào các công cụ khác để đạt được mục đích chiến lược của riêng mình trong các vấn đề khó nhằn hơn. Vì thế nên sau thỏa thuận thương mại, quan hệ Mỹ-Trung sẽ thêm căng thẳng chứ không phải nồng ấm.

Một lí do khác khiến cuộc ganh đua Mỹ-Trung càng quyết liệt là sự đối lập trong quan niệm về thời gian. Mỹ lo rằng thời gian không đứng về phía mình, thể hiện qua việc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều muốn gấp rút kiềm chế Trung Quốc trước khi quá muộn.

Ngược lại, Trung Quốc tin rằng thời gian càng dài, nước này càng có khả năng giảm phụ thuộc vào thị trường và công nghệ Mỹ để tự đứng vững trên đôi chân của mình, đồng thời xây dựng mạng lưới đồng minh thân cận để đối kháng với phe Mỹ.

Khi đàm phán thương mại đổ vỡ hồi tháng 5, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc lại lời kêu gọi đất nước "tự lực tự cường" trong những công nghệ thiết yếu, thậm chí huy động toàn thể nhân dân vào một cuộc "Vạn Lí Trường Chinh mới".

Trong đàm phán thương mại giai đoạn hai, Trung Quốc vẫn sẽ đòi Mỹ phải gỡ bỏ toàn bộ thuế quan còn Mỹ chắc chắn sẽ đòi Trung Quốc thay đổi căn bản về chính sách kinh tế - những yêu cầu cả hai bên đều rất khó chấp nhận.

Đạt được thỏa thuận giai đoạn một đã khó, đạt được thỏa thuận tiếp theo sẽ còn khó hơn nhiều, và không ai biết hai siêu cường kinh tế này có thể thoát khỏi cái bẫy của Thucydides để chung sống hòa thuận hay không.

Đức Quyền

Nhận định thị trường chứng khoán 3/1: Biến động quanh ngưỡng 1.267 điểm
Theo dự báo của các công ty chứng khoán, VN-Index có thể sẽ tiếp tục biến động quanh đường trung bình 20 phiên (tức là mức 1.267 điểm) trong phiên kế tiếp. Đồng thời, nếu VN-Index vượt được mức 1.271 điểm trong phiên kế tiếp thì đà tăng có thể sẽ tiếp diễn.