Một công ty dịch vụ hàng không phải tạm dừng chi nhánh Đà Nẵng trong một năm vì dịch COVID-19
Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIAS - Mã: CIA) vừa ban hành quyết định tạm dừng kinh doanh đối với chi nhánh Đà Nẵng tại Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thời gian tạm dừng kinh doanh trong vòng một năm tính từ ngày 31/8.
CIAS hoạt động chính trong việc cung cấp các dịch vụ hàng không và dịch vụ tiện ích tại nhà ga, sân bay tại 5 cảng hàng không tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa như phòng khách hạng thương gia, bán hàng miễn thuế, xe đưa đón sân bay; phục vụ ăn uống; bán hàng lưu niệm và quà tặng,...
Hành động tạm ngừng chi nhánh này của CIAS diễn ra trong bối cảnh ngành dịch vụ hàng không bị tác động nặng nề bởi dịch COVID-19 suốt một năm qua khi số lượng chuyến bay bị cắt giảm mạnh. Đồng thời, Đà Nẵng đang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16.
Mới đây, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết nếu đến ngày 15/8 mà tình hình dịch bệnh không được cải thiện thì TP sẽ áp dụng biện pháp mạnh hơn vào ngày thứ Hai (16/8).
Liên quan đến kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của CIAS giảm 56% xuống 27,5 tỷ đồng. Công ty lỗ gộp hơn 14 tỷ đồng, lỗ nặng hơn so với mức 3,6 tỷ năm ngoái.
Kết quả, công ty lỗ 26 tỷ đồng sau 6 tháng, cùng kỳ lỗ gần 18 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế tính đến cuối tháng 6 lên hơn 29 tỷ đồng.
Ngoài CIA, một số công ty dịch vụ hàng không cũng báo lỗ trong bối cảnh dịch bệnh. Đơn cử như CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Mã: AST) khi công ty này lỗ 67 tỷ đồng sau thuế sau 6 tháng. Nguyên do là Taseco hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực khách sạn lưu trú, du lịch, suất ăn hàng không, nhà hàng, quán ăn tại các sân bay, ... Khi lượng hành khách sụt giảm vì dịch bệnh, hoạt động của Taseco cũng gặp khó khăn.
CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco - Mã: SAS) của ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng lần đầu tiên báo lỗ 6 tháng với 2 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết, dịch bệnh COVID-19 đã khiến số lượng khách nội địa tại sân bay Tân Sơn Nhất sụt giảm mạnh, các chuyến bay thương mại quốc tế vẫn tạm ngừng khai thác, kéo kết quả hoạt động kinh doanh của công ty đi xuống.
Theo dự báo của Chứng khoán VNDirect, cùng với tỷ lệ tiêm chủng cao hơn ở các thị trường bay quốc tế chính của Việt Nam, dự kiến Việt Nam có thể mở lại đường bay quốc tế vào cuối quý III như dự kiến.
Đồng thời cùng với việc tiêm chủng được triển khai cấp bách toàn cầu, trong trung hạn, các chuyên gia kỳ vọng lượng khách nội địa của Việt Nam sẽ phục hồi về mức trước đại dịch trong năm 2022 (bằng 103,7% so với mức cơ sở 2019) và đạt 139,7% mức cơ sở trong 2025.
Với giao thông quốc tế, VNDirect kỳ vọng lượng khách quốc tế của Việt Nam hồi phục hoàn toàn với mức trước dịch vào năm 2023 (bằng 100,9% mức cơ sở năm 2019) và có thể đạt 127,5% mức cơ sở trong năm 2025.