|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Năng lực liên danh nhà thầu vừa trúng gói thầu XL-01 của dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ra sao?

13:36 | 09/12/2020
Chia sẻ
Gói thầu XL-01 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được trao cho liên danh Cienco 8, Tập đoàn Phúc Lộc và Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường với giá trúng thầu hơn 1.000 tỉ đồng.
Hé lộ năng lực của các nhà thầu trúng hai gói xây dựng cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - Ảnh 1.

Đồ họa: Alex Chu.

Tính đến cuối tháng 11/2020, 3 trong số 4 gói thầu xây lắp của dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã lựa chọn xong nhà thầu.

Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có 4 gói thầu xây lắp (XL01, XL02, XL03, XL04), trong đó gói XL03 đã tổ chức khởi công xây dựng từ ngày 30/9/2020.

Gói thầu XL-01 được trao cho liên danh Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 - CTCP, Tập đoàn Phúc Lộc và Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường. Giá trúng thầu là 1.069,5 tỉ đồng, thời gian thi công 24 tháng.

Gói thầu XL-04 do liên danh Tổng công ty Thăng Long - Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 6 thực hiện. Giá trúng thầu 1.022,5 tỉ đồng, thời gian thi công 24 tháng.

Gói XL02 phải tổ chức đấu thầu lại do các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Dự kiến, gói thầu XL02 của dự án sẽ kết thúc công tác lựa chọn nhà thầu vào cuối tháng 12/2020.

Đầu tháng 11, gói thầu XL-01 của dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã được trao cho liên danh Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 - CTCP, Tập đoàn Phúc Lộc và Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường. Giá trúng thầu của gói thầu này là 1.069,5 tỉ đồng, thời gian thi công 24 tháng.

Cienco 8 - doanh thu vài trăm tỉ sau cổ phần hóa

Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 8 - CTCP (Cienco 8) là doanh nghiệp có tuổi đời lâu nhất trong bộ ba liên danh, được thành lập năm 1965.

Đây là đơn vị từng tham gia xây dựng các công trình giao thông tại Việt Nam như đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội – Thái Nguyên,...

Công ty này từng thuộc 100% vốn nhà nước, sau khi cổ phần hoá, đến năm 2017 được chuyển giao về SCIC sở hữu hơn 18% vốn.

Ông Lương Minh Tường, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Phúc Lộc hiện là người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), kiêm Tổng giám đốc Cienco 8 sau khi sở hữu phần lớn cổ phần tại Cienco 8. 

Cienco 8 có đến 16 công ty thành viên. Hiện chỉ có một công ty liên kết là CTCP Xây dựng Cầu 75 đạt doanh thu trung bình hơn 400 tỉ đồng mỗi năm. Các công ty còn lại có doanh thu trung bình dưới 100 tỉ đồng.

Hé lộ năng lực của các nhà thầu trúng hai gói xây dựng cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - Ảnh 2.

Doanh thu của Cienco 8 và công ty liên kết qua các năm. (Nguồn: Minh Hằng tổng hợp).

Hé lộ năng lực của các nhà thầu trúng hai gói xây dựng cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - Ảnh 4.

Lợi nhuận sau thuế của Cienco 8 và công ty thành viên. (Nguồn: Minh Hằng tổng hợp).

Về tình hình tài chính, theo thông tin chúng tôi có được, cập nhật đến ngày 31/12/2019, tổng nguồn vốn hoạt động của Cienco 8 đạt 1.408 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn chủ sở hữu là 603 tỉ đồng (gồm 590 tỉ đồng là vốn góp) và 805 tỉ đồng nợ phải trả, chiếm 57% tổng nguồn vốn.

Tập đoàn Phúc Lộc - Đại gia BT, BOT phía Bắc

Nói riêng về Tập đoàn Phúc Lộc, đây là ông lớn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ và để lại dấu ấn hơn cả khi tham gia liên danh hoặc làm chủ đầu tư vào các dự án hạ tầng theo hình thức BT, BOT.

Năm 2016, liên danh Cienco 8 - Tập đoàn Phúc Lộc, hai công ty do ông Lương Minh Tường làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã trúng thầu hàng loạt dự án khủng ở Thái Nguyên, trong đó đáng chú ý nhất là 9 dự án thành phần theo hợp đồng BT sông Cầu Thái Nguyên gần 10.000 tỉ đồng. 

Ngoài ra, Phúc Lộc còn đầu tư vào dự án cầu Bạch Đằng tại tình Quảng Ninh với tổng mức đầu tư trên 7.600 tỉ đồng; liên danh nhà đầu tư Công ty Thái Sơn - Tập đoàn Miền Trung - Tập đoàn Phúc Lộc - Tập đoàn Cường Thịnh Thi làm dự án cao tốc Ninh Bình - Nghi Sơn với tổng đầu tư 17.800 tỉ đồng;...

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp, Tập đoàn Phúc Lộc thành lập năm 2010, trải qua nhiều lần tăng vốn, tính đến cuối năm 2019, công ty có vốn điều lệ 2.689 tỉ đồng 

Tháng 9/2019, Phúc Lộc đã phát hành 200 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi, có đảm bảo và không kèm chứng quyền. Trái phiếu có kì hạn 12 tháng kể từ ngày phát hành, lãi suất 11,5%/năm.

Cuối năm 2019, tổng nguồn vốn của Phúc Lộc hơn 3.800 tỉ đồng. Trong đó, vốn chủ đạt hơn 2.800 tỉ đồng; tổng nợ phải trả là 1.018 tỉ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn.

Hé lộ năng lực của các nhà thầu trúng hai gói xây dựng cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - Ảnh 5.

Doanh thu của Tập đoàn Phúc Lộc và các công ty thành viên. (Nguồn: Minh Hằng tổng hợp).

Hé lộ năng lực của các nhà thầu trúng hai gói xây dựng cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - Ảnh 6.

Lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Phúc Lộc và các công ty thành viên. (Nguồn: Minh Hằng tổng hợp).

Theo thông tin chúng tôi có được, Tập đoàn Phúc Lộc đang sở hữu 19 công ty thành viên, tuy nhiên số ít trong đó là công ty TNHH Phúc Lộc và CTCP Xuất nhập khẩu Phúc Lộc có doanh thu trung bình hằng năm đạt vài trăm tỉ đồng, các công ty còn lại có doanh thu chỉ vài trăm triệu đồng hoặc không đáng kể.

Công ty TNHH Liên hợp Xây dựng Vạn Cường 

Theo thông tin mới nhất trên Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp, công ty Vạn Cường được thành lập năm 1992, hiện do bà Nguyễn Thị Minh Hà (sinh năm 1955) làm Chủ tịch HĐQT.

Là một doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, Vạn Cường đã được Bộ GTVT giao nhiều dự án thi công đường bộ lớn như quốc lộ 1A và quốc lộ 14…

Năm 2014 đánh dấu tên tuổi của Vạn Cường bằng việc thâu tóm cổ phần tại Tổng công ty vận tải thủy (Vivaso), một doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực vận tải sông. Tại thời điểm đó, Vivaso đang quản lí sử dụng gần 50 ha đất tại nhiều tỉnh, thành miền Bắc.

Thông tin chúng tôi có được, trong tổng 2.452 tỉ đồng nguồn vốn tính đến cuối năm 2019, chiếm phần lớn cơ cấu là nợ phải trả, đạt 2.105 tỉ đồng bao gồm 1.208 tỉ đồng nợ vay dài hạn. Vốn góp chủ sở hữu ở mức 300 tỉ đồng.

So với các nhà thầu trên, doanh thu của công ty Vạn Cường có phần kém cạnh hơn đồng thời giảm dần qua các năm. Năm 2019, công ty chỉ đạt 253 tỉ đồng doanh thu, bằng 1/3 so với năm 2016. 

Hé lộ năng lực của các nhà thầu trúng hai gói xây dựng cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - Ảnh 7.

Doanh thu của Vạn Cường qua các năm. (Nguồn: Minh Hằng tổng hợp).

Lãi ròng của công ty qua các năm theo đó cũng đi xuống, nếu như năm 2016, công ty lãi 11 tỉ đồng thì đến năm 2019 chỉ còn lãi 3 tỉ đồng.

Ngoài ra, 4 công ty con của Vạn Cường có doanh thu thuần đạt dưới 70 tỉ đồng và lợi nhuận trung bình chỉ đạt khoảng vài chục triệu đồng mỗi năm.

Minh Hằng