|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tự doanh CTCK giảm phân bổ vốn vào trái phiếu, tăng nắm giữ chứng chỉ tiền gửi

07:30 | 04/02/2024
Chia sẻ
Hơn một nửa mảng tự doanh của Chứng khoán SSI, VNDirect, VCBS, ACBS, VPS, KBSV là tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi. Chứng khoán Vietcap, VIX vẫn ưa chuộng cổ phiếu, với 95% và 88% mảng tự doanh thời điểm cuối năm.

Ngành chứng khoán có xu hướng mở rộng danh mục tự doanh xuyên suốt năm 2023. Giá trị danh mục tự doanh cuối năm của 71 công ty chứng khoán (CTCK) đạt hơn 214.000 tỷ đồng , tiếp tục tăng 9% so với cuối quý III.

Sự phân bổ giữa các loại tài sản tự doanh đã có thay đổi trong quý cuối năm. Xét riêng nhóm 10 đơn vị dẫn đầu về tự doanh (chiếm khoảng 2/3 toàn ngành), giá trị cổ phiếu và chứng chỉ quỹ giảm nhẹ 0,3% điểm % về 14,6% tại cuối năm. Tỷ trọng trái phiếu giảm đáng kể, từ 41,5% còn 33%.

Thay đổi tỷ trọng 3 nhóm tài sản tự doanh của 10 CTCK lớn. Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC.

Theo số tuyệt đối, giá trị cổ phiếu đã tăng 10% trong quý IV, lên 20.600 tỷ đồng, còn trái phiếu giảm 10% về 46.700 tỷ đồng. Tỷ trọng của hai loại tài sản này thu hẹp hơn so với số thực tế đến từ việc CTCK mở rộng đáng kể khoản tiền gửi.

Cụ thể, giá trị tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi cuối kỳ đạt gần 74.000 tỷ đồng, tăng 25% tương đương với hơn 19.000 tỷ đồng trong quý IV. Loại tài sản này đang chiếm 52% cơ cấu tự doanh, tăng so với mức 43,6% của 3 tháng trước.

Diễn biến trên phần nhiều đến từ Chứng khoán SSI. Ông lớn hiện nắm gần 30.000 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi. Đồng thời, giá trị mảng tự doanh của SSI tiếp tục dẫn đầu toàn ngành, chiếm khoảng 23%.

SSI nắm gần 30.000 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi tại cuối năm 2023. Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV của SSI.

Việc phân bổ bao nhiêu vào từng loại tài sản tài chính hoàn toàn là chiến lược riêng, khẩu vị đầu tư của mỗi đơn vị trong ngành. Điều này giúp các CTCK đa dạng hóa và giảm rủi ro trong danh mục.

Đa phần các công ty vẫn chuộng phân bổ vào tài sản đầu tư có thu nhập cố định (fix income) là trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi. Việc phân bổ tài sản nhiều vào chứng chỉ tiền gửi liên quan đến việc đảm bảo thanh khoản của công ty đó.

Hơn một nửa mảng tự doanh của Chứng khoán SSI, VNDirect, VCBS, ACBS là tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi. Trường hợp Chứng khoán VPS nắm đến 91% còn KBSV gần như toàn bộ (lượng cổ phiếu chỉ 0,1%).

Như đã đề cập, giá trị trái phiếu có xu hướng thu hẹp. Chứng khoán Vietcap, ACBS đã thoái toàn bộ 585 tỷ đồng và 103 tỷ đồng trái phiếu tại thời điểm quý III.

Chứng khoán VPS đã giảm 73% giá trị đầu tư về khoảng 604 tỷ đồng tại cuối năm. Mức giảm tại Chứng khoán VPBankS, VIX, VNDirect, TCBS lần lượt là 17%, 17%, 16%, 9%.

Chiều ngược lại, Chứng khoán SSI, VCBS gia tăng giá trị đầu tư trái phiếu, song không đáng kể so với nhóm giảm. KBSV không đầu tư trái phiếu.

Cơ cấu tài sản tự doanh của 10 CTCK lớn tại cuối năm 2023. Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC.

Chứng khoán Vietcap, VIX vẫn ưa thích cổ phiếu, với tỷ trọng 95% và 88% mảng tự doanh thời điểm cuối năm.

Tuy nhiên, giá trị đầu tư cổ phiếu của Vietcap đã giảm 7% so với 3 tháng trước. Tỷ trọng gia tăng đến từ việc công ty giảm lượng tiền gửi/chứng chỉ tiền gửi và bán hết trái phiếu.

Đối với VIX, sau khi bán đáng kể tài sản tự doanh trong quý III, CTCK đã giải ngân trở lại trong quý cuối năm. Giá trị đầu tư cổ phiếu cuối kỳ đạt 5.069 tỷ đồng tăng 66% so với thời điểm cuối quý III. Trong khi đó, lượng trái phiếu giảm 17% về 722 tỷ đồng.

Chứng khoán SHS vừa rời top 10 tự doanh tại quý cuối năm (ACBS thay thế). Đây cũng là đơn vị chuộng đầu tư cổ phiếu với tỷ trọng 76% tại cuối năm, còn lại 14% là trái phiếu.

Danh mục tự doanh cuối năm 2023 của SHS. Nguồn: BCTC quý IV của SHS.

Xuân Nghĩa