|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Một sự phân hoá rõ nét trong hoạt động cho vay của các ngân hàng

07:00 | 07/02/2020
Chia sẻ
Trong năm 2019, đã có những ngân hàng ghi nhận tăng trưởng cho vay khách hàng lên tới trên 44% trong khi mức tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế chưa đầy 14%.

Có sự phân hoá mạnh

Theo số liệu thống kê từ kết quả kinh doanh của 24 ngân hàng đã công bố, cho vay khách hàng của các nhà băng đã tăng 14,8% trong năm 2019, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước công bố trước đó (trên 13,7%). 

Đáng chú ý, trong số 24 ngân hàng có tới 15 ngân hàng có tăng trưởng tín dụng từ 14% trở lên và có những ngân hàng ghi nhận con số tăng trưởng cho vay rất cao, cách xa ngưỡng bình quân. Điều này cho thấy rằng tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 là có sự phân hoá mạnh giữa các nhà băng. 

Top dẫn đầu những ngân hàng có tăng trưởng cho vay khách hàng ở mức cao như Techcombank (tăng 44,3%); VIB (tăng 34,4%), OCB (tăng 26,2%). Ngoài Top 3 ngân hàng dẫn đầu có hai ngân hàng khác cũng có con số tăng trưởng cho vay trên 20% là SHB (22,2%) và TPBank (23,9%).

Một sự phân hoá rõ nét trong hoạt động cho vay của các ngân hàng - Ảnh 1.

Biểu đồ tăng trưởng cho vay khách hàng năm 2019 (Nguồn: Diệp Bình tổng hợp).

Có thể nhận thấy rằng phần lớn ngân hàng ở nhóm này đều là các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, duy nhất một trong 4 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, ngân hàng có số dư cho vay nhỏ nhất trong nhóm Big4. Và có tới 12/15 ngân hàng này đều đã được NHNN phê duyệt áp dụng chuẩn Basel II trước hạn, một lợi thế để các ngân hàng có thể có được cơ hội nới "room" tín dụng cao hơn.

Trong khi đó, cả ba "ông lớn" còn lại là Agribank, BIDV và VietinBank, những ngân hàng cho vay nhiều nhất hệ thống lại nằm ở nhóm có tăng trưởng cho vay thấp. Đây là nguyên nhân giúp tăng trưởng tín dụng toàn ngành cả năm được kéo về ghi nhận mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Tại những ngân hàng này, tăng trưởng tín dụng bị hạn chế rất nhiều và chủ yếu do vấn đề vốn. Trong Họp báo Chính phủ thường kì tháng 4, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết trong các năm vừa qua các NHTM Nhà nước có tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh từ 14 - 15% nhưng lại không được bổ sung vốn điều lệ. 

Do đó, khi đứng trước qui định mới về hệ số CAR theo Basel II với những tiêu chuẩn cao hơn, nhóm ngân hàng này tỏ ra khá "rón rén" trong từng bước cho vay để tránh trường hợp CAR giảm quá thấp. Sự thận trọng được thể hiện qua việc các ông lớn đặt kế hoạch khiêm tốn cho tăng trưởng tín dụng năm 2019: BIDV đặt kế hoạch tăng trưởng ở mức 12% và VietinBank ở mức 7%.

Những ngân hàng dẫn đầu tăng trưởng cho vay

Có thể nói rằng con số tăng trưởng trên 44% cho vay trong năm 2019 của Techcombank là ấn tượng mạnh đánh dấu một sự thay đổi rất lớn của ngân hàng này vì trong năm trước 2018, cho vay khách hàng của Techcombank đã giảm 0,6% (mặc dù tăng trưởng tín dụng năm 2018 của ngân hàng đạt 20,3%). 

Nguyên nhân của sự chênh lệch này nằm ở quá trình tăng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng. Trong ba năm 2016 - 2018, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân là 85,7%/năm trong khi cho vay khách hàng chỉ tăng trưởng với tốc độ 5,89%/năm.

Chia sẻ trong buổi họp báo công bố kết quả kinh doanh, lãnh đạo của ngân hàng từng cho biết việc tăng mạnh vào mảng trái phiếu doanh nghiệp là một kế hoạch mang tính chất tạm thời khi tăng trưởng tín dụng của toàn ngành bị kiểm soát. Danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng chủ yếu vào 6 tháng cuối năm 2018.

Bước ngoặt ghi nhận bởi tăng trưởng cho vay mạnh mẽ trong năm 2019 là kết quả thực hiện định hướng phát triển mảng bán lẻ của ngân hàng, đặc biệt mảng cho vay mua nhà với khách hàng có thu nhập khá và cao.

Một sự phân hoá rõ nét trong hoạt động cho vay của các ngân hàng - Ảnh 2.

Nguồn: Diệp Bình tổng hợp.

Giữ vị trí thứ hai và thứ ba sau Techcombank là VIB với mức tăng trưởng 34,4% cho vay trong năm 2019 và OCB với mức 26,2%. Con số ghi nhận là rất ấn tượng tuy nhiên đó là điều đã nằm trong kế hoạch của cả hai ngân hàng. 

VIB và OCB đều là những ngân hàng sớm được phê duyệt áp dụng chuẩn Basel II và nhiều khả năng được NHNN ưu tiên tăng hạn mức tín dụng.

Mặc dù cả hai ngân hàng này đều chưa công bố mức "room" tín dụng được NHNN duyệt nhưng có lẽ nó không chỉ dừng ở ngưỡng 13% như tại một số ngân hàng khác. Ngay trong tháng 4 tại đại hội cổ đông thường niên, VIB đã đưa ra mức kế hoạch tăng trưởng cho vay khách hàng là 35% và OCB là 30%.

Theo cho biết từ VIB, trong năm 2019 tốc độ tăng trưởng bán lẻ của ngân hàng đạt mức cao. Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ vào cuối năm 2019 đạt gần 110.000 tỉ đồng, tăng trưởng 46% so với đầu năm, chiếm 82% tổng dư nợ toàn ngân hàng. VIB cũng là ngân hàng dẫn đầu về thị phần cho vay mua ô tô tại Việt Nam trong 3 năm qua (chiếm khoảng 24%).

Theo nhận định của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), cho vay bán lẻ sẽ tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng tín dụng năm 2020. Đặc biệt là tại các ngân hàng quốc doanh như BIDV, VietinBank và Vietcombank, đây là những ngân hàng có cơ cấu cho vay bán lẻ tương đối thấp hơn so với các ngân hàng tư nhân.

Tuy nhiên, SSI Research dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ thấp hơn một chút so với năm 2019, vào khoảng 13-13,5%. Các chuyên gia của SSI cho rằng mức tăng trưởng này là hợp lí do trong bối cảnh các qui định về hoạt động ngân hàng thắt chặt hơn và thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng phát triển.

Diệp Bình