|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Xử lý nợ xấu: Cần tháo gỡ vướng mắc mới phát sinh

15:55 | 30/07/2018
Chia sẻ
Đó là nội dung được các đại biểu nêu ra tại Hội nghị về vấn đề xử lý nợ xấu do NHNN tổ chức ngày 28 7 2018 tại TP. Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc do Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh và Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn đồng chủ trì.
xu ly no xau can thao go vuong mac moi phat sinh Tính đến 30/6, VAMC đã xử lý được hơn 310 nghìn tỷ nợ xấu
xu ly no xau can thao go vuong mac moi phat sinh VAMC dự kiến thu hồi gần 24.900 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2018, 80% mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt
xu ly no xau can thao go vuong mac moi phat sinh

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh và Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn đồng chủ trì Hội nghị (Ảnh: thoibaonganhang)

Quyết liệt triển khai và những kết quả ban đầu

Tại Hội nghị, các đại biểu đã mạnh dạn nêu ra một số khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát sinh như: Quyền thu giữ tài sản đảm bảo, quá trình tố tụng thi hành án, thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSĐB…

Phát biểu tại Hội nghị Phó Thống đốc NHNN Nguyễn kim Anh cho biết, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42, ngành Ngân hàng đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện các nội dung của Nghị quyết. NHNN đã tham mưu cho Thủ tướng ban hành Chỉ thị 32/CT-TTg ngày 19/7/2017, giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành triển khai thực hiện Nghị quyết 42 trong đơn vị của mình với lộ trình thực hiện cụ thể bảo đảm tính khả thi, kịp thời.

Một ngày sau đó, Thống đốc NHNN ban hành Chỉ thị 06/CT-NHNN, quy định cụ thể các biện pháp, trách nhiệm mà NHNN và các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC cần thực hiện để bảo đảm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 42 và Đề án 1058 (Quyết định 1058 của Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020). Để từng bước hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu, NHNN đã ban hành Thông tư 09/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 19 năm 2013 về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC cho phù hợp với Nghị quyết 42.

Ngoài ra, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tích cực triển khai thực hiện và quán triệt Nghị quyết 42 trong toàn hệ thống. Căn cứ thực trạng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, đánh giá khả năng thu hồi nợ xấu, các ngân hàng đã xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 phù hợp từng thời kỳ. NHNN cũng tăng cường chỉ đạo VAMC triển khai các giải pháp về mua nợ xấu theo giá thị trường và nâng cao năng lực tài chính cho VAMC...

Theo ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC, Nghị quyết 42 được ban hành thể hiện tư duy của nhà lập pháp thay đổi khi cho rằng, nợ xấu là của nền kinh tế chứ không của riêng ngành Ngân hàng.

Từ nhận thức đó, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương các cấp đã vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ ngành Ngân hàng xử lý nợ xấu. "Nghị quyết 42 ban hành và có hiệu lực, điều đầu tiên là đã tạo động lực quan trọng cho VAMC và các TCTD chủ động trong xử lý nợ xấu, khẳng định được quyền của chủ nợ trong giao dịch dân sự vay trả." - ông Đoàn Văn Thắng nói.

Với sự vào cuộc quyết liệt cùng các giải pháp đồng bộ, tỷ lệ nợ xấu của toàn Ngành đã giảm xuống còn 2,18%. Trong đó, nợ xấu xử lý qua VAMC đến 30/6/2018 đạt 310.517 tỷ đồng theo dư nợ gốc nội bảng, ước tính đạt trên 40% tổng nợ xấu được xử lý. VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi được gần 100 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2017, nhờ có sự ra đời của Nghị quyết số 42, VAMC đã thu được 30.852 tỷ đồng (gần bằng 2/3 tổng giá trị thu hồi nợ của cả 4 năm trước đó).

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc

Có lẽ hơn ai hết, những lãnh đạo của các TCTD tham gia vào quá trình XLNX biết được khi đi vào triển khai Nghị quyết 42 đã gặp một số thực tiễn phát sinh cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Phó Tổng giám đốc Agribank Trần Văn Dự cho biết, mặc dù Bộ Tài chính có văn bản 4606/BTC-TCT ngày 20/4/2018 về quán triệt thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc Hội. Tuy nhiên, nội dung văn bản lại chưa hướng dẫn chi tiết về việc nộp thuế khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, vì vậy vẫn còn đó khó khăn khi bán tài sản đảm bảo là vấn đề thuế. Bán TSĐB xong rồi nhưng người mua không lấy được tài sản đó về vì thuế chưa đóng. Do đó, theo ông Dự, cần phải có hướng dẫn pháp lý rõ ràng hơn về nộp thuế khi bán đấu giá TSĐB.

Bên cạnh đó, đại diện của Agribank cho rằng, mặc dù Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã trao quyền cho ngân hàng thu giữ tài sản, nhưng trên thực tế, chính quyền địa phương chưa vào cuộc mạnh mẽ. Ví dụ về nhiều trường hợp gia đình chỉ có duy nhất một căn nhà đem thế chấp ngân hàng để lấy vốn làm ăn nhưng không may việc kinh doanh bị thua lỗ. "Khi khách hàng thua lỗ, theo pháp luật căn nhà bị ngân hàng siết nợ. Lúc này, nếu quyết liệt thu giữ tài sản, ngân hàng sẽ bị lên án vì đẩy người dân vào cảnh không có nơi ở. Do vậy, rất khó để giải quyết những trường hợp này một cách hợp tình hợp lý”, ông Dự tâm tư.

Đồng quan điểm trên đại diện lãnh đạo Vietcombank cho rằng, Nghị quyết 42 tái lập quyền thu giữ TSBĐ của bên nhận TSBĐ. Mặc dù vậy, khi khách hàng cố tình chống đối thì các TCTD vẫn phải khởi kiện khách hàng ra TAND có thẩm quyền để được quyền xử lý TSBĐ thông qua thi hành án. Như vậy, các TCTD chỉ thực hiện thu giữ TSBĐ thành công đối với một số trường hợp nhất định như: khách hàng đã bỏ trốn khỏi địa phương mà TSBĐ không có tranh chấp; TSBĐ là đất trống …Điều này vô hình chung cũng hạn chế việc xử lý TSBĐ của các TCTD.

"Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng (UBND, cơ quan công an…) tại một số địa phương còn tâm lý e dè, chưa thực sự muốn phối hợp, tham gia hỗ trợ các TCTD thực hiện thu giữ TSBĐ."- đại diện của Vietcombank nói thêm và cho rằng, Nghị quyết 42 quy định rõ thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ: ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm của các TCTD, trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ không có bảo đảm khác của bên bảo đảm. Một số cơ quan chức năng như Tổng cục THA cũng đã có văn bản hướng dẫn nội bộ về nội dung này. Tuy nhiên, đến nay Tổng cục thuế vẫn chưa có hướng dẫn nội bộ về nội dung này, dẫn tới nhiều trường hợp khi TCTD phát mại TSBĐ của doanh nghiệp, cơ quan thuế tại địa phương yêu cầu phải thanh toán tiền thuế nợ đọng của các doanh nghiệp thì mới thực hiện các thủ tục tiếp theo. Điều này gây khó khăn cho việc bàn giao, chuyển quyền cho người mua được TSBĐ.

Nhiều đại diện các TCTD đều kiến nghị các Bộ, Ban Ngành bám sát chỉ thị 32 của Thủ tướng Chính phủ, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về một số nội dung như: Hướng dẫn chi tiết về quyền thu giữ TSBĐ của các TCTD khi TSBĐ đang có người sinh sống, thu giữ tài sản đảm bảo là nhà xưởng, dây chuyền máy móc thiết bị đang được vận hành, sản xuất…; quy định rõ trách nhiệm thực hiện việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ TSBĐ của chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an nơi tiến hành thu giữ TSBĐ; Hướng dẫn thực hiện quy định về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn KimAnh khẳng định: khi Nghị quyết 42 được ban hành thì về cơ bản nhiều khó khăn vướng mắc đã được giải quyết. Còn các khó khăn hiện nay là trong quá trình triển khai chúng ta gặp phải.

"Vấn đề hiệu quả xử lý nợ xấu trong thời gian qua, trước hết phụ thuộc vào ý trí, quyết tâm, của các TCTD. Trong quá trình theo dõi chúng tôi thấy nơi nào nào Chủ tịch HĐQT, HĐTV, Tổng giám đốc quyết liệt, lăn lộn thì chắc chắn kết quả tốt hơn", Phó Thống đốc lưu ý.

Vì vậy, trong thời gian tới, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh yêu cầu, lãnh đạo các TCTD phải quyết liệt trong chỉ đạo xử lý nợ xấu và ngăn ngừa nợ xấu quay lại trong thời gian tới.

Đồng thời, yêu cầu Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng rà soát lại chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg, xem những đơn vị đã làm, làm tốt, những việc chưa làm, còn còn những hạn chế gì để tiếp tục chỉ đạo.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng đề nghị, không chỉ NHNN mà các TCTD cũng cần cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về Nghị quyết 42, qua đó người dân sẽ hiểu rõ hơn về xử lý nợ xấu, nhằm gia tăng hơn nữa ý thức trả nợ của khách hàng.

Với những kiến nghị tại Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đề nghị, Cơ quan Thanh tra Giám sát làm đầu mối tổng hợp tham mưu cho Ban lãnh đạo NHNN xử lý ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền để đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu để làm sao phát huy Nghị quyết 42 đi vào cuộc sống hơn nữa. Đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền của NHNN hoặc vượt thẩm quyền, NHNN sẽ có kiến nghị với Chính phủ.

Xem thêm

PV

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.