Một năm thăng trầm của cổ phiếu FLC sau đại hội cổ đông 2018
Nhìn lại một năm sau khi Chủ tịch nói "cầm cổ phiếu FLC sẽ đến này hái quả"
Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay 13/6, cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC tăng 0,2%, tương ứng mức tăng 10 đồng/cp lên 4.360 đồng/cp. Tổng khối lượng khớp lệnh trong phiên đạt gần 2,8 triệu đơn vị, thấp hơn so với khối lượng trung bình hơn 3,6 triệu đơn vị trong một tháng gần đây.
Phiên giao dịch hôm nay đánh dấu tròn một năm sau khi Chủ tịch Trịnh Văn Quyết khẳng định cổ phiếu sẽ "về mệnh" (mệnh giá 10.000 đồng/cp).
Cụ thể, ngày 12/6/2018, tại ĐHĐCĐ năm 2018, trả lời câu hỏi của cổ đông về giá cổ phiếu, ông Trịnh Văn Quyết khẳng định: "Quý vị hãy tin tôi! Hãy kiểm chứng những lời tôi nói. Trong những năm tới FLC sẽ về mệnh. Người cầm cổ phiếu FLC sẽ có ngày hái quả!".
Diễn biến giao dịch cổ phiếu FLC trong một năm trở lại đây. Nguồn: VNDirect
Về tổng quan, trong 251 phiên giao dịch (từ 12/6/2018 - 13/6/2019), cổ phiếu FLC có 100 phiên tăng giá (chiếm tỉ lệ 39,8%), 23 phiên dứng giá tham chiếu (9,2%) và 128 phiên giảm giá (51%). Trong đó, có 4 phiên tăng trần vào các ngày 20/7, 25/7, 27/7 và 30/7 năm 2018; 1 phiên giảm sàn vào 11/10/2018.
Chi tiết hơn, sau khi thiết lập mức đáy thấp nhất 4.300 đồng/cp ngày 6/7/2018, cổ phiếu FLC đợt tăng giá mạnh lên mức giá cao nhất 6.870 đồng/cp vào ngày 22/8/2018, tương ứng tăng gần 60%. Đây là đợt tăng giá mạnh duy nhất của FLC, với khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên đạt khoảng 17 triệu đơn vị. Phiên 31/7, cổ phiếu FLC giao dịch với khối lượng cao nhất trong vòng một năm, đạt 31,6 triệu đơn vị.
Được biết, thời gian này, Tập đoàn FLC công bố lợi nhuận quý II/2018 khởi sắc đạt 25,4 tỉ đồng, cao gấp 5 lần cùng kì. Bên cạnh đó, công ty chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 4% vào ngày 14/8/2018. Những thông tin về Hãng hàng không Bamboo Airways (công ty con do FLC sở hữu 100%) trở lên dày đặc hơn vào khoảng thời gian này.
Bamboo Airways là hãng hàng không do Tập đoàn FLC sở hữu 100%. Ảnh: Bamboo Airways.
Sau giai đoạn tăng giá đó, cổ phiếu FLC nhìn chung đi xuống từ mức đỉnh 6.800 đồng/cp, giảm còn 4.940 đồng/cp ngày 30/10/2018. Giai đoạn từ ngày 31/10/2018 đến ngày 9/11/2018, cổ phiếu FLC có đợt tăng ngắn lên 6.030 đồng/cp, tương đương tỉ lệ hơn 20%. Đây là những phiên giao dịch trước thời điểm Bamboo Airways nhận giấy phép bay, đồng thời là đợt tăng giá lớn thứ hai của cổ phiếu FLC trong một năm gần đây.
Diễn biến giao dịch sau đó, cổ phiếu FLC chủ yếu đi ngang trong giai đoạn tháng 12/2018 đến tháng 3/2019 và rồi sau đó bước vào xu hướng đi xuống còn 4.300 đồng/cp thời điểm hiện tại.
Đi cùng với sự giảm giá, thanh khoản của cổ phiếu FLC cũng giảm dần, từ mức trung bình 17 triệu đơn vị mỗi phiên trong quý III/2108 xuống còn 3,7 triệu đơn vị mỗi phiên trong một tháng gần đây.
Cùng trong thời gian một năm gần đây, Tập đoàn FLC không có đợt tăng vốn nào đáng chú ý, ngoại trừ đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 4% ngày 14/8/2018. Ngoài ra, trong thời gian này cũng không xuất hiện giao dịch của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn hay người có liên quan. Trước đó, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết mua thêm 78 triệu cổ phiếu trong năm 2017.
Một năm kém vui của nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu "họ FLC"
Tính đến hết phiên giao dịch 13/6, ngoài FLC, các cổ phiếu của các công ty có liên quan Tập đoàn FLC đều sụt giảm so với thời điểm một năm trước, mức giảm dao động trong khoảng 10% - 66%.
Diến biến giá cổ phiếu "họ FLC" một năm gần đây. Nguồn: VNDirect
Cổ phiếu ART của CTCP Chứng khoán Artex có mức giảm mạnh nhất. Ngoại trừ nhịp tăng giá 100% trong tháng 7/2018, cổ phiếu này đa phần đi xuống, đặc biệt là vào tháng 10/2018. Nếu tính từ đỉnh 15.100 đồng/cp ngày 24/7/2018, giá cổ phiếu ART đã giảm 12.400 đồng. Với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành là 96,9 triệu đơn vị, vốn hóa thị trường của Chứng khoán Artex mất 1.200 tỉ đồng trong một năm, tương ứng mất 66%.
Theo sau đó, cổ phiếu ROS của Xây dựng FLC Faros cũng có mức giảm gần 51%, đây cũng là cổ phiếu giảm mạnh nhất nhóm VN30 trong năm 2018.
Cổ phiếu HAI của CTCP Nông dược H.A.I, AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD có mức giảm khá tương đồng với cổ phiếu ROS. Tính từ 13/6/2018, ba cổ phiếu này có diễn biến giá khá giống nhau, cùng giảm dần và không có nhịp tăng nào đáng chú ý.
Cụ thể, cổ phiếu ROS giảm 30.200 đồng/cp, tương ứng tỉ lệ 50,5%; giá cổ phiếu AMD giảm 1.960 đồng, tương ứng tỉ lệ 56,9%; trong khi cổ phiếu HAI giảm giá 58,4% từ 3.850 đồng/cp xuống còn 1.820 đồng/cp.
Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu KLF của CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF có mức thiệt hại ít nhất trong "họ cổ phiếu FLC". Cụ thể, giá cổ phiếu KLF giảm từ giá 1.900 đồng/cp xuống còn 1.600 đồng/cp, tương đương mức giảm chỉ 15,8%.
Liệu sóng cổ phiếu "họ FLC" có quay trở lại?
Trong những phiên giao dịch gần đây, trái ngược với diễn biến tiêu cực của thị trường chung, các cổ phiếu "họ FLC" giao dịch sôi động với nhiều mã tăng trần kịch trần với khối lượng giao dịch đột biến.
Diễn biến các cổ phiếu "họ FLC" phiên 13/6. Nguồn: VNDirect
Kết phiên 13/6, cổ phiếu AMD tăng kịch trần 6,8% lên 1.890 đồng/cp với 318.670 đơn vị được khớp lệnh và còn dư mua hơn 1,5 triệu đơn vị tại mức giá trần. Đây là phiên tăng trần thứ hai liên tiếp của cổ phiếu AMD.
Bên cạnh đó, HAI cũng có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp, đóng cửa hôm nay tại 1.820 đồng/cp, với khối lượng dư mua giá trần hơn 1,7 triệu đơn vị. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 411.860 đơn vị, cao hơn khối lượng trung bình hơn 302.000 đơn vị trong một tháng gần đây.
Phiên giao dịch hôm nay cũng ghi nhận giao dịch tích cực tại cổ phiếu KLF và ART với mức tăng lần lượt 6,7% và 4%. Ngoài ra, cổ phiếu FLC tăng 0,2% lên 4.360 đồng/cp, khối lượng khớp lệnh đạt gần 2,8 triệu đơn vị.
Diễn biến khác với cổ phiếu trong nhóm, cổ phiếu ROS chìm trong sắc đỏ cả phiên, đến phiên ATC cũng hồi phục về giá tham chiếu 30.100 đồng/cp.
Được biết, thời gian này đang diễn ra ĐHCĐ của các doanh nghiệp với nhiều thông tin đáng chú ý. Cụ thể, cổ đông của Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD đã thông qua tờ trình đổi tên công ty từ CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD thành CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone. HĐQT Chứng khoán Artex trình kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu thuần 150 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 90 tỉ đồng, tăng lần lượt 34% và 27% so với thực hiện năm 2018.
Diễn biến mới nhất, cổ phiếu HAI vừa được đưa ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt từ ngày hôm nay (13/6) do đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến bị kiệm soát và không vi phạm quy định về công bố thông tin trong thời gian 6 tháng kể từ ngày ra quyết định kiểm soát đặc biệt.
Các công ty có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán và liên quan đến Tập đoàn FLC bao gồm:
CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS): Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đồng thời là Chủ tịch của FLC Faros.
CTCP Chứng khoán Artex (Mã: ART): Ông Trịnh Văn Quyết sở hữu 3,26%, em gái ông Trịnh Văn Quyết là Phó Tổng Giám đốc Artex, Tổng Giám đốc FLC là Chủ tịch HĐQT Artex.
CTCP Nông dược H.A.I (Mã: HAI): Tập đoàn FLC sở hữu 12,65%, Phó Tổng Giám đốc FLC là Chủ tịch HĐQT của HAI (bà Bùi Hải Huyền).
CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (Mã: AMD): Trưởng Ban Kiểm soát FLC đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc AMD (ông Nguyễn Tiến Dũng).
CTCP Đầu tư Liên doanh quốc tế KLF (Mã: KLF): Phó Tổng Giám đốc FLC là Chủ tịch HĐQT KLF (bà Nguyễn Bình Phương).