|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Fiin Group: Dabaco khó giữ phong độ, Mộc Châu Milk dẫn dắt đà tăng cho GTNFoods năm 2021

07:49 | 10/12/2020
Chia sẻ
Theo nhận định của các nhà phân tích Fiin Group, tăng trưởng của nhóm ngành chăn nuôi năm 2021 sẽ tiếp tục đến từ Dabaco (DBC) và bộ đôi GTNFoods (GTN) và Vilico (VLC).

Từ số liệu thống kê toàn cảnh kinh doanh 9 tháng năm 2020, nhóm phân tích dữ liệu chứng khoán CTCP FiinGroup mới đây đã cập nhật triển vọng ngành và dự báo năm 2021 cho các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán.

Dữ liệu từ báo cáo FiinPro cho thấy, 5 nhóm ngành được dự báo tăng trưởng trong quí IV/2020 và năm 2021 bao gồm BĐS nhà ở, BĐS khu công nghiệp, nuôi trồng nông, hải sản, điện và thép.

Dabaco, GTNFoods và Vilico vẫn là ba cái tên dẫn dắt tăng trưởng cho ngành chăn nuôi

Fiin Group: Dabaco khó giữ phong độ, Mộc Châu Milk dẫn dắt đà tăng cho GTNFoods năm 2021 - Ảnh 1.

Dabaco khó giữ phong độ trong khi Mộc Châu Milk dẫn dắt tăng trưởng cho bộ đôi GTNFoods và Vilico trong năm 2021 (Ảnh: Justin Bui)

FiinGroup cho rằng nuôi trồng nông, hải sản sẽ duy trì doanh thu năm 2020 tương đương cùng kì năm trước trong khi lãi sau thuế tăng tới 532% so với năm 2019.

"Về triển vọng năm 2021, tăng trưởng của nhóm chăn nuôi sẽ tiếp tục đến từ Dabaco (DBC) và bộ đôi GTNFoods (GTN) và Vilico (VLC)", theo nhận định của nhóm phân tích.

Với Dabaco, mảng chăn nuôi heo hiện đóng góp hơn 40% doanh thu sẽ khó duy trì mức tăng tương tự trong năm 2021 do giá thịt heo đang trong xu hướng giảm. Cụ thể, giá heo đã giảm 23,1% từ đầu tháng 7/2020 do nguồn cung tăng lên.

Trong khi đó, GTNFoods và Vilico có nguồn thu chủ yếu đến từ hợp nhất doanh thu của Mộc Châu Milk (MCM) - doanh nghiệp sữa đang được công ty mẹ Vinamilk hỗ trợ tái cơ cấu và cải thiện biên lợi nhuận.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, biên lãi ròng của MCM tăng từ 6,5% cùng kì lên 9,7% và bằng một nửa biên lãi ròng của Vinamilk (20,2%). Do đó dư địa tăng trưởng của Mộc Châu Milk còn khá lớn.

Đối với ngành thủy sản, nhu cầu về thực phẩm tiện lợi tăng cao và ưu đãi thuế xuất 0% vào EU theo hiệp định EVFTA sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng của nhóm tôm trong năm 2021 trong khi rủi ro lớn nhất đối với nhóm này là giá và cung nguyên liệu đầu vào.

Fiin Group: Dabaco khó giữ phong độ, Mộc Châu Milk dẫn dắt đà tăng cho GTNFoods năm 2021 - Ảnh 2.

Liên quan đến các doanh nghiệp cụ thể trong ngành, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) hiện dẫn đầu về xuất khẩu tôm của Việt Nam nhưng đơn vị này khó tận dụng được ưu đãi thuế do EU chỉ đóng góp 10% doanh thu trong khi tại thị trường xuất khẩu chính (Mỹ), tôm bị áp thuế chống bán phá giá tạm thời là 10,17%. Ngoài ra, Minh Phú hiện tự chủ được 30% nhu cầu tôm nguyên liệu.

Trong diễn biến khác, Thực phẩm Sao Ta (FMC) có lợi thế khi xuất tôm vào Mỹ với thuế suất 0% và hưởng lợi từ nhu cầu về tôm giá trị gia tăng (chế biến sẵn) tăng cao ở EU và Hoa Kỳ dưới tác động của dịch COVID-19.

Sản phẩm chủ yếu của Sao Ta là tôm chế biến thuộc mã HS16 với mức thuế xuất vào EU sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình 5-7 năm. Công ty cho biết hiện nay đã tự chủ được 25% nhu cầu tôm nguyên liệu.

Triển vọng tăng trưởng của thủy điện và nhiệt điện

Tương tự, Fiin Group cũng cho rằng ngành điện là một trong năm nhóm ngành tăng trưởng trong năm 2021 do dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, yếu tố nền tảng cơ bản dần cải thiện, cầu tiêu dùng hồi phục và nguồn vốn giá rẻ đang dư thừa.

Tổ chức này nhận định thủy điện và nhiệt điện có triển vọng tăng trưởng 2021 khả quan nhờ nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh trong khi điện khí tiếp tục gặp khó do thiếu hụt nguồn cung khí LNG.

Với thủy điện, hiện tượng thời tiết La Nina quay trở lại sẽ giúp lượng nước về hồ thủy điện duy trì ở mức cao từ nay cho đến giữa năm 2021 và đây là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng cho nhóm này, đặc biệt là các doanh nghiệp đang vận hành nhà máy thủy điện ở khu vực miền Trung và miền Nam (bao gồm REE và VSH).

Trong khi đó, nguồn cung khí thiếu hụt khiến sản lượng điện khí cả nước giảm mạnh trong năm 2020 và xu hướng này được Fiin Group dự báo vẫn sẽ tiếp tục trong năm 2021.

Riêng PV Gas (GAS) vừa đón nhận dòng khí đầu tiên từ mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt (dự kiến có sản lượng khí hàng năm là 1,5 tỉ m3) là thông tin tích cực đối với các đơn vị đang vận hành nhà máy điện khí ở khu vực Đông Nam Bộ, đặc biệt là Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2).

Fiin Group: Dabaco khó giữ phong độ, Mộc Châu Milk dẫn dắt đà tăng cho GTNFoods năm 2021 - Ảnh 3.

Đối với nhóm nhiệt điệt than và dầu, sản lượng của các nhà máy nhiệt điện dự kiến tiếp tục tăng trong năm 2021 để đáp ứng nhu cầu điện thương phẩm (được EVN dự báo tăng 9,8%) và bù đắp phần sản lượng thiếu hụt của điện khí.

Trong nhóm nhiệt điện, Nhiệt điện Bà Rịa (BTP), Nhiệt điện Hải Phòng (HND), và Nhiệt điện Phả Lại (PPC) hiện duy trì nợ vay thấp hơn vốn chủ sở hữu (D/E<1) và biên lợi nhuận ròng ở mức cao so với các doanh nghiệp trong nhóm.

Theo đó, các nhà phân tích Fiin Group đánh giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trên có tính chất phòng thủ và không bị ảnh hưởng bởi các chu kì kinh tế, với mức chi trả cổ tức cao và/hoặc tăng đều trong các năm.

Thu Thảo - Justin Bui