|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Một năm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu (Bài 2)

10:45 | 08/08/2018
Chia sẻ
Phải khẳng định rằng, Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã tạo sự đột phá trong triển khai xử lý nợ xấu (XLNX). Tuy nhiên, hầu hết các chính sách, khi đi vào thực tiễn vẫn có thể phát sinh những vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ và XLNX cũng không phải ngoại lệ.
mot nam trien khai nghi quyet cua quoc hoi ve xu ly no xau bai 2 Một năm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu (Bài 1)

Vấn đề tái cơ cấu và XLNX không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai mà phải xem như nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nên cơ chế, chính sách cũng phải bài bản. Và để thực hiện hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” theo Quyết định 1058/QĐ-TTg và Nghị quyết 42, NHNN đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các TCTD do Thủ tướng làm Trưởng ban, ban hành Chỉ thị về triển khai thực hiện Nghị quyết 42.

Đồng thời, NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu của NHNN và Tiểu ban chỉ đạo XLNX ngành Ngân hàng, ban hành Chỉ thị về việc thực hiện Nghị quyết 42 và Đề án cơ cấu lại trong toàn ngành Ngân hàng…

mot nam trien khai nghi quyet cua quoc hoi ve xu ly no xau bai 2
Ảnh minh họa

NHNN cũng đã có các văn bản hướng dẫn các TCTD (theo từng nhóm, loại hình TCTD) xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020 nhằm bảo đảm khắc phục, xử lý triệt để những tồn tại, hạn chế theo đúng mục tiêu, yêu cầu của Quyết định 1058; chỉ đạo, hướng dẫn từng TCTD triển khai thực hiện Nghị quyết 42 để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết; đồng thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng tại các TCTD.

Với sự vào cuộc quyết liệt trong triển khai thực hiện Nghị quyết 42, công tác XLNX đã được hỗ trợ tích cực về mặt pháp lý, thuận lợi hơn và có nhiều tiến triển tích cực. Nghị quyết này đã thông qua việc hỗ trợ pháp lý cho quá trình xử lý khối tài sản bảo đảm đằng sau những khoản nợ xấu; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động mua bán nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)...

Đặc biệt, VAMC đã ký thỏa thuận hợp tác và phối hợp chặt chẽ với một số TCTD có dư nợ xấu lớn, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là các biện pháp mạnh như thu giữ tài sản bảo đảm, tổ chức bán đấu giá công khai để thu hồi nợ. Thống kê đến ngày 30/6/2018, VAMC đã thực hiện thu giữ 6 tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ. Quá trình thu giữ của VAMC đều tuân thủ theo đúng trình tự quy định của pháp luật và nhận được sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương… Song song với đó, VAMC đã hỗ trợ, phối hợp tích cực với các TCTD trong công tác xử lý, thu hồi nợ và luôn hoàn thành tốt những nhiệm vụ trọng tâm đề ra.

Thống kê từ VAMC cho thấy, với sự vào cuộc quyết liệt cùng các giải pháp đồng bộ, tỷ lệ nợ xấu của toàn Ngành đã giảm xuống còn 2,18%. Trong đó, nợ xấu xử lý qua VAMC đến 30/6/2018 đạt 310.517 tỷ đồng theo dư nợ gốc nội bảng, ước tính đạt trên 40% tổng nợ xấu được xử lý. VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi được gần 100 nghìn tỷ đồng. Ông Đoàn Văn Thắng – Tổng giám đốc VAMC cho biết, riêng năm 2017, nhờ có sự ra đời của Nghị quyết 42 có hiệu lực từ ngày 15/8/2017, VAMC đã thu được 30.852 tỷ đồng. Con số thu hồi nợ này gần bằng 2/3 tổng giá trị thu hồi nợ của cả 4 năm trước đó.

Từng tham gia đóng góp nhiều ý kiến trong quá trình xây dựng Nghị quyết 42, TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định: Đến nay, sau một thời gian đi vào triển khai thực hiện, Nghị quyết 42 đã mang lại hiệu quả tích cực.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, hiệu quả của nó không chỉ ở con số nợ đã được xử lý mà ở đây là thay đổi rất lớn trong cả hệ thống chính trị và trong những người làm công tác điều hành kinh tế. Bởi từ trước tới nay chúng ta cứ quan niệm, thiếu tiền thì ra ngân hàng vay; vay tiền rồi mà không trả được thì cứ từ từ. Nhưng với Nghị quyết 42, khách hàng có vay thì phải có trả và đã đưa tài sản bảo đảm vào cam kết phần vay, khi không thực hiện trả được nợ thì phải thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Có một thực tế mà nhiều lãnh đạo NHTM khẳng định, bên cạnh việc xử lý nợ xấu cũ thì số lượng tự trả nợ đã tăng cao so với những năm trước đây, điều này cho thấy rằng, Nghị quyết 42 mang lại “tác động kép”. Từ sự luật hóa trong việc XLNX đã tác động tới ý thức của người vay vốn và khách hàng khi đã vay vốn ngân hàng thì buộc phải thận trọng tính toán kỹ các phương án sản xuất, kinh doanh và có phương án trả nợ đúng hạn.

Đón đọc Bài 3: Những vướng mắc phát sinh trong quá trình XLNX

Xem thêm

Đức Nghiêm