|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Một ông lớn ngành tôm dự kiến chậm nhất 10/9 sẽ trở lại hoạt động bình thường sau giai đoạn 'ba tại chỗ'

08:27 | 06/09/2021
Chia sẻ
"Ba tại chỗ" khiến năng suất giảm, thiếu lao động đang ghìm đà tăng trưởng của Sao Ta. Tuy nhiên, Sao Ta phấn đấu đến chậm nhất 10/9 sẽ trở lại hoạt động bình thường khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng hơn ở Sóc Trăng.

CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm.

Doanh nghiệp cho biết tháng 8, đồng bằng sông Cửu Long cùng một số tỉnh Đông Nam Bộ chịu sự tác động khá căng thẳng từ COVID-19. Trong lĩnh vực thủy sản, một số nhà máy chế biến tôm và cá tra phải đóng cửa vì dịch lây lan mạnh trên địa bàn. 

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT chia sẻ nửa tháng đầu Sao Ta chỉ có 40% lao động thực thi "ba tại chỗ", nửa tháng sau tăng lên 60% do tỉnh nới rộng đi lại vùng an toàn. Thực chất, tỷ lệ lao động trực tiếp lại thấp hơn bình thường, do đội ngũ gián tiếp có mặt tỷ lệ cao hơn.

Công nhân chuyên môn làm nhiều mặt hàng ở nhiều xưởng, nay dồn về hai xưởng cho ít mặt hàng hơn nên năng suất bị giảm, cộng với tâm trạng còn âu lo, nếu sản xuất hàng chế biến sâu nhiều sẽ tăng tỉ lệ hàng có lỗi, rủi ro.

Tình hình trên khiến kết quả hoạt động tháng 8 giảm sút, cơ bản do thu hẹp công suất vì thiếu lao động.

Sản xuất tôm tháng 8 đạt 1.618 tấn, bằng 68% so cùng kỳ năm 2020. Luỹ kế 8 tháng là 13.813 tấn, tăng 11% so cùng kỳ năm trước.

Sản lượng tiêu thụ trong tháng là 11,1 triệu USD, giảm 56% so cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 8 tháng là 132,9 triệu USD, tăng 10% so cùng kỳ năm 2020.

Tiêu thụ nông sản 8 tháng đạt 1.079 tấn, tăng 27% so cùng kỳ năm ngoái.

Gian nan 'ba tại chỗ', Sao Ta phấn đấu chậm nhất 10/9 sẽ trở lại hoạt động bình thường - Ảnh 1.

Bên trong nhà máy của Sao Ta. (Ảnh: thepangroup.vn).

Hiện nay tỉnh Sóc Trăng thực thi Chỉ thị 16 linh hoạt, lấy địa bàn phường xã làm phòng tuyến chống dịch. Các vùng còn rủi ro cao vì dịch (đỏ, cam), người lao động không thể đi làm khiến Sao Ta bị giảm một số lao động. 

Sao Ta cho hay đang thu thêm lao động các vùng an toàn (xanh và vàng). Doanh nghiệp phấn đấu đến chậm nhất 10/9 sẽ trở lại hoạt động bình thường như trước xảy ra dịch, nhằm tăng tốc hoàn thành các đơn hàng, hoàn thành kế hoạch năm 2021 (200 triệu USD doanh số và 250 tỷ đồng lợi nhuận).

Ở lĩnh vực nuôi tôm, Sao Ta đã thả giống cho 320 ao tôm. Về việc xây dựng nhà máy mới đã ít nhiều bị giãn tiến độ do dịch không thể tập kết thiết bị theo kế hoạch và công nhân đi làm bị hạn chế.

Tương tự, một doanh nghiệp tôm khác là CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (Mã: MPC) cũng gặp nhiều bất cập khi "ba tại chỗ".

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc chia sẻ tại một sự kiện mới đây rằng hiện công ty chỉ hoạt động khoảng 20-30% trong khi đơn hàng còn rất nhiều. Điều này dẫn đến giá tôm thu mua từ người dân giảm mạnh.

Thậm chí, nếu thương lái thu mua giá còn thấp hơn so với nhà máy khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg do phải chịu nhiều chi phí phát sinh do vận chuyển trong mùa dịch khó khăn. Người nuôi tôm sẽ lỗ nặng và không thể tái thả tôm ở vụ sau.

Chỉ khoảng 23% công nhân được đi làm, ông Quang lo ngại nếu sau này dịch bệnh được kiểm soát, việc kêu gọi công nhân đi làm trở lại sẽ rất khó khăn.

Do đó, ông Quang cho rằng muốn chuỗi sản xuất tôm không bị đứt gãy, giá tôm tăng trở lại thì cần tạo điều kiện để nhà máy nâng cao công suất.

Hoàng Kiều

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.