|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Mộc Châu Milk - 'Viên ngọc thô cần tay đúng người mài giũa'

07:00 | 15/03/2019
Chia sẻ
Mộc Châu Milk, "cô gái đẹp" hay "viên ngọc quý" vùng Tây Bắc đang đứng trước cơ hội về chung một nhà với gã khổng lồ ngành sữa Việt Nam - Vinamilk.

Khi tin đồn ứng nghiệm

Được đồn thổi từ cách đây gần một năm, cuối cùng thông tin về việc CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) muốn thâu tóm Sữa Mộc Châu đã chính thức trở thành hiện thực.

Vinamilk chào mua tối đa 46,68% cổ phần GTNFoods, đơn vị đang gián tiếp sở hữu 51% vốn điều lệ tại Mộc Châu Milk với giá 13.000 đồng/cp, tương đương tổng số tiền đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng.

Thực tế việc "gã khổng lồ" ngành sữa Việt Nam đầu tư vào các công ty nhỏ nhằm tăng quy mô nguồn nguyên liệu, độ đa dạng sản phẩm và tăng thị phần không phải chuyện hiếm trong lịch sử phát triển.

Năm 2004, Vinamilk thâu tóm CTCP Sữa Sài Gòn (hiện nay là nhà máy sữa Sài Gòn). Năm 2013, Vinamilk tiếp tục rót 30 tỉ đồng mua lại Công ty TNHH Bò sữa Thống Nhất từ SCIC, sau đó thực hiện tăng vốn lên 600 tỉ đồng nhằm phát triển đàn bò. Cũng trong năm này, Vinamilk mua 70% cổ phần một công ty Mỹ, sau đó tăng sở hữu lên 100% vào tháng 5/2016.

Năm 2014, Vinamilk chi 19,7 triệu USD để góp 51% thành lập Công ty AngkorMilk tại thị trường Campuchia, tăng sở hữu lên 100% vào năm 2017. Đây cũng là năm Vinamilk mua lại 65% cổ phần Đường Việt Nam (tiền thân là Đường Khánh Hòa), 25% CTCP Chế biến Dừa Á Châu. Chưa kể công ty còn tham gia góp vốn vào nhiều doanh nghiệp khác nhằm mở rộng, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm.

Vì đâu Vinamilk "thèm khát" Sữa Mộc Châu?

Dù có không ít thương vụ thâu tóm doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhưng có lẽ thương vụ thâu tóm GTNFoods sắp tới sẽ gây chú ý nhiều hơn cả, bởi không chỉ giá trị hàng nghìn tỉ đồng mà Mộc Châu Milk là còn thương hiệu có lịch sử hơn 60 năm, được người tiêu đánh giá rất cao về chất lượng sữa.

Trên thị trường, tuy không thể sánh về quy mô nhưng Mộc Châu Milk là một trong những đối thủ trực tiếp của Vinamilk, đặc biệt là về hương vị sữa.

100% sản phẩm của Mộc Châu Milk được làm từ sữa tươi, công ty cũng sở hữu nhiều sản phẩm độc đáo và đi đầu thị trường như sữa chua nếp cẩm, sữa chuối hay sữa chua phô mai…

Mộc Châu Milk nắm khoảng 23% thị phần sữa tươi miền Bắc, còn nếu xét trên toàn quốc chỉ chiếm 12 – 13% (chủ yếu tại nông thôn) do chưa đẩy mạnh phát triển tại miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.

Mộc Châu Milk - Viên ngọc thô cần tay đúng người mài giũa - Ảnh 1.

Mộc Châu Milk hiện nắm khoảng 23% thị phần sữa tươi tại Miền Bắc

Nằm ở độ cao trung bình 1.050 m so với mực nước biển, vùng đất cao nguyên Mộc Châu có khí hậu ôn đới, đất đai màu mỡ, đặc đặc biệt phù hợp cho việc chăn nuôi bò lấy sữa.

Nhiệt độ trung bình tại Mộc Châu từ 15 – 20 độ C, độ ẩm dưới 60%, giúp cho đàn bò giảm thiểu quá trình thải nhiệt, tăng khả năng sinh sản và cho sữa. Theo nghiên cứu được Mộc Châu Milk công bố, bò ở Mộc Châu chỉ sử dụng khoảng 50% lượng thức ăn cho hoạt động của cơ thể so với bò nuôi ở vùng nhiệt đới 75%, phần còn lại là để nuôi thai và sản xuất sữa.

Thực tế, sản lượng sữa trên đầu bò trên ngày của Mộc Châu Milk đạt 27 lít, cao hơn hẳn sản lượng TH True Milk 23 lít và Vinamilk 22 lít. Tại hội thi Hoa hậu bò sữa Mộc Châu năm 2018, quán quân bò có khả năng cho ra hơn 50 kg sữa mỗi ngày.

Đàn bò tại Mộc Châu khoảng trên 24.000 con, trong đó chủ yếu thuộc sở hữu của các nông hộ. Ông Trần Công Chiến, Chủ tịch Mộc Châu Milk được người dân địa phương hết sức yêu quý gọi với cái tên "Chiến Bò", vì là người khởi xướng hình thức giao khoán bò cho nông dân, sau đó thu mua lại toàn bộ số sữa với mức giá cao và ổn định trong nhiều năm. Nhờ đó nông dân nuôi bò tại Mộc Châu nhiều người làm tỉ phú, sở hữu khối tài sản hàng chục tỉ đồng.

Như vậy, nếu thâu tóm thành công được GTNFoods, Vinamilk có cơ hội tăng đàn bò sở hữu lên 30% (hiện tại khoảng 90.000 con), nguồn nguyên liệu bạt ngàn, đồng thời để ngỏ tiềm năng tăng trưởng cao trong tương lai.

mc 6
mc 6
mc 4
mc 4

Mộc Châu có khí hậu ôn đới, phù hợp cho việc chăn nuôi bò sữa năng suất cao

Theo lời ông Trần Công Chiến, Mộc Châu Milk mục tiêu đàn bò 35.000 con vào năm 2020, duy trì mức tăng trưởng hàng năm từ 15 – 20%. Kế hoạch năm 2023, Mộc Châu Milk đưa đàn bò lên 45.000 con, định hướng 100.000 con trong tương lai. Tuy nhiên mục tiêu này khá áp lực với lãnh đạo công ty.

"Với Mộc Châu Milk, tăng trưởng đàn bò không phải vấn đề, công ty có thể nhập khẩu; tuy nhiên tổ chức như nào, trong chăn nuôi mới là quan trọng. Không thể nào cứ tăng đầu con trên một diện tích, hiện tại Mộc Châu là 20 con/ha nhưng tăng nữa thì không thể được", ông Chiến từng chia sẻ.

Mộc Châu Milk - Viên ngọc thô cần tay đúng người mài giũa - Ảnh 3.

Ông Trần Công Chiến - Chủ tịch Mộc Châu Milk

Tổng diện tích vùng chăn nuôi của Mộc Châu Milk khoảng 4.000 ha, chiếm 11,5% đất nông nghiệp của huyện. Ngoài ra, Mộc Châu có khả năng liên kết với các địa phương lân cận để có thể cung cấp nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dồi dào như các huyện lị khác của tỉnh Sơn La hay tỉnh Hòa Bình.

Để chế biến nguồn nguyên liệu dồi dào nói trên, hiện Mộc Châu Milk sở hữu hai nhà máy chế biến sữa (tiệt trùng và thanh trùng) công suất 250 tấn sữa/ngày, 150.000 hộp sữa/giờ và một nhà máy sản xuất thức ăn gia súc.

Công ty sữa còn rụt rè với truyền thông, thị phần chủ yếu tại nông thôn

Chất lượng sản phẩm và tiềm năng phát triển có, tuy nhiên vấn đề lớn nhất đối với Mộc Châu Milk hiện tại là khả năng bán hàng.

Sở hữu khoảng 70.000 điểm bán hàng nhưng hầu hết nằm nông thôn và các cửa hàng truyền thống. Ông Trần Công Chiến từng hào hứng mô tả, nhân viên của ông có khả năng chở gần 2 tạ hàng trên chiếc xe máy, luồn lách trong các con ngõ của Hà Nội. Showroom bán hàng các sản phẩm của Mộc Châu Milk hiện cũng còn hạn chế với chỉ hơn 10 điểm.

Trong mắt nhân viên của GTNFoods, ông Chiến là người thận trọng với công tác truyền thông, số tiền chi ra phải đem về hiệu quả trong một khoảng thời gian nhất định. Nhiều năm liền, Mộc Châu Milk loay hoay trong việc tiếp cận tập khách hàng khu vực thành thị.

Cho đến thời điểm đội ngũ GTNFoods vào tiếp quản, Mộc Châu Milk đã có nhiều thay đổi trong cách làm thương hiệu, cải thiện mẫu mã, đa dạng sản phẩm. Tuy nhiên những thay đổi này vẫn đang chưa thấm là bao.

Mộc Châu Milk - Viên ngọc thô cần tay đúng người mài giũa - Ảnh 4.

GTNFoods hỗ trợ Mộc Châu Milk trong cải thiện mẫu mã bao bì, nghiên cứu cho ra một số sản phẩm mới

Theo số liệu của CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC - Mã: HCM), tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu hiện tại của Mộc Châu Milk ở mức khiêm tốn khoảng 10,5%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 23% của Vinamilk.

Nếu về tay Vinamilk, Mộc Châu Milk có cơ hội tiếp cận hệ thống phân phối trải dài khắp ba miền, trong đó có gần 500 cửa hàng "Giấc mơ sữa Việt".

Việc Mộc Châu Milk đang khó tiếp cận thị trường Tây Nguyên và miền Nam được lãnh đạo công ty cho biết là vướng mắc trong khâu logistics, sản phẩm được sản xuất tại Sơn La cần chi phí lớn để có thể tiếp cận khu vực TP HCM cũng như các tỉnh Đông Nam Bộ… Nhưng khi thuộc về Vinamilk, có thể vấn đề này sẽ được giải quyết phần nào.

Nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu phát triển là những thứ mà Vinamilk có thể làm để thúc đẩy hoạt động tại Mộc Châu Milk…

Tuy nhiên với Vinamilk, mọi chuyện sẽ không phải toàn là màu hồng. Như đã nói, chi phí Mộc Châu Milk chi cho truyền thông hiện đang ở mức thấp, với phong cách của Vinamilk, điều này sẽ phải thay đổi và nhiều khả năng sẽ làm suy giảm hiệu quả về lợi nhuận.

Liệu Vinamilk có trút bỏ bớt gánh nặng?

Bỏ tiền thâu tóm gần một nửa GTNFoods, Vinamilk không chỉ mua lại một mình Mộc Châu Milk mà đi cùng đó còn nhiều doanh nghiệp khác GTNFoods thâu tóm như chè Vinatea, rượu vang Ladofoods… trong đó nhiều doanh nghiệp đang thua lỗ. Theo một chuyên gia của CTCP Chứng khoán VNDirect, để tăng tính hiệu quả trong hoạt động, Vinamilk có thể sẽ thoái vốn tại các doanh nghiệp này, chấp nhận lỗ một phần.

Năm 2018, Mộc Châu Milk đạt doanh thu khoảng 2.650 tỉ đồng, lợi nhuận 215 tỉ đồng. Doanh thu mảng sữa chiếm 80% tổng doanh thu của công ty mẹ Vilico cũng như GTNFoods, và có thể nói cả hai đang sống dựa vào dòng sữa từ vùng đất Mộc Châu.

Ngay sau khi thâu tóm lại Vilico, một thành viên HĐQT GTNFoods từng tuyên bố: "Chúng tôi sẽ tiến hành cải tổ lại các doanh nghiệp trong hệ thống, trong vòng ba năm sẽ thành công…", gần hai năm đã trôi qua và mọi thứ đang dần ngã ngũ, lời hứa thì đã không còn.

Có lẽ, viên ngọc thô phải vào tay nghệ nhân thực thụ mới có thể tỏa sáng.

Mộc Châu Milk có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2018, nhưng cần phải tính đường dàiMộc Châu Milk có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2018, nhưng cần phải tính đường dài Ông Chiến Ông Chiến 'Bò' và những tỉ phú nông dân tại Mộc Châu GTNFoods có gì để Vinamilk sẵn sàng chi hơn 1.500 tỉ đồng GTNFoods có gì để Vinamilk sẵn sàng chi hơn 1.500 tỉ đồng 'thâu tóm'?

Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Bạch Mộc