|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Một nhà hàng ở Hà Nội kì thị người Trung Quốc vì Covid-19

21:56 | 06/03/2020
Chia sẻ
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu xử lí nghiêm các trường hợp kì thị người đến từ các nước đang có dịch bệnh Covid-19.

Chiều 6/3, phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, trong thời gian qua đã kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh hiện tượng kỳ thị những người dân đến từ những nước có dịch. “Quận đã kiểm tra một trường hợp kỳ thị, không đón tiếp khách đến từ Trung Quốc. Chúng tôi đã kịp thời xử lý, yêu cầu chủ nhà hàng chấn chỉnh, quản lý nhân viên”, vị này nói.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương cho biết, trên địa bàn quận có Hội Tin lành của người Hàn Quốc, khoảng 400 tín đồ. Từ cuộc họp trước, theo chỉ đạo của UBND thành phố, quận đã xuống làm việc trực tiếp, yêu cầu không tụ họp đến hết tháng 3.

“Hôm nay, họ có văn bản đề nghị quận xin phép thành phố cho hoạt động lại từ ngày 15/3, bởi vì trong gần 1 tháng họ không có nơi để sinh hoạt, đức tin bị khoảng cách dài, không được”, ông Cương nói.

Theo ông Cương, quận kiên quyết không chấp thuận đề nghị này, bởi đây là thực hiện nhiệm vụ chung của thành phố. Thậm chí, nếu hết tháng 3 mà tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp thì sẽ tiếp tục yêu cầu tạm dừng.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Ban Tôn giáo thành phố phối hợp với lãnh đạo quận, công an thành phố, Sở Ngoại vụ trao đổi với Đại sứ quán Hàn Quốc, trực tiếp gặp lãnh đạo Hội thánh Tin lành người Hàn Quốc tại Hà Nội để vận động, cố gắng không tụ họp trong thời gian hết tháng 3. “Tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội là hết tháng 3. Cần tuyên truyền để họ thông cảm, vì chính họ, vì cộng đồng và vì thành phố. Phải nói rõ để họ nhận thức được”, ông Chung nói.

Liên quan đến trường hợp nhà hàng ở quận Hoàn Kiếm kỳ thị người Trung Quốc, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, quận đã kịp thời xử lý, chấn chỉnh thái độ kinh doanh. Ông Chung yêu cầu các địa phương nâng cao tuyên truyền, không được kỳ thị bất cứ một công dân nào của các quốc gia đang có dịch bệnh.

“Ngay như nước ta cũng nằm trong danh sách đã từng có dịch bệnh với 16 trường hợp. Phải tuyên truyền để không được kỳ thị. Phát hiện trường hợp nào thì phải nhắc nhở, xử phạt một cách nghiêm túc, thậm chí phải thu hồi giấy phép kinh doanh. Quan điểm rõ như vậy”, ông Chung nói, đồng thời cho biết, Thủ tướng cũng chỉ đạo, không được kỳ thị người nước ngoài, tăng cường xúc tiến du lịch, đảm bảo an toàn cho khách du lịch khi đến Việt Nam.

Về các biện pháp phòng, chống dịch, ông Chung tiếp tục yêu cầu công khai, minh bạch toàn bộ các trường hợp nghi nhiễm phải đưa đi bệnh viện để người dân, hàng xóm, người quen có biện pháp xử lý. Cũng cần phải thông tin đến các đoàn công tác của các bộ, ban, ngành, cơ quan đóng trên thành phố thông tin công khai các đoàn đi nước ngoài, đặc biệt các nước đang bùng phát dịch để giám sát.

“Trong trường hợp nếu xảy ra dịch bệnh trên diện rộng thì quan trọng nhất vẫn là yếu tố tự giác của người dân. Phương án thế thôi, nhưng nếu cỡ khoảng 5000 – 7000 trường hợp, mà phải đủ cơ số y tá, bác sĩ phục vụ 24/24/7, ít nhất trong 20 ngày thì số lượng tăng lên rất nhiều. Bây giờ đang nghi ngờ nhiễm bệnh thì thế thôi, nhưng nếu nhiễm thật, khoảng 1000 – 2000 trường hợp thì kịch bản sẽ khác. Vì vậy, cần nhận thức được vấn đề để tuyên truyền, làm sao người dân có ý thức tự giác, thấy được sự nguy hiểm của dịch bệnh”, ông Chung nói thêm.

Trường Phong

Trường Phong