|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Mộc Châu Milk có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2018, nhưng cần phải tính đường dài

14:23 | 05/12/2018
Chia sẻ
Đại hội đồng cổ đông bất thường sáng ngày 5/12 bầu ra HĐQT nhiệm kỳ mới của Vilico, thời gian từ 2018 - 2023. 

Đại hội đồng cổ đông bất thường Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam Vilico (Mã: VLC) sáng ngày 5/12 đã tiến hành bầu mới ba thành viên vào Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ mới (2018 – 2023). Trước đó ngày 28/11, ông Đào Duy Linh (1957) xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Vilico do hết nhiệm kỳ (từ tháng 6/2013 – tháng 10/2018).

Ba thành viên HĐQT trúng cử đều là những cái tên trong nhiệm kỳ cũ gồm có: ông Nguyễn Hồng Anh (1974),hiện đang làm Tổng giám đốc Vilico và thành viên HĐQT CTCP GTN Foods (công ty mẹ của Vilico). Ông Lại Cao Lê (1952) đang là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea) và Chủ tịch HĐQT CTCP Invest Tây Đại Dương (cổ đông lớn tại GTN Foods). Và ông Trần Công Chiến (1960) đang là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk).

Ban lãnh đạo Vilico cho biết, số lượng thành viên HĐQT ba thành viên như thời điểm hiện tại là phù hợp đối với tình hình hoạt động, quản trị của công ty. Theo điều lệ hoạt động, số thành viên HĐQT của công ty này trong khoảng từ 3 - 9 người. Vilico sẽ họp bầu bổ sung thêm thành viên HĐQT trong trường hợp cần thiết.

moc chau milk co the hoan thanh ke hoach kinh doanh 2018 nhung can phai tinh duong dai
HĐQT mới của Vilico ra mắt đại hội đồng cổ đông (Ảnh: ĐA)

Ba thành viên Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ mới gồm ông Lê Quang Hưng (1990), ông Nguyễn Thành Nam (1973) và bà Bùi Thị Xuân (1988).

Trao đổi bên lề đại hội, ông Trần Công Chiến - Chủ tịch Mộc Châu Milk cho biết, công ty đang nỗ lực để hoàn thành kế hoạch kinh doanh của năm 2018, cạnh tranh đối với mảng sữa ở các kênh bán hàng hiện đại cùng với Vinamilk và TH đang rất quyết liệt. Theo ông, muốn hoàn thành kế hoạch doanh thu trong năm nay thì có thể làm được, nhưng Mộc Châu Milk đang phải tính cho phương án đường dài, do đó cần thận trọng.

Hiện tại, thị phần sữa tổng thể của Mộc Châu Milk vào khoảng 12 - 13%, trong đó thị trường khu vực nông thôn đang bán rất tốt.

Đối với thị trường miền Nam, theo ông Chiến khó khăn nằm ở khâu vận chuyển sản phẩm, làm sao để tối ưu hóa chi phí. Mộc Châu Milk đang có kế hoạch mở một chi nhánh tại khu vực phía Nam, cùng với đó là đẩy mạnh các kênh bán hàng hiện đại.

Quan trọng là định vị phân khúc nào, ông Chiến lấy ví dụ mặt hàng sữa chua nếp cẩm của Mộc Châu Milk đưa vào các khách sạn được bán với giá 18.000 - 20.000 đồng/hộp, cao gần gấp đôi thông thường; nhưng với khu vực nông thôn lại không thể bán giá cao. Một năm trở lại đây công ty đang phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới, sản phẩm phô mai Mộc Châu và sữa chua phô mai đang được khách hàng ưa chuộng.

Trong quý III, Vilico đạt doanh thu thuần 639 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 45 tỉ đồng, lần lượt giảm 10% và 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cơ cấu doanh thu 86% đến từ sản phẩm sữa (từ Mộc Châu Milk), tương đương 549 tỉ đồng, doanh thu từ bán hàng hóa sụt giảm 97% chỉ còn 3 tỉ đồng, doanh thu bán bò bê, lợn giống cũng giảm còn 1/3; đáng chú ý doanh thu khác tăng mạnh lên 73 tỉ đồng…

Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu 1.958 tỉ đồng, lãi sau thuế 180 tỉ đồng, tăng trưởng 9%.

Vilico cho biết, hoạt động chăn nuôi lợn trong quí III thuận lợi, giá bán sản phẩm bình quân cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó cổ tức thu từ CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (công ty con do Vilico nắm 51%) cũng tăng. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Vilico cho thấy, công ty thu về gần 49 tỉ đồng trong 9 tháng từ lãi cho vay và cổ tức, gấp gần 9 lần cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên trong quí, Vilico cũng phải ghi nhận lỗ từ một số công ty liên kết dẫn đến kết quả kinh doanh sụt giảm so với cùng kỳ; bù lại việc thoái vốn tại một số doanh nghiệp như Nhựa Miền Trung cũng đem về khoản lãi đáng kể.

Theo cập nhật mới nhất, CTCP GTNfoods đã sở hữu 74,5% vốn điều lệ tại Vilico.

Xem thêm

Đông A