|
 Thuật ngữ VietnamBiz
10 sự kiện thị trường hàng hóa Việt Nam nổi bật 2019 - Ảnh 1.

Đầu tháng 2, ngành chăn nuôi heo Việt Nam “bùng nổ” với thông tin về dịch tả heo châu Phi (ASF) đầu tiên tại Hưng Yên.

Dù chính phủ, và chính quyền địa phương các tỉnh đã có sự chuẩn bị từ trước đó, khi bệnh dịch tấn công hàng loạt trang trại trên khắp Trung Quốc, nhưng virus ASF đã chứng minh sự nguy hiểm của mình khi chỉ mất 4 tháng để lan truyền từ Bắc vào Nam và mất 6 tháng để xuất hiện trên toàn bộ 63 tỉnh/thành của Việt Nam.

Ninh Thuận là địa phương cuối cùng công bố bùng phát bệnh dịch trong năm.

Dịch ASF khiến hơn 5,9 triệu con heo bị chết và tiêu huỷ để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch. Lượng heo lớn bị tiêu huỷ khiến thị trường rơi vào lo ngại thiếu nguồn cung, theo đó kéo giá heo hơi tăng cao kỉ lục từ giữa năm, có thời điểm lên tới 97.000 đồng/kg.

Giá heo hơi trung bình trên cả nước dao động quanh mức 90.000 đồng/kg trong ngày 28/12, tăng gần 95% so với cùng kì năm ngoái (theo dữ liệu tổng hợp từ thị trường).

Virus tả heo châu Phi có thể tồn tại trong 7 ngày mà không cần vật chủ, và trong nhiều tháng với sản phẩm thịt đông lạnh, trong khi dịch bệnh dễ lan truyền qua đường thức ăn, giết mổ trái phép và vận chuyển.

Trong khi dịch bệnh đã có xu hướng giảm nhưng hiện tại, vẫn chưa sản xuất được vắc-xin phòng bệnh hay thuốc chữa, việc đầu tư hệ thống an toàn sinh học tốn kém và đồng bộ khiến người chăn nuôi vẫn không dám tái đàn.

10 sự kiện thị trường hàng hóa Việt Nam nổi bật 2019 - Ảnh 2.

Năm 2019, tranh chấp thương mại Mỹ - Trung đã mang đến cơ hội xuất khẩu sang thị trường Mỹ cho nhiều sản phẩm của Việt Nam, nhằm thay thế cho hàng hoá Trung Quốc, cùng với đó một loạt các FTA tiềm năng được kí kết. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, lần đầu tiên, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 500 tỉ USD, xuất siêu 9,9 tỉ USD. Theo đó, đánh dấu năm thứ 4 liên tiếp có xuất siêu kể từ 2016 đến nay.

10 sự kiện thị trường hàng hóa Việt Nam nổi bật 2019 - Ảnh 3.

Các mốc kỉ lục trong xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Trong đó, đóng góp phần quan trọng vào kết quả xuất khẩu năm 2019 là nhóm hàng công nghiệp chế biến, ước đạt 222,172 tỉ USD, chiếm khoảng 84,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.

Đặc biệt trong 34 nhóm hàng công nghiệp chế biến chủ yếu, có tới 26 nhóm đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ USD trở lên, có 8 nhóm hàng đạt hơn 5 tỉ USD và 3 nhóm hàng đạt trên 30 tỉ USD.

Trước đây, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản là ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ năm 2013 với tốc độ tăng vượt trội, Hàn Quốc đã chính thức vượt qua Nhật Bản, vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ ba của Việt Nam. 

Cụ thể, trong 11 tháng từ đầu năm 2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 105,8 tỉ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2018; với Mỹ đạt 68,7 tỉ USD, tăng 24,5%; với Hàn Quốc đạt 61,4 tỉ USD, tăng 1,8%; với Nhật Bản đạt 36,3%, tăng 4,6%.

Trong 11 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng mạnh, nhưng xuất sang thị trường Trung Quốc và ASEAN tăng chậm lại, xuất sang Liên minh châu Âu (EU 28) giảm nhẹ.

10 sự kiện thị trường hàng hóa Việt Nam nổi bật 2019 - Ảnh 3.

Chạy đua điện mặt trời

Báo cáo phát hành tháng 10 của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có một số nhà máy năng lượng mặt trời với công suất chưa tới 100 MW.

Tuy nhiên bước sang nửa đầu năm 2019, điện mặt trời đã có bước nhảy vọt với tổng công suất lắp máy lên tới 4.464 MW vào cuối tháng 6 /2019 và dự kiến sẽ tăng lên 5.100 MW vào cuối năm.

Điều này có được là do các nhà máy đều đẩy nhanh tiến độ để kịp hòa lưới trước 30/6/2019, là thời điểm cuối cùng được hưởng cơ chế ưu đãi theo Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ (ngoại trừ Bình Thuận và Ninh Thuận được kéo dài thêm thời gian ưu đãi đến 30/6/2020).

Hiện tại, Chính phủ đã ban hành dự thảo giá điện mặt trời cho những năm tới, theo đó giá điện mặt trời giảm đáng kể so với ưu đãi trước đó dẫn tới việc đầu tư vào năng lượng mặt trời có thể sẽ chậm lại, BVSC đưa nhận xét.

Mặc dù vậy việc đầu tư ồ ạt vào điện mặt trời cũng dẫn tới hàng loạt vấn đề.

Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công thương rút kinh nghiệm sâu sắc về những tồn tại, hạn chế trong việc phát triển điện mặt trời thời gian vừa qua, để tăng cường tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong phát triển điện mặt trời trong giai đoạn tới.

Tồn tại, hạn chế được nhắc đến là quí mô công suất điện mặt trời bổ sung quy hoạch lớn hơn rất nhiều so với dự kiến trong quy hoạch điện 7 điều chỉnh, trong khi đó, nội dung tính toán và cập nhật cơ cấu nguồn điện, hệ thống điện quốc gia chưa được Bộ Công thương thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Cùng với đó, việc triển khai lập qui hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia chậm, thiếu quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu điều hành chung về phát triển điện mặt trời. Công tác quản lý qui hoạch phát triển điện mặt trời của Bộ Công thương còn thiếu tính khoa học và thực tiễn, công tác dự báo còn nhiều yếu kém.

Kết luận của Thủ tướng cũng chỉ ra Bộ Công thương chưa có biện pháp kiểm soát hữu hiệu và kịp thời để tránh làn sóng đầu tư ồ ạt, theo phong trào vào phát triển điện mặt trời, nhất là việc đầu tư quá mức vào một số khu vực, gây rất nhiều khó khăn trong truyền tải điện, giải tỏa công suất các nhà máy, ảnh hưởng đến công tác vận hành hệ thống điện quốc gia và gây ảnh hưởng đến quyền lợi các nhà đầu tư.

Công tác quản lý đầu tư chưa minh bạch và chưa được quản lý chặt chẽ, đồng bộ.

10 sự kiện thị trường hàng hóa Việt Nam nổi bật 2019 - Ảnh 4.

2019 cũng là một năm khó khăn cho xuất khẩu nông, thuỷ sản của Việt Nam khi thị trường tiêu thụ chính của mặt hàng này – Trung Quốc – siết chặt vận chuyển qua tiểu ngạch.

Từ trước tới nay, nông, thuỷ sản tại các địa phương vẫn được thương lái thu mua chủ yếu để xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc vì vậy hàng hoá chưa được đóng gói theo qui định, cũng không kiểm soát việc tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng.

Tuy nhiên, thị trường lớn nhất thế giới đang cho thấy sự thay đổi về thị hiếu và ngày càng trở nên khắt khe, với việc chuyển sang nhập khẩu chính ngạch, theo đó tăng cường thực hiện các qui định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động thực vật và chất lượng hàng hoá nông, thuỷ sản nhập khẩu.

11 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của nhóm nông sản chính ước đạt 17 tỉ USD, giảm 5,2% so với cùng kì, theo Bộ NN&PTNT. Cùng đà giảm của nông sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 11 tháng cũng ước đạt 7,9 tỉ USD, giảm 1,2% so với cùng kì.

Trao đổi với TTXVN hồi tháng 10, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết thường cứ vào vụ nông sản nào đó là hàng hóa về cửa khẩu nhiều, điển hình là mặt hàng thanh long vừa qua.

Để giảm áp lực thông quan tại cửa khẩu, thay vì tập trung ở khu vực biên giới, các doanh nghiệp nên chọn các phương thức vận chuyển khác như đường biển để lên phía Bắc của Trung Quốc.

Cùng với đó, việc cứ tập trung ở khu vực này cộng với hiện tượng gian lận thương mại về mặt hàng xuất khẩu thì phía Trung Quốc phải thắt chặt, tăng tần suất kiểm tra. Việc xuất khẩu sang thị trường này sẽ khó khăn hơn.

Đầu tháng 7, UBND tỉnh Quảng Nam phải có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và VASEP kêu cứu, đề nghị hỗ trợ tiêu thụ gần 1.000 tấn mực khô đang tồn đọng tại địa phương do không thể xuất sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng đề nghị các cơ quan chức năng đàm phán với phía Trung Quốc để mực khô tiếp tục được xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian sớm nhất.

10 sự kiện thị trường hàng hóa Việt Nam nổi bật 2019 - Ảnh 5.

Giá vàng nhảy múa

Giá vàng thế giới đang trong đà ghi nhận năm thể hiện tốt nhất kể từ 2010, với mức tăng gần 19% nhờ giới đầu tư đổ vào tài sản an toàn khi thế giới chìm trong lo ngại về một nền kinh tế suy thoái, tranh chấp thương mại Mỹ - Trung và những khủng hoảng địa chính trị khác như Brexit. 

Chịu tác động của thị trường vàng thế giới, vàng SJC cũng có một năm tăng giá đáng kể. So với đầu năm, giá vàng SJC đã tăng vọt khoảng 16,8%, có thời điểm giá vàng bán ra vượt mức 43 triệu đồng/lượng. 

Kể từ tháng 2 tới tháng 7, giá vàng ghi nhận chuỗi tăng liên tiếp kéo dài, với mức tăng trong giai đoạn này là gần 5%. 

10 sự kiện thị trường hàng hóa Việt Nam nổi bật 2019 - Ảnh 7.

Biến động giá vàng SJC tại Tập đoàn Phú Quý. Đơn vị: triệu đồng/lượng. (Nguồn: phuquy.com.vn)

Chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm 2019, giá vàng SJC báo ở 42,7 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, còn chiều mua vào là 42,45 triệu đồng/lượng. 

10 sự kiện thị trường hàng hóa Việt Nam nổi bật 2019 - Ảnh 6.

Năm 2019, ngạnh gạo Việt Nam khá ảm đạm khi hoạt động xuất khẩu không thuận lợi vì nền kinh tế suy yếu dưới tác động của thương chiến Mỹ - Trung, cùng với việc một loạt các thị trường xuất khẩu chính như Trung Quốc, Philippines siết chặt qui định nhập khẩu.

Tuy nhiên, việc đoạt giải nhất trong cuộc thi gạo thế giới của gạo ST25 đã mang lại an ủi cho ngành gạo Việt vào cuối năm.

Cụ thể, giống lúa ST25 đã đạt giải nhất cuộc thi gạo ngon thế giới năm 2019 (World's Best Rice 2019), trong khuôn khổ Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Manila (Philippines, từ 10 đến 13/11).

Tuy nhiên, điều này dấy lên thông tin về hàng loạt cửa hàng bán gạo ST25 giả. Không những vậy, theo Bí thư tỉnh Sóc Trăng ông Phan Văn Sáu, hiện tượng giả mạo gạo ST25 không chỉ ở thị trường trong nước mà còn cả ở nước ngoài.

"Theo thông tin tiếp nhận từ báo chí, tại hội trợ gạo diễn ra tại Long An vừa qua, có tới 5 tấn gạo ST25 được tiêu thụ. Trong khi đó, ở Sóc Trăng chúng tôi muốn mua 1 tấn thôi cùng khó. Gạo ST25 giả tràn lan. Thậm chí, chúng tôi còn phát hiện ở Mỹ cũng có gạo ST25. Do đó, chúng tôi kiến nghị cần có chính sách bảo hộ gạo ST25 cả trong nước lẫn quốc tế", ông Sáu thông tin.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết sẽ đặc cách công nhận thương hiệu quốc gia đối với sản phẩm gạo ST24 và ST25 mà không phải qua bất cứ qui trình nào.

Nói riêng về giống gạo ST24, ông Sáu cho biết đây là giống gạo đạt giải 3 trong cuộc thi gạo ngon nhất thế giới và giải nhất trong triển lãm gạo ngon Việt Nam lần thứ 3 diễn ra tại Long An.

Dù 2019 là năm khó khăn đối với thương mại toàn cầu và Việt Nam dưới tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như sữa, xoài, măng cụt… vẫn tìm được đường chính ngạch sang các thị trường lớn.

10 sự kiện thị trường hàng hóa Việt Nam nổi bật 2019 - Ảnh 9.

Tháng 2, ngành nông nghiệp Việt Nam đón tin vui khi quả xoài chính thức được xuất khẩu sang Mỹ sau 10 năm đàm phán. Rất nhanh sau đó, sáng 18/4, lô hàng đầu tiên chính thức "lên đường" đến với đất Mỹ.

Đến tháng 4, Trung Quốc mở đường cho sữa và măng cụt Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường này, và ngày 22/10 lô sữa đầu tiên đã được vận chuyển sang thị trường lớn nhất thế giới.

Tháng 8, xoài Việt Nam cũng được cấp giấy phép vào thị trường Chile. Cuối tháng 8, Australia cũng chính thức cấp phép cho nhãn Việt Nam và lô nhãn đầu tiên đã được nhập khẩu vào thị trường này vào ngày 6/9.

Và mới đây Cục Bảo vệ thực vật cho biết quả vải thiều tươi Việt Nam chính thức được phép xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản kèm theo quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu của phía Nhật Bản.

Qui định này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2019. Đây là kết quả của hơn 5 năm nỗ lực đàm phán giữa Cục Bảo vệ thực vật và MAFF cùng nhiều thí nghiệm nghiêm ngặt được thực hiện để đảm bảo diệt trừ triệt để các đối tượng kiểm dịch thực vật của Nhật Bản có khả năng đi theo quả vải thiều của Việt Nam.

10 sự kiện thị trường hàng hóa Việt Nam nổi bật 2019 - Ảnh 10.

Năm 2019, ngành đường tiếp tục đối mặt với khó khăn khi giá đường liên tục giảm, thậm chí có lúc xuống dưới giá thành sản xuất; nạn đường lậu vẫn hoành hành; và hiệp định ATIGA sắp chính thức được thực thi.

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), tính tới nửa đầu tháng 12, giá đường các loại trên cả nước dao động trong khoảng 11.200 – 13.700 đồng/kg.

Bên cạnh đó, giá đường duy trì ở mức thấp dưới tác động của đường nhập lậu và gian lận thương mại, làm cho giá mía thấp theo.

Giá đường lậu Thái Lan trong nửa đầu tháng 12 tại một số tỉnh thành gồm TP HCM dao động trong khoảng 11.600 – 11.900 đồng/kg, các thành phố, thị xã miền Trung khoảng 11.500 – 11.700 đồng/kg, Hà Nội và các thành phố quanh Hà Nội trong khoảng 11.500 – 11.700 đồng/kg.

“Ngay từ đầu niên vụ 2018 - 2019, dưới tác động của đường nhập lậu và gian lận thương mại, với lí do chống đường nhập lậu nhiều thành viên Hiệp hội đã thông báo bán phá giá đường dưới giá thành sản xuất. Giá bán đường tuy thấp nhưng trong thời gian dài cũng không bán được, nhiều doanh nghiệp thành viên nợ cả tiền mía nông dân”, VSSA cho biết.

Ngoài ra, việc ATIGA sắp được thực thi trong khi các biện pháp bảo hộ ngành đường chưa được đề ra chi tiết cũng khiến VSSA, người dân trồng mía hết sức lo ngại.

10 sự kiện thị trường hàng hóa Việt Nam nổi bật 2019 - Ảnh 11.

Vụ việc Asanzo dấy lên câu hỏi định nghĩa thế nào là hàng hoá có xuất xứ Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương chia sẻ, cho tới nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam.

Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lí ngoại thương.

Với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu, và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có qui định như thế nào thì được gắn nhãn "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".

Bên cạnh đó, việc thiếu vắng các quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là "sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam" đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của Nghị định 43.

Thực tế, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử.

Sau một năm trao đổi với các Bộ, ngành hữu quan về cơ sở pháp lí cũng như hình thức văn bản, Bộ Công Thương đã hoàn thành dự thảo ban đầu dưới hình thức Thông tư.

Cuối tháng 9, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo xin ý kiến về dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam và nhận được nhiều ý kiến đóp góp từ các cơ quan, đơn vị.

10 sự kiện thị trường hàng hóa Việt Nam nổi bật 2019 - Ảnh 12.

Ngày 11/10, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo trên hệ thống nội bộ về quyết định sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR15) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2017 đến ngày 31/7/2018 đối với sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Theo đó, mức thuế sơ bộ cho bị đơn bắt buộc là 0,00 USD/kg; thuế suất cho bị đơn tự nguyện cũng là 0,00 USD/kg; thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg.

Mức thuế này thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó (POR14, mức thuế 1,37 USD/kg – 2,39 USD/kg).

Theo thông báo, Bộ Thương mại Mỹ sẽ ban hành kết luận cuối cùng trong vòng 120 ngày kể từ ngày ra kết luận sơ bộ, dự kiến vào khoảng tháng 2/2020.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), tính tới tháng 11, tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm mạnh 47,7% xuống 258,5 triệu USD.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nhận định phải sang năm 2020, khi có kết quả cuối cùng của cuộc rà soát chống bán phá giá tại Mỹ, ngành cá tra mới kì vọng kết quả xuất khẩu sang thị trường này cải thiện.

Lyly Cao
TV
Kinh tế & Tiêu dùng