|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những thương vụ 'bắt tay' và 'chia xa' giữa nhà đầu tư ngoại và ngân hàng Việt trong năm 2019

07:00 | 01/02/2020
Chia sẻ
Năm 2019 chứng kiến một loạt thương vụ bán vốn lớn giữa các nhà đầu tư nước ngoài và ngân hàng Việt. Tuy nhiên trong năm qua, không ít cổ đông chiến lược nước ngoài cũng đã quyết định thoái vốn tại các nhân hàng trong nước sau hàng chục năm gắn bó.

Những cuộc "bắt tay"...

Năm 2019 khép lại với một loạt thương vụ mua bán vốn "khủng" giữa các nhà đầu tư nước ngoài và ngân hàng Việt.

Mới nhất, MBBank đã thực hiện chuyển quyền sở hữu cho hơn 21,4 triệu cổ phiếu MBB cho 8 quĩ ngoại. Sau giao dịch, tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng này đã nhích lên 20,9035% từ mức 20% trước đó.

Đây là số cổ phiếu quĩ mà MBBank đã lên kế hoạch chuyển nhượng cho các nhà đầu tư nước ngoài trước đó nhằm huy động vốn sử dụng vào các hoạt động kinh doanh.

Trước đó, BIDV đã hoàn tất thủ tục bán hơn 603 triệu cổ phiếu, tương ứng 15% vốn điều lệ sau phát hành cho KEB Hana Bank. Với hơn 20.200 tỉ đồng thu được từ thương vụ này, vốn điều lệ của BIDV đã tăng lên 40.220 tỉ đồng và trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. 

Đây cũng là giao dịch mua bán sáp nhập (M&A) với một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. 

Nhìn lại những thương vụ 'kết hôn' và 'chia tay' giữa ngân hàng Việt và nhà đầu tư ngoại - Ảnh 1.

Lễ kí kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa BIDV và KEB Hana Bank (Ảnh: BIDV)

Hồi đầu năm 2019, Vietcombank cũng đã phát hành riêng lẻ thành công hơn 111 triệu cổ phiếu mới cho quĩ đầu tư quốc gia của Singapore (GIC Private Limited - GIC) và Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản (Mizuho Bank Ltd) và thu về khoảng 6,2 nghìn tỉ đồng (tương đương với khoảng 265 triệu USD).

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng lên kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% cổ phần, tương đương 337,5 triệu cổ phiếu cho đối tác nước ngoài. Dự kiến, thương vụ này sẽ diễn ra vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2020 sau khi ngân hàng hoàn thành việc phát hành 1,484 tỉ cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu.

Bên cạnh các "ông lớn", một số ngân hàng có qui mô nhỏ cũng đang được ngỏ lời từ các đối tác nước ngoài.

Mới đây, tờ Nikkei Asian dẫn một nguồn tin thân cận cho biết Ngân hàng Aozora của Nhật Bản sẽ mua đến 15% vốn cổ phần của OCB vào trước tháng 4 năm nay. Giá trị thương vụ dự kiến đạt khoảng 15 tỉ yen Nhật, tương đương 139 triệu đô la Mỹ.

Hồi cuối tháng 10/2019, Ngân hàng Quốc dân (NCB) cũng gây chú ý khi cho biết hai nhà đầu tư Nhật Bản và Singapore sẽ mua cổ phần trong đợt phát hành mới để trở thành cổ đông nước ngoài của ngân hàng này trong đợt tăng vốn điều lệ sắp tới. Ngân hàng này còn đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 70% trong năm 2020 bằng phát hành cổ phiếu.

...và chia xa

Không chỉ hoạt động góp vốn mua cổ phần diễn ra sôi nổi, năm 2019 cũng chứng kiến những cuộc "chia tay" giữa các nhà băng Việt với các cổ đông lớn đến từ nước ngoài.

Mới nhất, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC - International Finance Corporation) và Quỹ Đầu tư Cấp vốn IFC (IFC Capitalization Equity Fund) thông báo hoàn tất bán ra hơn 55,7 triệu cổ phiếu CTG của VietinBank trong ngày 8/1.

Sau giao dịch, tỉ lệ sở hữu của nhóm cổ đông này tại VietinBank giảm từ 6,486% xuống còn 4,99%, tương ứng với gần 185,8 triệu cổ phiếu và chính thức không còn là cổ đông lớn của ngân hàng từ ngày 10/1 sau hơn 7 năm liên tục đảm nhiệm vai trò này.

Hồi tháng 11/2019, nhóm cổ đông IFC cũng đã bán ra hơn 57,37 triệu cổ phiếu CTG, giảm tỉ lệ sở hữu tại VietinBank từ 8,027% xuống còn 6,486%.

Trong năm 2019, một cuộc chia tay khác cũng khiến giới tài chính bất ngờ đó là việc Tập đoàn Société Générale và SeABank chính thức "đường ai nấy đi" sau hơn 10 năm gắn bó.

Cụ thể, cổ đông chiến lược nước ngoài là Tập đoàn Société Générale đã thoái toàn bộ 20% vốn góp tại SeABank nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư nhằm rút các khoản đầu tư khỏi thị trường Việt Nam và trên cả châu Á. 

Trước SeABank, Société Générale cũng thoái 100% vốn ở mảng tài chính tiêu dùng khi bán lại Công ty TNHH MTV Tài chính Việt Société Générale (SGVF) cho HDBank.

Đâu là động lực và lo ngại của nhà đầu tư ngoại?

Theo giới phân tích, động lực chính giúp đẩy mạnh các thương vụ bán vốn giữa ngân hàng nội và các nhà đầu tư ngoại đến từ nhu cầu tăng vốn của đang ở mức cấp thiết của hầu hết nhà băng trong hệ thống.

Theo JP Morgan, áp dụng Basel II đồng nghĩa hệ số CAR của các ngân hàng có thể giảm thêm 1,5 - 3%. Còn hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch ước tính, để triển khai Basel II thì vốn các ngân hàng Việt Nam cần tăng thêm 4,1 tỉ USD, trong đó 90% thuộc về các ngân hàng quốc doanh.

Từ năm 2020, khi tiêu chuẩn Basel II được triển khai rộng rãi, hệ số CAR của nhiều ngân hàng sẽ bị đánh giá giảm đi dựa theo công thức mới. Nếu không tìm được cách cải thiện, các ngân hàng phải hạn chế mức độ tăng trưởng tín dụng để giữ hệ số an toàn vốn trên ngưỡng tối thiểu. 

Trong khi đó, với nguồn lực trong nước khá hạn chế thì phương án tối ưu nhất lúc này có lẽ đến từ dòng vốn nước ngoài.

Cùng với đó, những nền kinh tế mới nổi trong đó có Việt Nam là một trong những điểm đến hứa hẹn cho các nhà đầu tư ngoại khi tỉ suất lợi nhuận ở các nền kinh tế phát triển ngày càng thấp nhất là trong bối cảnh lãi suất âm tại nhiều nơi.

Tại Việt Nam hiện nay, hoạt động thu hút vốn ngoại của các nhà băng đang được các cơ quan chức năng tạo điều kiện trên nhiều phương diện.

Theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chính phủ dự kiến giảm tỉ lệ sở hữu tại các NHTM có vốn nhà nước về mức 65% và tiến đến còn 51%. Đây là một cơ hội tốt để nhà đầu tư nước ngoài gia tăng tỉ lệ sở hữu tại các nhà băng Việt.

Tuy nhiên, bên cạnh đó hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài của các ngân hàng cũng đối mặt với không ít khó khăn đến từ cả trong nước và quốc tế.

Về phương diện quốc tế, một số nhà đầu tư nước ngoài buộc phải thoái vốn theo định hướng chiến lược của tập đoàn mẹ, nhất là trong bối cảnh ngân hàng trung ương tại các quốc gia phát triển đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại. Khi đó, chi phí vốn vay tăng và tạo ra những rủi ro mới đối với các khoản đầu tư tại nước ngoài, đặc biệt là rủi ro tỷ giá.

Trong khi đó, để đáp ứng các tiêu chí an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế các ngân hàng trong nước hiện đang phải tích cực tăng vốn và phương thức chủ yếu là phát hành thêm cổ phiếu. Trong bối cảnh này, nếu các cổ đông chiến lược ngoại nếu không muốn giảm tỉ lệ sở hữu thì buộc phải mua thêm ở các đợt phát hành tăng vốn. 

Điều này khiến một số nhà đầu tư buộc phải tính đến phương án thoái vốn trong trường hợp tiềm lực tài chính hạn chế hoặc trong diện phải tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Như trường hợp của SeABank, trong năm 2019 ngân hàng này đã phát hành hơn 168 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, nếu Société Générale không mua thêm thì tỉ lệ sỡ hữu chắc chắn sẽ bị giảm xuống.

Ngoài ra, một lí do khác khiến nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra khá e ngại khi thực hiện góp vốn tại các ngân hàng Việt là sự biến động giá mạnh của giá cổ phiếu sau khi lên sàn chứng khoán.

Nhìn lại trường hợp của Techcombank niêm yết vào khoảng giữa năm 2018. Chào sàn ngay thời điểm thị trường chứng khoán không thuận lợi, cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm tới gần 28% giá trị chỉ sau 3 ngày chào sàn. 

Tính tới thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu TCB đã giảm khoảng 33% (theo giá điều chỉnh). Như vậy, nếu không có sự thay đổi về sở hữu thì loạt quĩ ngoại đã chi khoảng 21.000 tỉ đồng để mua lại 14% vốn nhà băng này (giá mua 128.000 đồng/cp) vào thời điểm lên sàn đang tạm lỗ hàng nghìn tỉ đồng.

Những thương vụ 'bắt tay' và 'chia xa' của nhà đầu tư ngoại và ngân hàng Việt trong năm 2019 - Ảnh 3.

Diễn biến giá cổ phiếu TCB (đã điều chỉnh) từ ngày niêm yết (Nguồn: VnDirect).


Quốc Thụy