|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì sao tự doanh xả mạnh nhất khi nhóm ngân hàng nổi sóng?

08:30 | 15/01/2024
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực đầu năm 2024 nhờ lực kéo của nhóm ngân hàng. Tuy nhiên, đây là nhóm cổ phiếu bị khối tự doanh CTCK bán ròng mạnh nhất.

Thống kê giao dịch kể từ đầu năm cho thấy hoạt động mua ròng của khối tự doanh vẫn áp đảo trên sàn HOSE qua phương thức khớp lệnh. Giá trị mua vượt giá trị bán khớp lệnh của khối này diễn ra trong 6 phiên giao dịch. Trong đó, mua cao nhất là 642 tỷ đồng ghi nhận vào ngày 4/1 và xả mạnh nhất ngày 12/1 với 746,2 tỷ đồng.

Tổng hợp trong hai tuần giao dịch đầu năm, tự doanh bán ròng tổng cộng 681 tỷ đồng cổ phiếu trên sàn HOSE, gồm 239 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh và 442 tỷ đồng thỏa thuận. Với giao dịch chứng chỉ quỹ, chứng quyền, tự doanh mua ròng 1.283 tỷ đồng.

Thống kê theo từng ngành, nhóm ngân hàng bị bán ròng mạnh nhất với giá trị hơn 908 tỷ đồng, tiếp đến là chứng khoán 70 tỷ đồng. Ngược lại, tự doanh mua ròng nhóm thép (120,7 tỷ đồng), khí đốt (101 tỷ đồng), bất động sản (56,8 tỷ đồng) và hóa chất (47,2 tỷ đồng).

Cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm rút ròng của khối tự doanh trong bối cảnh nhóm này đóng vai trò dẫn dắt thị trường chứng khoán Việt Nam. VN-Index tiến từ quanh 1.100 điểm lên vùng 1.150 – 1.160 điểm nhờ sự dẫn dắt của cổ phiếu ngân hàng.

Quan sát diễn biến giao dịch cho thấy nhiều cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên đỉnh lịch sử, cách xa vùng giá được thiết lập khi VN-Index lập đỉnh trên 1.500 điểm. Hai cái tên nổi bật có thể kể đến như BID, ACB.

Mặc dù còn cách xa đỉnh lịch sử nhưng nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng tăng giá với tỷ lệ hai con số kể từ đầu năm nay như CTG, OCB, SHB, MBB, TCB.

Tuy nhiên như vừa đề cập ở trên, mặc dù diễn biến tích cực nhưng nhóm cổ phiếu “vua” là tâm điểm rút ròng từ khối tự doanh trong những ngày đầu năm nay. 10 cổ phiếu ngân hàng bị tự doanh bán ròng mạnh nhất có tổng giá trị gần 1.066 tỷ đồng, trong khi đó 5 mã được vào ròng hơn 185 tỷ đồng.

Giao dịch cổ phiếu ngân hàng của khối tự doanh. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ba mã có giá trị bán ròng trên 100 tỷ đồng là VPB (-397,2 tỷ đồng), CTG (-221,5 tỷ đồng) và MBB (-180,2 tỷ đồng). Giao dịch cổ phiếu VPB chủ yếu được thực hiện qua phương thức thỏa thuận trong khi lực bán CTG và MBB phần nhiều qua từ giao dịch khớp lệnh trên sàn. Cụ thể, tự doanh bán khớp lệnh 213,2 tỷ đồng cổ phiếu CTG và 174,6 tỷ đồng mã MBB.

Theo sau đó, dòng tiền tự doanh rời khỏi các cổ phiếu như TCB (92,6 tỷ đồng), ACB (53,5 tỷ đồng). Những cái tên còn lại chịu áp lực bán nhẹ với quy mô 15 – 35 tỷ đồng như VCB, HDB, TPB, OCB và MSB.

Ở chiều mua vào, EIB là cái tên nổi bật nhất khi có giá trị vào ròng hơn 117 tỷ đồng. Những cổ phiếu ngân hàng còn lại có giá trị mua thấp dưới 50 tỷ đồng như VIB (36 tỷ đồng), STB (23 tỷ đồng), BID (5,6 tỷ đồng) và LPB (3,5 tỷ đồng).

Việc khối tự doanh đẩy mạnh bán ròng cổ phiếu ngân hàng một phần đến từ việc quỹ DCVFMVN Diamond ETF liên tiếp bị rút quỹ trong những ngày đầu năm 2024. Dữ liệu từ VSDC, ETF nội lớn nhất thị trường này bị hủy niêm yết 22,4 triệu chứng chỉ quỹ trong khi chỉ huy động được thêm 1,1 triệu đơn vị kể từ đầu năm.

Ngày 11/1, DCVFMVN Diamond ETF hủy đăng ký giao dịch tới 10,3 triệu chứng chỉ quỹ, đây là khối lượng lớn nhất kể từ khi đi vào vận hành. Tính đến ngày 15/1, số lượng chỉ chỉ quỹ đang lưu hành của ETF nội này là 643,8 triệu ccq, thấp nhất kể từ đầu tháng 10/2022. Tổng giá trị tài sản ròng là hơn 17.100 tỷ đồng.

Với việc nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ VN Diamond, khối tự doanh sẽ phải bán ra cổ phiếu để đối ứng tiền khi bị rút quỹ. Điều này một phần lý giải vì sao dòng tiền tự doanh rời khỏi cổ phiếu vua khi nổi sóng đầu năm.

Thu Thảo

Những người thuộc nhóm 0,001% giàu nhất thế giới đầu tư vào đâu?
Danh mục đầu tư của những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao rất khác với người thường. Các chuyên gia cho biết những cá nhân này không lựa chọn tiền mã hóa và cũng ít khi nắm giữ cổ phiếu. Đối với họ, đẳng cấp của một người được xác định bằng cổ phần trong một đội thể thao.