MASVN: Triển vọng kinh tế tích cực, định giá VN-Index tiếp tục hướng lên đỉnh lịch sử
Theo báo cáo kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán tháng 2 của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), đầu tư công kỳ vọng là động lực chính để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP nhờ dư địa tài khóa dồi dào, trong khi các động lực tăng trưởng khác vẫn ở còn chậm.
Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) kế hoạch năm 2024 là 703.197 tỷ đồng (tăng 12,4% so với giải ngân năm 2023). Trong tháng 1, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước (hoàn thành 4,4% kế hoạch năm).
Tổng vốn FDI đăng ký, góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 1 tiếp tục cải thiện với tốc độ tăng trưởng cao (2,36 tỷ USD; tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước), trong khi vốn FDI giải ngân tháng 1 tăng tốc hơn so với 2023 (1,48 tỷ USD; tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước).
Xuất khẩu duy trì tích cực (tăng 6,7% so với tháng 12/2023), với xuất siêu ước tính là 2,92 tỷ USD trong tháng 1/2024. Điểm tích cực là chỉ số PMI S&P Global sản xuất Việt Nam tháng 1 cho thấy sự cải thiện về sức khỏe lĩnh vực sản xuất lần đầu tiên trong 5 tháng với số lượng đơn đặt hàng và sản xuất mới cải thiện.
Doanh số bán lẻ tiếp tục tăng trưởng trong tháng 1/2024 (tăng 1,6% so với tháng 12/2023) với doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 3,5%.
CPI tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước và CPI cơ bản 2,72% vẫn dưới mức mục tiêu của Chính phủ (4–4,5% so với cùng kỳ năm trước), mặc dù có nhiều áp lực tăng.
Về tỷ giá USD/VND, MASVN vẫn kỳ vọng việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ có phần thuận lợi hơn năm 2023.
Về thị trường chứng khoán, trong tháng 1, thanh khoản thị trường tăng 10% so với tháng trước. Điểm tích cực là nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển sang mua ròng từ giữa tháng 1 sau nhiều tháng bán ròng, mặc dù chỉ với giá trị nhỏ khoảng 185 tỷ đồng. Đáng chú ý, các tổ chức trong nước tiếp tục mua ròng tháng thứ tư liên tiếp với giá trị 1.200 tỷ đồng. Những nỗ lực của Việt Nam để được nâng hạng thị trường mới nổi (EM) sẽ là một điểm cộng trong việc thu hút các nhà đầu tư tổ chức.
Ở chiều bán, các cá nhân trong nước chuyển sang bán ròng 1.400 tỷ đồng trong tháng 1. Ngoài ra, các ETF cũng rút ròng gần 50 triệu USD trong tháng 1, chủ yếu từ DCVFMVN Diamond (42,2 triệu USD) và SSIAM VNFinlead (12,6 triệu USD).
VN-Index có tháng tăng thứ 3 liên tiếp (tăng 3% so với tháng trước trong tháng 1). Điều này được đặt trong bối cảnh tích cực của thị trường chứng khoán toàn cầu (chỉ số S&P 500 tăng 1,6%; Nikkei tăng 8%). Các dữ liệu vĩ mô gần đây của Mỹ giúp củng cố hy vọng hạ cánh mềm.
Về phía Việt Nam, triển vọng năm 2024 khá tích cực, được hỗ trợ bởi những nỗ lực của Chính phủ nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế đầy tham vọng (bao gồm tăng trưởng GDP 6-6,5%, CPI bình quân 4–4,5%, vốn đầu tư từ Ngân sách nhà nước tăng trưởng 12,5%, tăng trưởng tín dụng 15%).
Bên cạnh các động lực chính từ đầu tư công và thu hút FDI, MASVN kỳ vọng Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng mới sửa đổi sẽ định hình triển vọng dài hạn cho các động lực tăng trưởng của Việt Nam.
Theo tính toán của nhóm phân tích, lợi nhuận sau thuế (LNST) quý IV/2023 của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE tăng 4% so với quý trước và 28% cùng kỳ năm trước. LNST năm 2023 vẫn giảm 3,2% so với 2022. Ngành vận tải tiếp tục trong quá trình phục hồi trên mức nền thấp, các ngành dầu khí, dịch vụ tài chính, phần mềm & dịch vụ, bảo hiểm, xây dựng cơ bản, ngân hàng và dược phẩm có mức tăng trưởng LNST dương trong năm 2023.
Mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 hiện vẫn đang được kỳ vọng cao (theo Bloomberg). Dù vậy, MASVN cho rằng mục tiêu tăng trưởng của các công ty qua mùa họp ĐHĐCĐ thường niên sắp tới sẽ cho thấy một bức tranh rõ ràng hơn.
P/E của VN-Index vẫn đang trong quá trình tăng trở lại mức trung bình lịch sử (từ mức 15x hiện tại lên mức trung bình 16x), với khả năng cải thiện LNST của các doanh nghiệp.
Các rủi ro cần theo dõi gồm: sự không chắc chắn về thời gian và quy mô cắt giảm lãi suất của Fed trong năm 2024; tác động của lãi suất toàn cầu cao đối với việc đảo nợ, hoạt động kinh doanh, tiêu dùng; tác động từ các khó khăn kéo dài của ngành bất động sản Trung Quốc; rủi ro tăng trưởng thấp ở Châu Âu; rủi ro địa chính trị, đặc biệt là tác động của sự kiện Biển Đỏ tới lạm phát toàn cầu, những thay đổi về chính sách sau các cuộc bầu cử ở các nước lớn.