Mời ăn thử - cách chinh phục khách hàng đơn giản nhưng hiệu quả của SaiGon Food
Để chinh phục khách hàng, SaiGon Food thường xuyên tổ chức chương trình thử mẫu, kết hợp cùng viện nghiên cứu để chứng minh chất lượng của sản phẩm mới.
Tầm nhìn đột phá
Xuất phát là kỹ sư thủy sản, doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm dành 15 năm làm việc, cống hiến cho Công ty Cổ phần SaiGon Food. Với chức vụ Phó Tổng giám đốc, chị cùng cộng sự gây dựng thương hiệu thực phẩm đông lạnh, bữa ăn tươi vững vàng, ngày càng lớn mạnh.
Doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm – Phó tổng giám đốc SaiGon Food. |
Saigon Food hiện là nhà cung cấp thực phẩm tươi cho hầu hết các siêu thị lớn, cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam như Coop Mart. Big C, Aeon, Lottermart, Cirlce K, Familymart. Từ một doanh nghiệp có 15 nhân viên, phải thuê xưởng sản xuất, doanh nghiệp hiện sở hữu đội ngũ hơn 2.000 người. Doanh thu công ty từ vài trăm triệu đến 1.000 tỷ đồng năm 2017 và mục tiêu đạt 2.000 tỷ đồng vào năm nay.
“Năm 2003, ngành thủy sản nước ta rất phát triển. Nhưng phần lớn doanh nghiệp thủy sản chỉ chế biến xuất khẩu. SaiGon Food là công ty đầu tiên phát triển song song hai thị trường: nội địa và xuất khẩu. Hai thị trường hỗ trợ, nâng đỡ nhau khi gặp khó khăn”, Thanh Lâm chia sẻ tầm nhìn đột phá trong Café Khởi nghiệp.
Hiểu tâm lý người nội trợ, Thanh Lâm muốn đưa những sản phẩm chế biến xuất khẩu phục vụ bữa ăn Việt, giảm gánh nặng của phụ nữ vừa đi làm vừa chăm lo gia đình. Vì thế, chị quyết định hợp sức cùng nhà sáng lập Cao Thị Ngọc Dung để tạo nên thương hiệu SaiGon Food vững chãi, vượt qua sức ép cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực thực phẩm.
Thực phẩm ngon, bổ thì không rẻ
“Thế hệ của tôi làm doanh nhân về nhà vẫn phải vào bếp nấu ăn. Từ lứa tuổi 8x trở về sau, bạn trẻ không dành thời gian nội trợ, mà lựa chọn sản phẩm tiện dụng, đủ chất lượng thay thế bữa ăn tự nấu”, Thanh Lâm bình luận.
Nhận thấy nhu cầu về bữa ăn tươi rất lớn, SaiGon Food không ngừng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, mở rộng nhiều dòng sản phẩm thức ăn tươi. Nếu thực phẩm đông lạnh hướng tới đối tượng phụ nữ bận rộn thì bữa ăn tươi dành cho sinh viên, tuổi teen, công sở, trường học, bệnh viện.
Đặc biệt, SaiGon Food đã vượt qua nhiều đối thủ nặng ký để lọt vào “mắt xanh”, trở thành nhà cung cấp thức ăn nhanh cho 7-Eleven (chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khắt khe về giá thành, chất lượng sản phẩm từ đối tác). Tuy nhiên, Thanh Lâm thừa nhận công ty rất khó cạnh tranh giá với những quán ăn lề đường. Đây là thách thức lớn cho tất cả doanh nghiệp chế biến.
Trong ngành thực phẩm, việc định giá sản phẩm là bài toán khó. Chủ doanh nghiệp thương nghĩ rằng giá rẻ sẽ thu hút người tiêu dùng. Ngược lại, nữ lãnh đạo Sai Gon Food khẳng định, thời đại thực phẩm ngon, bổ, rẻ qua rồi vì ngon và bổ thì chắc chắn không rẻ.
“Sản phẩm cháo tươi SaiGon Food có giá 17.000 – 25.000 đồng. Chính giám đốc kinh doanh của công ty từng nhận định, sản phẩm khó tồn tại vì đắt hơn cháo sấy khô đóng gói hay cháo dinh dưỡng ở cửa hàng. Nhưng đến nay, mặt hàng vẫn bán chạy, được yêu thích do chúng tôi thuyết phục, thỏa mãn yêu cầu khách hàng bằng lợi thế công nghệ như đủ dinh dưỡng, không chất bảo quản, có thể lưu trữ trong thời gian dài”, Thanh Lâm cho hay.
Thách thức của sản phẩm mới là tiếp cận khách hàng. Nữ doanh nhân nhấn mạnh, cách chứng minh thực phẩm tốt nhất là mời khách hàng ăn. Do đó, công ty thường xuyên tổ chức chương trình thử mẫu, kết hợp cùng viện nghiên cứu, trung tâm dinh dưỡng chứng minh chất lượng ưu việt của sản phẩm mới.
Yêu sản phẩm như con
SaiGon Food đã chứng minh rằng, con người sáng tạo hơn máy móc mới có thể tạo ra sản phẩm xuất khẩu. Để dẫn đầu thị trường ở nhiều mặt hàng thực phẩm, liên tục tung ra nhiều sản phẩm mới với tốc độ nhanh, thậm chí cung cấp hơn 50 mặt hàng cho hệ thống 7- Eleven trong vỏn vẹn trong 6 tháng, người tham gia nghiên cứu phát triển sản phẩm cần có tấm lòng của người mẹ. Đó là quá trình yêu thương, thai nghén, mang nặng, đẻ đau và nuôi dưỡng.
“Tôi vẫn thường chia sẻ với cộng sự rằng, khi yêu sản phẩm như con, họ sẽ phát hiện ra cả những vết trầy xước nhỏ. Dù con đứng từ xa, họ cũng nhìn thấy, và biết ngay con đang vui hay buồn”, Thanh Lâm tiết lộ văn hóa công ty, đồng thời là bí quyết kinh doanh ngành thực phẩm.
Xác định con người là “rường cột” của doanh nghiệp, nên Sai Gon Food phối hợp với trường Trung cấp Thủy sản tổ chức lớp chế biến thủy sản hệ trung cấp cho nhân viên học tập, nâng cao kiến thức, có cơ hội liên thông cao đẳng, đại học và ứng tuyển nội bộ lên chức danh cao hơn.
Bên cạnh đó, sinh viên cao đẳng, đại học biết đến SaiGon Food qua chương trình “Học kỳ doanh nghiệp” – lớp học trải nghiệm thực tế, rồi chấp nhận thử thách ở vị trí công nhân. Họ được đào tạo kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm thực tế để nhanh chóng thích nghi, ứng tuyển vào các vị trí quản lý trong doanh nghiệp.
Xem thêm |