|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trước thềm tăng vốn, Ngân hàng Quốc dân (NCB) lại xáo trộn nhân sự cấp cao, sắp thay đổi nhận diện thương hiệu?

20:13 | 03/05/2019
Chia sẻ
Trước thềm phát hành cổ phiếu tăng vốn, một lần nữa nhân sự cấp cao của Ngân hàng Quốc dân (NCB) lại xáo trộn. Năm nay ngân hàng có kế hoạch tăng vốn và thay đổi nhận diện thương hiệu.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 mới đây, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB - Mã: NVB) tiếp có sự thay đổi nhân sự cấp cao, số lượng thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) giảm còn 6 người.

Cụ thể, đại hội đã chấp thuận đơn từ nhiệm chức Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015 - 2020 đối với ông Vũ Hồng Nam, bà Nguyễn Thị Mai, ông Lê Hồng Phương. Đồng thời đại hội bầu bổ sung đối với ông Phạm Thế Hiệp.

Trước thềm tăng vốn, Ngân hàng Quốc dân (NCB) lại xáo trộn nhân sự cấp cao, sắp thay đổi nhận diện thương hiệu? - Ảnh 1.

Ông Phạm Thế Hiệp

Ngoài vị trí Thành viên HĐQT mới được bổ nhiệm, ông Phạm Thế Hiệp hiện còn là Phó Tổng Giám đốc NCB. Ông Hiệp sinh năm 1969, có khoảng 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đảm nhiệm một số vị trí tại Ngân hàng Techcombank, ACB, Maritime Bank. Trước khi làm Phó TGĐ NCB, ông Hiệp là Giám đốc Khối Ngân hàng Doanh nghiệp. (Ảnh)

Ông Lê Hồng Phương (sinh năm 1966) hiện là Tổng Giám đốc ngân hàng. Ông Phương chỉ mới tham gia vào HĐQT NCB đúng 1 năm (vào ngày 26/4/2018), hiện ông Phương không nắm cổ phần NVB. Bà Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1978, trình độ Thạc sỹ kinh tế) hiện giữ chức Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng, hiện không nắm cổ phần NVB.

Mỗi năm mỗi thay đổi nhân sự trong HĐQT NCB

Có thể thấy, những năm gần đây, HĐQT NCB liên tục xáo trộn, đặc biệt là từ năm 2013, khi nhóm cổ đông của ông Đặng Thành Tâm rút lui.

Trong ba nhân sự thôi chức Thành viên HĐQT trên, ông Vũ Hồng Nam (sinh năm 1967, trình độ Cử nhân Vật lý và Vật lý thiên văn) là nhân vật đáng chú ý nhất. Từ hồi tháng 2/2019, bản cáo bạch chuẩn bị phát hành cổ phiếu của NCB đã không có tên ông Nam trong danh sách thành viên HĐQT.

Ông Nam là người tham gia HĐQT NCB từ năm 2013 và giữ chức Chủ tịch ngân hàng ngay khi đó. 2013 cũng là năm NCB "thay máu" gần như toàn bộ HĐQT, chỉ giữ lại duy nhất bà bà Nguyễn Thị Thu Hương ở vị trí Thành viên. Thời điểm đó, khi nhóm cổ đông ông Đặng Thành Tâm rút lui, nhóm thay thế đến từ Tập đoàn Gami (Gami Group), ông Vũ Hồng Nam là một lãnh đạo của tập đoàn này.

Đến năm 2014, một nhân vật đáng chú ý khác tham gia vào NCB với vị trí thành viên HĐQT thường trực là bà Trần Hải Anh, là vợ của ông chủ Gami Group - Nguyễn Tiến Dũng. Ngoài ra còn có bà Đặng Thị Xuân Hồng, nguyên Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) giai đoạn 2010 – 2012 cũng được bầu bổ sung vào HĐQT NCB.

Năm 2015, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Alphanam Nguyễn Tuấn Hải tham gia vào HĐQT NCB, ông Hải từng là một trong 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam với tải sản nghìn tỉ đồng. Hiện tại Alphanam, ông Hải vẫn đang là Chủ tịch, con trai và con gái ông nắm giữ chức CEO tại các công ty thành viên.

Trước thềm tăng vốn, Ngân hàng Quốc dân (NCB) lại xáo trộn nhân sự cấp cao, sắp thay đổi nhận diện thương hiệu? - Ảnh 2.

Ông Hải cũng hai người con đang nắm giữ chức vụ chủ chốt lại Alphanam

Cũng trong 2015, HĐQT còn có sự tham gia của ông Lê Xuân Nghĩa (từng giữ chức Vụ trưởng vụ Chiến lược phát triển Ngân hàng Nhà nước và Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia).

Năm 2016, ông Vũ Hồng Nam chuyển giao chiếc ghế Chủ tịch cho bà Trần Hải Ảnh.

Năm 2017, đánh dấu thời điểm ông chủ Gami Group Nguyễn Tiến Dũng tham gia vào NCB trong vai trò Chủ tịch Ngân hàng. Đồng thời năm này, ông chủ Tập đoàn C.T Trần Kim Chung cũng góp mặt vào NCB. Theo giới thiệu của NCB, ông Chung không có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Ngoài C.T Group, ông Chung còn là Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM.

  Ông Trần Kim Chung, Chủ tịch Tập đoàn C.T Group. (Ảnh: CT Group).

Đến 2018, NCB bầu thêm ông Lê Hồng Phương vào HĐQT. Tuy nhiên chỉ sau 1 năm thì ông Phương đã xin thôi chức tại HĐQT. Đồng thời là sự ra đi của hai thành viên HĐQT khác như đề cập ở trên.

Trước thềm tăng vốn, Ngân hàng Quốc dân (NCB) lại xáo trộn nhân sự cấp cao, sắp thay đổi nhận diện thương hiệu? - Ảnh 4.

Nhân sự NCB liên tục thay đổi qua từng năm

NCB tăng vốn để thay đổi nhận diện thương hiệu?

Có thể thấy năm nào HĐQT NCB cũng có sự thay đổi, đặc biệt năm nay, nhân sự lại thay đổi ngay trước thềm ngân hàng đang có kế hoạch phát hành hơn 199 triệu cp giá 10.000 đồng/cp để tăng vốn lên trên 5.000 tỉ đồng.

Trong kế hoạch này chỉ bao gồm phát hành cho cổ đông hiện hữu gần 184,56 triệu cổ phiếu và cho cán bộ, công nhân viên ngân hàng gần 14,88 triệu cổ phiếu. Mặc dù từ năm 2017 đến nay, NCB liên tục đánh tiếng về việc làm việc với các đối tác nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ để xác định đối tác chiến lược mua cổ phần.

Trước thềm tăng vốn, Ngân hàng Quốc dân (NCB) lại xáo trộn nhân sự cấp cao, sắp thay đổi nhận diện thương hiệu? - Ảnh 5.

Vốn điều lệ NCB giữ nguyên trên 3.000 tỉ đồng từ năm 2011 đến nay.

Tính đến tháng 10/2018, tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài tại NCB chỉ khoảng 0,05%, tức chưa đầy 160 nghìn cổ phần.

NCB đã giữ nguyên vốn điều lệ khoảng 3.010 tỉ đồng từ suốt năm 2011 đến nay. Việc huy động vốn lần này của NCB dự kiến thu về gần 2.000 tỉ đồng. Trong đó ngân hàng dùng gần 100 tỉ đồng đầu tư thay đổi và xây dựng thương hiệu cho ngân hàng; 150 tỉ đồng đầu tư cơ sở công nghệ; 100 tỉ đồng tăng vốn cho Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác Tài sản Ngân hàng Quốc dân (AMC); còn lại 1.644 tỉ đồng để bổ sung vốn tự có để cho vay trung và dài hạn.

Đáng chú ý, NCB cho hay sẽ tái thiết hình ảnh và nội thất hệ thống, hoàn thành và quảng bá bộ nhận diện thương hiệu mới… Trước đó, sau khi nhóm cổ đông Đặng Thành Tâm rút lui, NCB cũng đã từng thay đổi nhận diện thương hiệu và đổi tên (từ Ngân hàng TMCP Nam Việt - Navibank), từ màu xanh ngọc bích chuyển thành màu đỏ và xanh dương.

Trước thềm tăng vốn, Ngân hàng Quốc dân (NCB) lại xáo trộn nhân sự cấp cao, sắp thay đổi nhận diện thương hiệu? - Ảnh 6.

Logo cũ (phía trên) và hiện nay của NCB

Theo kế hoạch trong quý I NCB sẽ phân bổ cổ phần cho cổ đông, tuy nhiên đến đầu tháng 5 này vẫn chưa có công bố chính thức từ phía ngân hàng về kết quả phát hành cổ phần.

Đối với kế hoạch xây dựng hình ảnh hưởng hiệu toàn bộ ngân hàng, dự kiến quý II sẽ tiến hành đầu tư thay đổi và xây dựng thương hiệu cho hội sở, 5 chi nhánh và 22 phòng giao dịch. Quý III sẽ thay đổi 7 chi nhánh, 22 phòng giao dịch và đến quý IV là 12 chi nhánh với 22 phòng giao dịch.

Trước thềm tăng vốn, Ngân hàng Quốc dân (NCB) lại xáo trộn nhân sự cấp cao, sắp thay đổi nhận diện thương hiệu? - Ảnh 7.

 

Lợi nhuận "nhỏ giọt" qua các năm

Liên tục thay đổi nhân sự cấp cao cũng ảnh hưởng phần nào đến tình hình kinh doanh của ngân hàng. Trong khi các ngân hàng cùng quy mô với NCB, những năm qua đã có lợi nhuận lên đến hàng trăm tỉ đồng, song NCB vẫn chỉ dừng ở con số vài chục tỉ đồng. Thậm chí giai đoạn 2013 - 2016, NCB chỉ đạt lãi vài tri đồng, mặc dù quy mô tài sản liên tục tăng trưởng hai con số mỗi năm. Bên cạnh đó, nhiều năm qua ngân hàng cũng không chia cổ tức. Điểm tích cực là tỷ lệ nợ xấu đã giảm về dưới 3%.

Năm nay, dù có kế hoạch tăng vốn khủng nhưng các chỉ tiêu kinh donah của ngân hàng đặt tương đối khiêm tốn, trong đó lợi nhuận sau thuế 40 tỉ đồng, tăng khoảng 11%.

Trước thềm tăng vốn, Ngân hàng Quốc dân (NCB) lại xáo trộn nhân sự cấp cao, sắp thay đổi nhận diện thương hiệu? - Ảnh 8.

(Nguồn: TV tổng hợp)

Trước thềm tăng vốn, Ngân hàng Quốc dân (NCB) lại xáo trộn nhân sự cấp cao, sắp thay đổi nhận diện thương hiệu? - Ảnh 9.

(Nguồn: TV tổng hợp)

Tiến Vũ