|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Một câu nói của ông Putin cho thấy chiến tranh Nga - Ukraine sẽ nổ ra

09:18 | 24/02/2022
Chia sẻ
Theo lời của Tổng thống Nga Vladimir Putin thì nhiều khả năng Moscow sẽ giúp hai nước cộng hòa ly khai Donetsk và Luhansk giành thêm đất đai từ tay quân chính phủ Ukraine.

Ông Putin muốn leo thang

Tối 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố công nhận độc lập hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk ở khu vực Donbass, miền đông Ukraine.

Hiện nay, các nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Luhansk chỉ kiểm soát khoảng 1/3 diện tích của Donbass, 2/3 còn lại nằm trong tay quân chính phủ Ukraine, như thể hiện trong bản đồ bên dưới.

Lãnh đạo nhà nước ly khai ở Donetsk và Luhansk tuyên bố toàn bộ diện tích của Donbass đều thuộc về chủ quyền của hai nhà nước này. Nói cách khác, quân ly khai ở Donetsk và Luhansk không chỉ muốn an phận như hiện nay mà còn muốn chiếm lấy phần còn lại ở Donbass.

Một câu nói của ông Putin cho thấy chiến sự sẽ nổ ra ở Ukraine - Ảnh 1.

Quân ly khai thân Nga hiện chỉ kiểm soát khoảng 1/3 diện tích Donbass nhưng muốn chiếm nốt phần còn lại. (Nguồn: New York Post; Việt hóa: Song Ngọc).

Câu hỏi đặt ra là Nga công nhận đường biên giới nào? Theo vùng mà quân ly khai đang kiểm soát hay bao gồm toàn bộ vùng Donbass mà quân chính phủ Ukraine đang nắm giữ?

Trong một cuộc họp báo hôm 23/2, Tổng thống Vladimir Putin làm rõ câu hỏi này:

"Chúng tôi công nhận các nước cộng hòa nhân dân Donetsk và Luhansk, tức là chúng tôi công nhận cả các văn kiện lập quốc của các nước này, bao gồm hiến pháp. Và hiến pháp của các nước này định nghĩa biên giới của Luhansk và Donetsk giống như khi còn là một phần của Ukraine", ông Putin tuyên bố.

Như vậy, Nga ủng hộ việc quân ly khai ở Donetsk và Luhansk giành lấy phần lãnh thổ còn lại ở Donbass mà quân đội nhà nước Ukraine đang kiểm soát.

Ông Putin đã ra lệnh cho quân đội Nga tiến vào Donetsk và Luhansk để "gìn giữ hòa bình". Ngay sau đó, quốc hội Nga đã trao quyền cho Tổng thống Putin được phép điều động quân đội để thực hiện bất kỳ nhiệm vụ gì cần thiết, kể cả ở ngoài biên giới của Nga.

Một câu nói của ông Putin cho thấy chiến sự sẽ nổ ra ở Ukraine - Ảnh 2.

Tổng thống Vladimir Putin ngắm bắn một khẩu súng trường bắn tỉa do Nga sản xuất. (Ảnh: AP).

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhận thấy Nga sẽ có động thái leo thang căng thẳng. Việc Nga công nhận hai nước ly khai ở đông Ukraine "chỉ là bước khởi đầu trong chiến dịch xâm lược Ukraine của Nga", ông Biden nói.

Phương Tây khẳng định quân đội Nga từ lâu đã ngầm giúp đỡ quân ly khai ở Donetsk và Luhansk chống lại quân chính phủ Ukraine tại Kiev, mặc dù Nga luôn phủ nhận. Sau phát biểu của ông Putin, quân đội Nga sẽ công khai tiến vào miền đông Ukraine.

Trong tương lai, quân đội Nga hoàn toàn có thể giúp quân ly khai đánh chiếm phần còn lại của vùng Donbass. 

Trong bài phát biểu tối 21/2, ông Putin đã tuyên bố Ukraine không phải một quốc gia độc lập.

"Ukraine là một phần không thể tách rời của lịch sử, văn hóa và tinh thần của chúng ta", ông Putin tuyên bố trước toàn thể người dân Nga. "Người Ukraine là đồng chí của chúng ta, những người thân thiết nhất, không chỉ là đồng nghiệp, bạn bè hay những người từng phục vụ trong quân ngũ cùng nhau, mà còn là máu mủ ruột rà, cùng trong một gia đình".

Ông Putin coi chính phủ Ukraine ở Kiev hiện nay chỉ là một con rối bị Phương Tây điều khiển. Vì vậy, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu Nga tiến quân vào Ukraine để lật đổ chính phủ ở thủ đô Kiev và "giúp người Ukraine đoàn tụ với người Nga".

Luhansk và Donetsk cầu cứu, Nga có cớ tiến quân

Sáng sớm 24/2, hãng thông tấn TASS của Nga cho biết lãnh đạo của hai vùng ly khai Luhansk và Donetsk đã đề nghị Nga đưa quân tới ứng cứu vì lo ngại quân chính phủ Ukraine sắp tấn công.

Ông Denis Pushilin, người đứng đầu chính phủ Donetsk mà Nga công nhận, nói: "Tôi kêu gọi giúp đỡ để chống lại hành vi gây hấn của quân đội Ukraine đối với người dân nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk".

Ông Dmitri Peskov, Người phát ngôn Điện Kremlin, cho hay: "Các văn bản cầu cứu từ ông Leonid Pasechnik, người đứng đầu nước Cộng hòa Nhân dần Luhansk, và ông Denis Pushilin, người đứng đầu nước Cộng hòa Nhân dần Donetsk đã được chuyển tới Tổng thống Putin. Hai nhà lãnh đạo này tỏ ý biết ơn Tổng thống Nga vì đã công nhận hai nhà nước của họ".

Ông Peskov nói thêm: "Lời khẩn cầu của Donetsk và Luhansk nhấn mạnh rằng trong lúc tình hình ngày càng xấu đi và Kiev liên tục đe dọa, công dân của các nước cộng hòa này đang bị buộc rời khỏi nhà cửa, tiếp tục phải sơ tán sang Nga".

"Quân đội Ukraine nhiều lần gây hấn khiến cho các nước cộng hòa Donetsk và Luhansk phải chịu sự phá hủy đối với hạ tầng dân sự và công nghiệp, bệnh viện, trường học, lớp mẫu giáo và đau đớn nhất là cái chết của dân thường vô tội, bao gồm cả trẻ em", Người phát ngôn của chính phủ Nga nói.

Phía Mỹ gạt bỏ tất cả những tuyên bố của Nga, cho rằng Moscow chỉ đang kiếm cớ để can thiệp quân sự vào Ukraine.

Một câu nói của ông Putin cho thấy chiến sự sẽ nổ ra ở Ukraine - Ảnh 4.

Binh sĩ Ukraine tập luận, chuẩn bị cho nguy cơ Nga xâm lược. (Ảnh: AP).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Moscow đã ra lệnh tấn công và hiện không phản hồi các yêu cầu đối thoại. "Hôm nay tôi gọi điện cho Tổng thống Nga nhưng chỉ nhận được sự im lặng, ông Zelenskiy nói ngày 23/2.

Ông Neil Melvin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế tại Viện Royal United Services Institute (RUSI) nhận định: "Nói thẳng ra là Nga không đưa 200.000 quân đến gần biên giới Ukraine và châm ngòi cho cuộc khủng hoảng an ninh châu Âu lớn nhất trong 40 năm qua chỉ để mở rộng quyền kiểm soát sang hai vùng đất nhỏ bé mà Nga vốn dĩ đã nắm trong tay".

Ông Melvin cho rằng tình hình tiếp theo sẽ phụ thuộc vào việc quân đội Nga tiến vào Donetsk, Luhansk và có thể mở rộng sang các vùng lãnh thổ khác do quân chính phủ Ukraine kiểm soát. Tổng thống Putin đã được quốc hội cho phép toàn quyền sử dụng quân đội ở ngoài lãnh thổ Nga, vì vậy sẽ không còn thủ tục nào cản trở ông Putin.

Một câu nói của ông Putin cho thấy chiến sự sẽ nổ ra ở Ukraine - Ảnh 5.

Song Ngọc

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.