Ông Chiến 'Bò' và những tỉ phú nông dân tại Mộc Châu
Bò hoa hậu có thể cho lãi 60 triệu đồng/năm
Cho ra sản lượng 15,55 tấn sữa vòng 305 ngày, trung bình 51 lít sữa/ngày, cân nặng 762 kg… đây chính là những chỉ số của hoa hậu bò sữa Mộc Châu năm 2018. Tuy vẫn chưa đạt mức kỷ lục, tuy nhiên những con số trên cũng khiến những người có mặt tại cuộc thi phải trầm trồ.
Cô bò mang số hiệu 13568 của chủ hộ Lê Xuân Tiến đã vượt qua 126 thí sinh khác tại vòng chung khảo, được chọn trong số hơn 24.000 con bò sữa của 566 hộ tại Mộc Châu.
Hoa Hậu bò sữa Mộc Châu 2018 (Ảnh: Mộc Châu Milk) |
Một phép tính như sau, với chất lượng sữa hàng đầu, hoa hậu bò có thể được thu mua với giá 12.000 đồng/lít. Doanh thu từ sữa một năm của cô hoa hậu bò vào khoảng 187 triệu đồng. Chưa hết, cô bò còn cho ra một nguồn thu thú vị khác đến từ phân, khoảng 6.000 đồng/ngày; một năm khoảng 2 triệu đồng. Nghe có vẻ không nhiều, nhưng hãy tưởng tượng một trang trại của nông hộ với 100 con, doanh thu từ phân sẽ là 200 triệu đồng/năm.
Một đại diện của CTCP Sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) tiết lộ cho chúng tôi về tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu mỗi chú bò vào khoảng 30%, có nghĩa cô hoa hậu bò kia có thể đem về số tiền lãi 60 triệu đồng/năm.
Đàn 100 con như vậy (khoảng 40% cho sữa) đem về số tiền lãi khoảng 2,4 tỷ đồng mỗi năm. Doanh thu, lợi nhuận nói trên có thể đảm bảo do tất cả sữa hộ nông dân sản xuất ra đều được Mộc Châu Milk thu mua toàn bộ.
"Không phải cuộc thi của những người nông dân nuôi bò, đây là cuộc thi của những tỷ phú”, chúng tôi có nói đùa với nhau như vậy. Đương nhiên ước tính nói trên dựa trên các chỉ số tốt nhất của một con bò, tuy vậy chuyện về những người nông tỷ phú ở Mộc Châu là điều thường tình ở huyện. Ở Mộc Châu 22.000 con bò thuộc về các hộ nông dân, chiếm 92% tổng đàn.
Những tỷ phú nuôi bò tại Mộc Châu |
Sản lượng sữa trên đầu bò cao nhất Việt Nam
Với vùng trồng nguyên liệu, chăn thả vài ngàn ha, khí hậu ôn hòa, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi TMR, nhà máy chế biến sản phẩm từ sữa đa dạng, 24.000 con bò sữa cùng lịch sử trong nghề kéo dài 60 năm… Mộc Châu có đủ những điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa để phát triển ngành sữa.
Nghiên cứu của BMI Research cho thấy, sản lượng sữa/bò/ngày của Mộc Châu là tốt nhất trong các công ty của Việt Nam (26 lít sữa) so với TH True Milk (23 lít) và Vinamilk (22 lít)… Về độ ngon, sữa Mộc Châu cũng được các chuyên gia đánh giá là hàng đầu tại Việt Nam.
Ông Trần Công Chiến – Chủ tịch Mộc Châu Milk cho rằng, con bò ăn thứ gì thì chất lượng sữa ra sẽ phản ánh như vậy, ông Chiến Bò tự tin với nhà máy thức ăn chăn nuôi tiêu chuẩn và cỏ alfalfa nhập từ Mỹ…
Sữa chua nếp cẩm và sữa chua ổi kéo doanh thu 2018
Với nguồn sữa chất lượng, Mộc Châu Milk đang ngày càng cho ra nhiều sản phẩm hơn để có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trong năm nay, hai sản phẩm mới là sữa chua nếp cẩm và sữa chua ổi đang rất thành công, ông Chiến cho biết.
Nhà máy sữa Mộc Châu |
"Kể từ khi sữa chua nếp cẩm của Mộc Châu ra đời thì trăm hoa đua nở, thậm chí cả Vinamilk cũng làm. Giá một hộp sữa chua nếp cẩm Mộc Châu Milk bán ra là 8.000 đồng, vào khách sạn tại TP HCM là 25.000 đồng, đáng tiếc công ty chưa khai thác được nguồn này".
Năm nay nếu không có nếp cẩm và sữa chua ổi sẽ không hoàn thành kế hoạch kinh doanh, vì cạnh tranh sữa tiệt trùng (UHT) đang rất căng thẳng, ông Chiến nêu. Mộc Châu Milk ước tính doanh thu 2.650 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 215 tỷ đồng trong năm 2018.
Phân bò cũng sẽ là một loại hàng hóa
Ông Trần Công Chiến - Chủ tịch Mộc Châu Milk (Ảnh Mộc Châu Milk) |
Chủ tịch Mộc Châu Milk cho rằng thách thức lớn nhất đối với công ty hiện là xử lý chất thải. Ngay chính chúng tôi có thể cảm nhận được điều này khi ngồi tại Thảo Nguyên Resort buổi chiều ngày hôm trước, đâu đó vẫn phảng phất mùi "bò".
Theo cập nhật, 100% hộ đã có hệ thống xử lý chất thải, công ty hiện đã hợp tác cùng cơ quan chức năng xây dựng quy trình xử lý. Tháng trước, Mộc Châu Milk đã khởi công nhà máy chế biến phân, rồi liên kết thêm với các nhà khoa học.
Ông Chiến quả quyết, phân bón của Mộc Châu Milk phải trở thành hàng hóa. Công ty sẽ tìm những máy móc thích hợp, nếu có điều kiện mỗi hộ một máy, không có điều kiện thì hai, ba hộ/máy. Nếu chung máy, ông Chiến sẽ cho vay tiền, ngoài ra công ty sẽ có một máy đi làm dịch vụ xử lý thải cho các hộ.
Tiến tới, Mộc Châu Milk sẽ triển khai cụm nhà máy chế biến phân, cứ 7.000 – 8.000 con/nhà máy, đây chính là mong muốn của ông Chiến Bò.
Về việc phát triển đàn, theo ông Chiến, chỉ tiêu 35.000 con bò sữa đến năm 2020 là rất khó khăn, trừ khi là nhập bò thêm vào năm 2019 thì mới có thể thực hiện thành công. Còn nếu theo quy luật sinh học, một năm tăng 3.000 con thì không thể đạt được.
Tuy nhiên ông Chiến cũng cho biết trong mục tiêu chiến lược vẫn nêu năm 2020 đạt trên 30.000 con, cố gắng đến 2023 đạt 45.000 con; tầm nhìn định hướng đạt 100.000 con bò.
"Phát triển tăng đầu con thì không khó, nếu nhập 1.000 con thì năm sau sẽ tăng lên 1.600 con, năm sau nữa lên 2.500. Tuy nhiên vấn đề tổ chức như nào, trong chăn nuôi mới là quan trọng. Không thể nào cứ tăng đầu con trên một diện tích, hiện tại Mộc Châu là 20 con/ha nhưng tăng nữa thì không thể được."
Mật độ đầu con trên đơn vị diện tích chỉ ở mức độ, công ty đã tiến hành chọn lọc, bò dưới 15 lít sữa/ngày sẽ bị loại bỏ, ông Chiến cho biết.
Một điểm quan trọng khác là hiện nay bà con chăn nuôi mới ăn sữa là chính, như vậy là chưa đủ, phải tối ưu hóa sản phẩm từ con bò sữa, ông Chiến nêu quan điểm.
Con giống làm sao để bán được, con bê đực hiện nay mới nuôi có 10 ngày tuổi là giết thịt, trong khi đó các nước vẫn nuôi đến 18 tháng tuổi lên trên 500 kg, cần phải thay đổi điều này.
Công nghệ 4.0 là công nghệ phù hợp và ứng dụng khoa học kỹ thuật
Nhiều người nói về 4.0 hay 0.4, ông Chiến cho biết đã định hình điều này với bà con chăn nuôi.
Theo ông, cứ lựa chọn công nghệ phù hợp và có hiệu quả là được. Ông ví dụ, nếu hiện vắt sữa bằng robot nhưng giá thành cao thì hãy vắt như bình thường.
Hiện Mộc Châu đã có phần mềm Misa, phần mềm DeLaval để quản lý con giống, sắp tới sẽ đeo chip vào bò đo nhiệt độ, sữa…
Ông Chiến cũng tiết lộ dự án 10 tỷ đồng về hệ thống thông tin để kết nối chăn nuôi, bán hàng, nhà máy.
Như vậy 4.0 của Mộc Châu Milk là lựa chọn công nghệ phù hợp nhưng có ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật, làm sao truy suất nguồn gốc cho rõ. Quản lý chất lượng và nâng cao quản trị doanh nghiệp. Mục tiêu trong hai năm tới phải hoàn thành. Điều này nếu không làm xong, ông Chiến cho rằng Mộc Châu sớm muộn gì cũng sẽ bị tụt hậu so với các đối thủ.