Doanh nghiệp trực tiếp sở hữu mỏ Núi Pháo đang hoạt động ra sao?
Theo nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (Núi Pháo), đơn vị sở hữu trực tiếp mỏ Núi Pháo do công ty Công ty cổ phần Tài nguyên Masan (Masan Resources - Mã: MSR) sở hữu 99,99% vốn lần đầu lộ diện tình hình tài chính.
Báo cáo cho thấy, tại thời điểm 30/6, Núi Pháo có tổng tài sản 25.152 tỉ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn bao gồm 360 tỉ đồng tiền mặt, 1.477 tỉ đồng phải thu và 2.824 tỉ đồng tồn kho; tài sản dài hạn trị giá 19.609 tỉ đồng tập trung chủ yếu ở tài sản cố định chiếm 13.830 tỉ đồng, ngoài ra là các khoản phải thu dài hạn, tài sản dở dang và các chi phí trả trước dài hạn.
Trong khi đó, cơ cấu nguồn vốn của công ty đã có sự thay đổi đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2019. Các khoản nợ phải trả của Núi Pháo đã giảm từ 18.495 tỉ đồng hồi đầu năm xuống mức 16.318 tỉ đồng tại ngày 30/6.
Trong đó, khoản nợ vay ngắn và dài hạn giảm đáng kể từ 12.367 tỉ đồng xuống mức 9.761 tỉ đồng vào cuối tháng 6; riêng các khoản nợ dài hạn của Núi Pháo trị giá 6.530 tỉ đồng chủ yếu là các trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản đảm bảo với lãi suất bình quân từ 8-10,2%/năm.
Báo cáo cũng cho thấy, vốn góp của Núi Pháo đã tăng thêm 3.260 tỉ đồng lên mức 8.049 tỉ đồng. Số tiền tăng vốn đã được Núi Pháo dùng để thanh toán bớt các khoản nợ vay trong 6 tháng đầu năm nay.
Mỏ Núi Pháo nằm ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên là một trong những mỏ khai khoáng lớn nhất Việt Nam với trữ lượng khoảng 66 triệu tấn quặng vonfram, florit, bismut và đồng trên diện tích 720 ha. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của đơn vị này đã không được thuận lợi trong 6 tháng đầu năm.
Doanh thu thuần giảm 17% xuống mức 2.690 tỉ đồng, trong khi giá vốn chỉ giảm 6% khiến lợi nhuận gộp của Núi Pháo giảm đến 35% so với cùng kì năm ngoái, ghi nhận mức 795 tỉ đồng.
Trong khi đó, chi phí tài chính trong kì này đã tăng 11% lên mức 642 tỉ đồng đã khiến lợi nhuận sau thuế của của công ty giảm mạnh từ mức 500 tỉ đồng của cùng kì năm trước xuống còn 69 tỉ đồng.
Núi Pháo không cho biết nguyên nhân dẫn đến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm. Tuy nhiên, theo giải trình của công ty mẹ Masan Resources, nguyên nhân chính dẫn đến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm là do giá vonfram đã giảm tới 19% trong 6 tháng đầu năm do tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Mới đây, Núi Pháo cho biết, công ty của Tập đoàn Jacobs tại Australia đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán 130 triệu USD, tương đương khoảng 3.000 tỉ đồng theo phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore liên quan đến hợp đồng thiết kế và cung cấp thiết bị giữa Núi Pháo và Jacobs năm 2011.
Theo đó, với việc thắng kiện Jacobs, nhiều khả năng số tiền này sẽ được ghi nhận vào khoản mục thu nhập bất thường tại báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Masan Resources đồng thời giúp công ty có thêm một nguồn vốn lớn để bổ sung vốn hoạt động.