|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

GTNfoods sẽ huỷ niêm yết, sáp nhập vào công ty con

22:11 | 26/02/2021
Chia sẻ
Theo kế hoạch, GTNfoods sẽ được sáp nhập vào Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam - CTCP và hủy niêm yết cổ phiếu GTN trên Sở Giao dịch Chứng khoán HOSE.

CTCP GTNfoods (Mã: GTN) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.

Cụ thể, Hội đồng quản trị đã trình kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2021 đạt 3.073 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2020 và mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 244 tỷ đồng, giảm 3%.

GTNfoods sẽ dừng hoạt động, hủy niêm yết và sáp nhập vào Vilico - Ảnh 1.

Chi tiết kế hoạch 2021 của GTNfoods. (Nguồn: GTNfoods).

Theo tài liệu, HĐQT muốn trình Đại hội đồng cổ đông thông qua nội dung không phân phối lợi nhuận trong năm 2020 do công ty còn bị lỗ lũy kế và không có nguồn phân phối theo qui định của pháp luật hiện hành. Tính đến cuối năm 2020, GTNfoods vẫn còn lỗ lũy kế hơn 133 tỷ đồng.

Đáng chú ý, HĐQT đã đưa ra phương án sáp nhập GTNfoods vào Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam - CTCP (Vilico, Mã VLC) và hủy niêm yết cổ phiếu GTN trên Sở Giao dịch Chứng khoán HOSE, chấm dứt sự tồn tại của GTNfoods.

Điều đáng chú ý là GTN đang là công ty mẹ của Vilico và nếu dự thảo được thông qua, toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của GTN sẽ được chuyển giao toàn bộ, nguyên trạng cho công ty Vilico, bao gồm cả 250 triệu cổ phiếu GTN đang niêm yết trên HOSE. Vốn điều lệ của Vilico dự kiến tối đa 1.723,5 tỷ đồng

Lưu ý một điều là sự sở hữu chéo giữa CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM), GTN và Vilico lại khá rối. Trong đó, GTN chỉ đóng vai trò chính là mắt xích sở hữu gián tiếp Mộc Châu Milk.

VNM đã mua lại 75% vốn tại GTNfoods từ đầu năm 2020, trong khi đó GTNfoods lại đang nắm 74,49% vốn tại Vilico và Vilico thì đang nắm 51% tại Mộc Châu Milk.

GTNfoods sẽ dừng hoạt động, hủy niêm yết và sáp nhập vào Vilico - Ảnh 2.

Lộ trình dự kiến sáp nhập vào Vilico. (Nguồn: GTNfoods).

Như vậy, nếu thành công thì VNM sẽ trực tiếp góp mặt trong cơ cấu cổ đông của Vilico.

Theo dự thảo, chiến lược hoạt động sản xuất kinh doanh của Vilico sau sáp nhập sẽ tập trung vào những nội dung chính như khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh và định hướng đưa Vilico trở thành đơn vị lớn trong lĩnh vực ngành chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt tại Việt Nam. 

Vilico đang có chủ trương đầu tư trang trại bò thịt qui mô khai thác 20.000 con/năm với tổng vốn đầu tư không quá 1.700 tỷ đồng. Hình thức đầu tư là tự làm hoặc tìm đối tác có tiềm lực và kinh nghiệm tốt trong lĩnh vực này để thực hiện dự án.

Vilico cho biết sẽ tập trung nguồn lực để hỗ trợ và phát triển chăn nuôi bò sữa và sản xuất, kinh doanh các mặt hàng sữa thông qua công ty con là CTCP Giống Bò Sữa Mộc Châu (Mã: MCM)

Bên cạnh đó, công ty sẽ hỗ trợ và phát triển sản xuất và kinh doanh các sản phẩm chè thông qua công ty liên kết là Tổng Công ty Chè Việt Nam - CTCP (Vinatea); hỗ trợ và phát triển sản xuất kinh doanh các sản phẩm rượu vang, nước giải khát, sản phẩm điều thông qua công ty liên kết là CTCP Thực phẩm Lâm Đồng (Ladofoods).

Đặc biệt, Vilico cũng sẽ tiếp tục khai thác các nguồn lực sẵn có của mình, Vinamilk và tiếp kiếm các cơ hội đầu tư khác trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, chăn nuôi, nông nghiệp,… để phát triển VLC lớn mạnh hơn và bền vững trong dài hạn,...

Minh Hằng

[LIVE] ĐHĐCĐ DIG: Chủ tịch cho biết đang xin làm hai thành phố y tế, nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa
Tính đến 16h32p, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG có sự tham dự của 2.101 cổ đông (trực tiếp, trực tuyến và ủy quyền), đại diện hơn 306 triệu cổ phần, tương đương 50,24% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.