Doanh thu ngành thủy sản có thể quay đầu sụt giảm từ tháng 8 và kéo dài đến quý IV
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo cập nhật ngành thủy sản, theo đó công ty này nhận định tác động của giãn cách xã hội sẽ thấy rõ từ tháng 8 trở đi.
Xuất khẩu thủy sản sẽ gặp khó đến tiếp quý IV
VDSC cho rằng triển vọng nguồn cung vốn đã khó khăn đối với ngành thủy sản Việt Nam càng thêm phức tạp do các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.
Trong đó, nhiều nhà máy chế biến thủy sản đã phải đóng cửa, và những nhà máy có thể tiếp tục hoạt động phải giảm công suất hoạt động, đồng thời phải thực hiện “3 tại chỗ” và xét nghiệm nhanh COVID-19 thường xuyên với các công nhân tại nhà máy.
Theo VASEP, trong tháng 7/2021, giá trị xuất khẩu thủy sản đã giảm 4% so với cùng kỳ sau khi tăng 15% và đạt 4,1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021.
Bên cạnh đó, số lượng nhân viên chỉ chiếm 30% - 50% mức bình thường đã gây ra sụt giảm công suất từ 50% đến 60% công suất sản xuất. Theo Undercurrent News, sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã giảm khoảng 18% so với tháng trước trong tháng 7.
Trong khi sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, thì các chi phí cho doanh nghiệp đảm bảo được "3 tại chỗ" lại tăng vọt và đang tạo áp lực lớn.
Song thực tế nhiều doanh nghiệp thủy sản niêm yết vẫn ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu khả quan trong tháng 7 như CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) và CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC), với mức tăng lần lượt là 21% và 9% so với cùng kỳ.
Theo các chuyên gia, điều này được lý giải là do các công ty đầu ngành có đủ nguồn lực để duy trì hoạt động sản xuất dù công suất thấp hơn bình thường, cùng với đó là độ trễ thông thường của hàng tồn kho khoảng một tháng giúp các doanh nghiệp có đủ hàng xuất khẩu trong nửa cuối tháng 7.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu tháng 8, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 264 triệu USD, giảm 41% so với nửa cuối tháng 7 và giảm 30% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng xuất khẩu cá tra nửa đầu tháng 8 đã giảm mạnh hơn 30% so với cùng kỳ.
Do đó, báo cáo chỉ ra rằng các công ty thủy sản sẽ bắt đầu chứng kiến xuất khẩu giảm mạnh kể từ tháng 8 trở đi. VDSC cũng lo ngại rằng sự sụt giảm này có thể diễn ra tiếp tục vào quý IV do các ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) trước đó cũng đã đưa ra nhận định tương tự khi cho rằng kim ngạch xuất khẩu trong cả tháng 8 của ngành thủy sản sẽ giảm mạnh so với những tháng trước và giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng với ngành hàng cá tra sẽ bị tổn thất mạnh nhất vì hơn nửa sổ nhà máy cá tra bị ngừng hoạt động trong thời gian qua. Trong khi đó xuất khẩu tôm và cá ngừ có thể giảm ít hơn so với cá tra.
Hiện các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản tập trung khá nhiều ở TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ nên chắc chắn cũng giảm mạnh so với tháng trước và so với tháng 8/2020, VASEP nhận định.
Tựu chung lại, VDSC cho rằng triển vọng xuất khẩu của ngành thủy sản trong nửa cuối năm nay tương đối kém khả quan. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giúp các doanh nghiệp trở lại sản xuất bình thường trong nửa cuối năm nay, thì các chuyên gia nhận định ngành thủy sản sẽ tích cực hơn trong năm 2022.
Giá xuất khẩu cá tra phục hồi, tiêu thụ tôm Việt Nam hưởng lợi từ khó khăn của đối thủ
Phân tích rõ hơn về từng mảng, các chuyên gia cho rằng giá xuất khẩu cá tra sang Mỹ trên đà phục hồi. Còn mảng tôm cũng ghi nhận nhiều yếu tố tích cực giúp củng cố nhu cầu tiêu thụ đối với tôm Việt Nam.
Cụ thể, với nhu cầu sản phẩm thủy sản tăng mạnh tại Mỹ, giá bán trung bình của cá tra và tôm đã tăng lần lượt 15% và 5% trong 6 tháng đầu năm kể từ cuối năm 2020.
Với 50% thị phần về giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ, các nhà phân tích có quan điểm tích cực về Vĩnh Hoàn nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng kết hợp với chi phí logistics có thể dần hạ nhiệt trong năm 2022. Tuy nhiên Vĩnh Hoàn cũng phải đối mặt với sự gián đoạn nguồn cung ngắn hạn trong bối cảnh COVID-19.
Ngược lại, giá bán cá tra sang EU và Trung Quốc vẫn đi ngang so với đầu năm. Trong đó, Trung Quốc đã phải đối mặt với các yêu cầu kiểm soát và kiểm tra chặt chẽ hơn liên quan đến COVID-19 đối với nhập khẩu thực phẩm đông lạnh. Vấn đề này theo các chuyên gia sẽ tiếp diễn trong nửa cuối năm 2021 do các đợt bùng phát COVID mới.
Còn tại thị trường EU, giá bán cá tra thấp do xuất khẩu cá tra của Việt Nam cạnh tranh với nhiều loại sản phẩm cá thịt trắng đang có xu hướng giảm giá bán.
Với mảng tôm, ngoài nhu cầu tăng từ các thị trường chính, nhu cầu đối với tôm Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi từ những khó khăn của các đối thủ cạnh tranh.
Đặc biệt, nguồn cung tôm từ Ấn Độ và Indonesia bị suy giảm do COVID-19 và hầu như chưa phục hồi trước mùa lễ hội cuối năm sẽ mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất Việt Nam.
Hơn nữa, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả thuế quan chống bán phá giá sơ bộ rằng tôm Ấn Độ sẽ bị đánh thuế ở mức kỷ lục 7,57%. Thuế chống bán phá giá này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng cạnh tranh về giá bán của Việt Nam, các chuyên gia nhận định.
Bên cạnh đó, VDSC kỳ vọng giá bán tôm sẽ tăng nhanh hơn giá tôm nguyên liệu. Bởi giá tôm nguyên liệu dự kiến sẽ không tăng do sản lượng tôm dồi dào, theo AgroMonitor. Do nguồn cung tôm Ấn Độ thiếu hụt, nên báo cáo chỉ ra rằng giá bán của Việt Nam và biên lợi nhuận của các nhà sản xuất tôm sẽ tăng trong nửa cuối năm 2021.
Ngoài ra, việc thay đổi hành vi của người tiêu dùng đối với các sản phẩm tôm chế biến khi họ sẽ duy trì nấu ăn ở nhà nhiều hơn sau đại dịch sẽ thúc đẩy xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Với những thuận lợi này, các chuyên gia nhận định triển vọng tiêu thụ đầu ra của Sao Ta và CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) sẽ sáng sủa hơn, nhờ tăng tốc xuất khẩu sang Mỹ bằng cách thay thế nguồn cung của Ấn Độ trong khi vẫn duy trì xuất khẩu sang EU và Nhật Bản.
Ngoài ra, hiện Sao Ta và Minh Phú cũng tập trung vào các dự án đầu tư theo chuỗi giá trị tích hợp để tăng trưởng bền vững trong dài hạn.