Masan lo thịt heo ngoại tràn vào Việt Nam trước nguồn cung trong nước khan hiếm
Rủi ro nghiêm cấm việc vận chuyển mua bán heo vào vùng dịch bị uy hiếp
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về phòng, chống dịch tả heo châu Phi, Phó Tổng giám đốc Masan Group Nguyễn Thiều Nam cho biết là doanh nghiệp đầu tư chuỗi chăn nuôi khép kín 3F, tuân thủ, hưởng ứng chương trình và thực hiện nghiêm các giải pháp mà Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tả heo châu Phi đề ra.
Tuy nhiên, ông Nam bày tỏ quan ngại khi hiện nay dịch bệnh đang có chiều hướng lan rộng và rất khó kiểm soát, việc ngăn chặn dịch bệnh này rất khó khăn và có thể kéo dài đến 5 -7 năm.
Tại hội nghị, ông Nam phân tích một số rủi ro trong quy định nghiêm cấm việc vận chuyển mua bán heo vào vùng dịch bị uy hiếp. Đối với các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ công nghiệp quy mô lớn thì hầu hết đều tuân thủ, nhưng rất khó kiểm soát các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, vì lực lượng phòng chống dịch mỏng.
Thứ hai, quy định đối với vùng dịch bệnh bị uy hiếp, chỉ được phép giết mổ, phân phối trong vùng dịch.
"Tôi thấy đây là bất cập. Ví dụ, với công suất giết mổ khổng lồ của Masan, làm sao có thể tiêu thụ trong nội vùng Kim Bảng, Hà Nam", ông Nam nhận định.
Đại diện của Masan lo ngại nguồn thịt heo sạch bị khan hiếm, đó là nguy cơ nhãn tiền cho ngành chăn nuôi heo của Việt Nam trong khi không thể ngăn người tiêu dùng sử dụng thịt heo nhập khẩu từ châu Âu, Barazil...
Thịt ngoại sẽ tràn vào, gây tạo ra tình trạng khó khăn kép trong chăn nuôi, kinh doanh thịt heo.
Ảnh minh họa
Kiểm soát dịch tả heo châu Phi theo ba tuyến
Vì lý do trên, Masan đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng kiểm soát vấn đề dịch bệnh theo ba tuyến.
Tuyến một là đảm bảo không cho bất kỳ heo hoặc đàn heo nào nhiễm dịch bệnh được xuất chuồng, xuất trại. Tuyến hai, đảm bảo không có bất kỳ con heo nào nhiễm bệnh vào nhà máy giết mổ. Tuyến ba, kiểm soát thành phẩm khi ra khỏi cơ sở giết mổ để đảm bảo không có bất kỳ sản phẩm thịt heo mất an toàn nào đến tay người tiêu dùng.
Trong trường hợp phát hiện heo bị dịch bệnh bên trong cơ sở, nhà máy giết mổ thì cơ sở, nhà máy phải ngừng hoạt động trong 48 giờ để thanh trùng; trường hợp phát hiện cơ sở giết mổ cố tình vi phạm thì sẽ bị đóng cửa.
Đồng thời các thông tin về các cơ sở giết mổ an toàn sẽ được công khai trực tuyến trên các phương tiện thông tin của Cục Thú y.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay sắp tới, Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành khác sẽ có văn bản kiến nghị Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ heo quy mô công nghiệp trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, khó lường.
Lo ngại nguy cơ tái nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bộ NN&PTNT nhận định do bệnh dịch tả heo châu Phi là bệnh rất nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa vắc xin phòng bệnh, tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền rất đa dạng.
"Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều nước, đặc biệt tại các nước có chung đường biên giới với Việt Nam, trong khi các hoạt động thương mại, du lịch đa dạng, khó kiểm soát nên việc ngăn chặn dịch bệnh từ các nước vào Việt Nam còn nhiều khó khăn thách thức", Bộ NN&PTNT cho biết.
Chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ ở nước ta còn trên 2,5 triệu hộ chăn nuôi heo, mật độ chăn nuôi rất cao, đan xen trong các khu dân cư, nhất là tại các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Do vậy, Bộ cho rằng việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, ngăn chặn các yếu tố làm lan truyền bệnh mầm bệnh để cắt đứt các nguồn lây nhiễm là rất khó
Mặt khác diễn biến thời tiết hiện nay rất phù hợp cho dịch bệnh lây lan ở các vùng miền của cả nước.
Do vậy, Bộ cho rằng trong thời gian tới nguy cơ bệnh dịch tả heo châu Phi lây lan rất cao, diễn biến rất phức tạp, bệnh có khả năng lây sang các địa phương chưa có dịch.
Tại nhiều địa phương đã qua 30 ngày nhưng dịch bệnh lại tái phát; đặc biệt nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, gây hậu quả khó lường.