|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Mặt trời vẫn tỏa sáng ở Việt Nam', Forbes dự báo GDP VN tăng trưởng nhanh nhất

08:29 | 01/01/2020
Chia sẻ
Forbes vừa đưa ra dự báo Việt Nam sẽ nằm trong danh sách những nền kinh tế châu Á đang phát triển tăng trưởng nhanh nhất vào năm 2020. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt mức 6,7% trong năm 2020.

Trong số các nước ASEAN, Forbes cũng đánh giá cao khả năng tăng trưởng kinh tế của Campuchia và Myanmar khi đưa ra dự báo hai nền kinh tế này sẽ đạt mức tăng trưởng 6,8%.

Trước đó, Tổng cục Thống kê cũng đã công bố mức tăng trưởng GDP năm 2019 của Việt Nam đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6%-6,8%.

Trong đó, quý I tăng 6,82%, quý II tăng 6,73%, quý III tăng 7,48%, quý IV tăng 6,97%. Mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mức tăng 7,08% của năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của các năm 2011- 2017.

Động lực tăng trưởng chính của kinh tế năm 2019 tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến chế tạo (tăng 11,29%) và các ngành dịch vụ thị trường (vận tải kho bãi tăng 9,12%, bán buôn bán lẻ tăng 8,82%, hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,62%).

Mức tăng GDP năm 2019 của Việt Nam thậm chí còn cao hơn mức dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) khi trong ngày 11/12 vừa qua. Ngân hàng này bày tỏ sự lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam nên đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP 2019 của Việt Nam đạt 6,9%, tăng 0,1% so với dự báo của chính ADB hồi tháng 9/2019.

Thậm chí, ngay cả Ngân hàng Thế giới (WB) dù đưa ra cái nhìn lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam nhưng cũng chỉ đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 6,8% trong một dự báo chỉ mới đưa ra cách đây chưa lâu.

“Mặc dù môi trường toàn cầu ngày càng bất định, nhưng nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt tăng trưởng cao, có thể lên đến 6,8% trong năm 2019.” – Báo cáo của WB nhận định.

Tuy nhiên, WB dự báo GDP của Việt Nam xoay quanh 6,5% trong ba năm tiếp theo, từ năm 2020-2022.

WB dự báo ngành nông nghiệp dự kiến sẽ phục hồi nhờ điều kiện khí hậu và vệ sinh được cải thiện, ngành dịch vụ tiếp tục tăng trưởng nhờ vào nhu cầu trong nước tăng lên.

Cũng theo WB, lạm phát năm vẫn được duy trì ở mức khoảng 3%, kể cả khi có một số áp lực phát sinh trong thời gian tới do kế hoạch của Chính phủ nhằm tăng giá mặt hàng thuộc quản lý của Nhà nước.

Giá cả lương thực, thực phẩm vẫn nhạy cảm với tình hình khí hậu nhưng được dự báo chỉ tăng ở mức vừa phải do hiệu quả của ngành nông nghiệp được cải thiện.

Về tổng thể, cơ quan tiền tệ vẫn duy trì quan điểm chính sách cẩn trọng, giữ cung tiền và tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp với tốc độ tăng trưởng dự báo của nền kinh tế, bên cạnh đó WB khuyến nghị cần theo dõi chặt chẽ mức độ ổn định ở các ngân hàng hiện vẫn chưa đảm bảm an toàn vốn và vẫn dễ tổn thương do nợ xấu.

Thặng dư tài khoản vãng lai dự kiến sẽ chững nhẹ do tốc độ tăng xuất khẩu sẽ giảm vì nhu cầu suy giảm ở các thị trường nước ngoài. Tốc độ tăng chững lại phần nào được bù đắp bởi xuất khẩu giảm do quan hệ tương quan chặt chẽ giữa hai yếu tố này ở Việt Nam.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự kiến vẫn ổn định ngay cả khi xu hướng chuyển dịch từ đầu tư theo dự án vào cơ sở sản xuất kinh doanh mới sang mua lại và sát nhập vẫn tiếp diễn, một phần cho thấy nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến thị trường trong nước.

Chính phủ dự kiến sẽ tiếp tục giảm bội chi từng bước, từ 3,4% GDP năm 2019 xuống 3,2% GDP năm 2021, phù hợp với cam kết tiếp tục giảm nợ công. Theo WB, chỉ tiêu trên hoàn toàn có thể đạt được qua tăng thu nội địa, nhờ vào hàng loạt cải cách về chính sách và quản lý thuế.

Đáng chú ý, WB bày tỏ sự lạc quan vào nền kinh tế của Việt Nam với một nhận định nổi tiếng được nhắc đến nhiều trong hai ngày qua, và mức GDP thực tế theo công bố của Tổng cục Thống kê còn cao hơn dự báo này.

Mây đen tiếp tục kéo về trên kinh tế toàn cầu với tăng trưởng kinh tế và lưu lượng thương mại thấp hơn dự kiến cho năm 2019. Tuy nhiên, mặt trời vẫn tỏa nắng ở nền kinh tế Việt Nam với dự báo tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2019 - chỉ thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với năm 2018. 

Vì không thể bỏ qua rủi ro về những ngày xấu trời, Chính phủ đã rất đúng khi chú trọng hỗ trợ khu vực tư nhân trong nước, coi đó là kênh để bù đắp cho khi sức cầu bên ngoài suy giảm. Mặc dù vậy, doanh nghiệp tư nhân hoạt động ở Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều trở ngại, nhất là khó khăn trong huy động nguồn tài chính dài hạn. 

Vì lý do đó, báo cáo này sẽ tập trung vào những thách thức liên quan đến nguồn tài chính dài hạn sau khi điểm lại những diễn biến gần đây trong nền kinh tế Việt Nam, với luận cứ rằng phát triển thị trường vốn là bắt buộc để bổ sung cho nguồn tín dụng của các ngân hàng thương mại" – trích báo cáo của WB về Việt Nam.

Hiền Anh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.