|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hai nhà đầu tư Nhật Bản và Singapore muốn mua cổ phần của Ngân hàng Quốc dân?

12:13 | 30/10/2019
Chia sẻ
Theo cho biết từ NCB, vào cuối tháng 10 ngân hàng đã có buổi làm việc với nhà đầu tư Singapore, một trong những nhà đầu tư ngoại mong muốn tham gia mua cổ phần của NCB trong đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.

Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cho biết trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8/2019, Ban lãnh đạo ngân hàng đã có buổi gặp gỡ với hai nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Singapore. Đây là hai nhà đầu tư ngoại có mong muốn tham gia mua cổ phần của NCB trong đợt phát hành cổ phiếu mới nhằm tăng vốn điều lệ của nhà băng này.

Gần đây nhất, ngày 26/10, NCB đã có buổi làm việc với đoàn nhà đầu tư Singapore. Tại đây, hai bên đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình ngân hàng bán lẻ và định hướng phát triển Digital Banking trong tương lai.

Nhà đầu tư Nhật Bản và Singapore muốn mua cổ phần NCB - Ảnh 1.

Buổi tiếp nhà đầu tư Singapore đến chia sẻ mô hình ngân hàng bán lẻ và phát triển Digital Banking (Ảnh: Quang Minh)

Quá trình tìm kiếm nhà đầu tư ngoại của NCB đã được đề cập tới từ các đại hội cổ đông  năm 2017 tới nay. NCB liên tục đánh tiếng về quá trình làm việc với các đối tác nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ để xác định đối tác chiến lược mua cổ phần nhưng vẫn chưa có kết quả chính thức nào.

Trước khi tìm kiếm và lựa chọn hai nhà đầu tư này, NCB cho biết đã đặt ra nhiều tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược phù hợp với nhu cầu và đặc điểm thực tế của mình, gồm: Tổng tài sản, lợi nhuận ròng, lĩnh vực hoạt động, kinh nghiệm hoạt động quốc tế, xếp hạng tín nhiệm độc lập quốc tế, hòa hợp văn hóa doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp…

Phía ngân hàng cho rằng nếu kế hoạch tăng vốn thành công, NCB sẽ có sự bứt phá, tiến lên nhóm ngân hàng có qui mô vốn tầm trung. Từ đó là nguồn lực để ngân hàng nâng cấp cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, phát triển ngân hàng bán lẻ và ngân hàng số,...

Trước đó, ngân hàng đã đặt kế hoạch phát hành hơn 199 triệu cổ phiếu mới giá 10.000 đồng/cp để tăng vốn lên trên 5.000 tỉ đồng. Trong đó, phát hành cho cổ đông hiện hữu gần 184,56 triệu cổ phiếu và cho cán bộ, công nhân viên ngân hàng gần 14,88 triệu cổ phiếu. 

Ngân hàng đã phát hành thành công hơn 109 triệu cổ phiếu, trong đó có hơn 96 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và 12,8 triệu cổ phiếu cho người lao động. Hiện vốn điều lệ của ngân hàng đã tăng lên từ hơn 3.000 tỉ đồng (từ năm 2011) lên hơn 4.000 tỉ đồng.

vdl-ncb-1556888720196668629937

Biến động vốn điều lệ của NCB qua các năm (Nguồn: NCB).

Theo dự kiến ban đầu, ngân hàng dùng gần 100 tỉ đồng đầu tư thay đổi và xây dựng thương hiệu cho ngân hàng; 150 tỉ đồng đầu tư cơ sở công nghệ; 100 tỉ đồng tăng vốn cho Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác Tài sản NCB (AMC) và 1.644 tỉ đồng để bổ sung vốn tự có để cho vay trung và dài hạn.

Tính đến 30/9, tổng tài sản của NCB giảm 2,2% (hơn 1.600 tỉ đồng) xuống còn 70.794 tỉ đồng, trong đó cho vay khách hàng đạt 37.634 tỉ đồng, tăng 5,5% so với đầu năm. Trong khi đó, số dư tiền gửi khách hàng tăng mạnh 23,7% đạt 58.343 tỉ đồng.

screen-shot-2019-10-19-at-122830-15714629247241297214071

Một số chỉ tiêu tài chính của NCB vào cuối tháng 9/2019 (Nguồn: BCTC NCB).

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế  của ngân hàng đạt 23,8 tỉ đồng, tăng gần 38% so với cùng kì năm trước và bằng 34% kế hoạch cả năm (70 tỉ đồng). Lợi nhuận sau thuế đạt 19 tỉ đồng.

DB