Toan tính của Malaysia khi nối lại dự án đường sắt với Trung Quốc
Hôm 14/4, Thủ tướng Malaysia, ông Mahathir Mohamad, phát biểu rằng có khả năng Trung Quốc sẽ mua thêm dầu cọ từ đất nước ông để đổi lấy quyết định của chính phủ Malaysia về việc nối lại dự án đường sắt mà Bắc Kinh hậu thuẫn sau những cuộc đàm phán lại để giảm gần 1/3 chi phí, South China Morning Post đưa tin.
Ông Mahathir nói trong một cuộc họp báo rằng mức giảm giá 21,5 tỷ ringgit (5,2 tỷ USD) - khiến chi phí của dự án giảm từ hơn 65 tỷ ringgit xuống 44 tỷ ringgit - trở nên khả thi một phần nhờ nhà thầu Trung Quốc - tập đoàn Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) - đã đồng ý gánh một số rủi ro liên quan đến bảo dưỡng và vận hành đường sắt khi nó hoạt động vào năm 2026. Tuyến đường sắt này sẽ nối cảng Klang với vùng duyên hải phía đông của bán đảo Malaysia.
Đương kim Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia. Ảnh: SCMP
Theo thỏa thuận mang tên ban đầu là Kết nối Đường sắt Duyên hải miền đông mà người tiền nhiệm của ông Mahathir, cựu thủ tướng Najib Razak, ký với Trung Quốc, Malaysia sẽ tự chịu mọi rủi ro. Đương kim thủ tướng 93 tuổi thông báo các cuộc đàm phán đang diễn ra để giảm khoản nợ 56,7 tỷ ringgit mà Malaysia vay Trung Quốc theo thỏa thuận ban đầu từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.
Vị thủ tướng cũng tiết lộ CCCC đã bắt đầu trả lại 3,1 tỷ ringgit trong khoản tiền trả trước mà họ nhận cho giai đoạn hai của dự án.
"Tỷ lệ tham gia của nhân công địa phương vào dự án sẽ tăng lên 40% từ mức 30% theo thỏa thuận trước đây", ông nói.
Chính phủ Malaysia hy vọng họ sẽ bán thêm được dầu cọ cho Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Các nhà phân tích nhận định quy mô của những nhượng bộ từ phía Trung Quốc là sự thể hiện nguyện vọng ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với việc đẩy lùi những cáo buộc rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh - chương trình toàn cầu nhằm xây dựng và cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng, là một dạng "ngoại giao bẫy nợ".
"Trung Quốc phải chứng tỏ với thế giới rằng họ có sự linh hoạt và sẵn lòng hợp tác và tái đàm phán với các nước đối tác về những dự án có vấn đề", Ngeow Chow Bing, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Malaya, bình luận.
Khi phóng viên hỏi Mahathir rằng thỏa thuận mới đã xoa dịu nỗi lo của chính phủ về nguy cơ bị kéo vào bẫy nợ, đã đáp rằng chi phí dự án Kết nối Đường sắt Duyên hải miền đông là một giải pháp để xoa dịu mối lo.
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Mahathir nói về biên bản ghi nhớ giữa Malaysia và Trung Quốc về dự án đường sắt gây tranh cãi. Dự án là mục tiêu mà Thủ tướng Mahathir nhắm tới trước buộc tổng tuyển cử hồi tháng 5 năm ngoái. Ông từng nhận định nó là một trong số nhiều dự án tốn kém và không cần thiết do Trung Quốc hậu thuẫn mà ông muốn bỏ. Sau khi thắng cử, liên minh cầm quyền của Mahathir đã đình chỉ dự án vào tháng 7 năm ngoái.
Darwis Abdul Razak, giám đốc tập đoàn Đường sắt Malaysia (phụ trách dự án), thông báo quá trình tái thi công dự án có thể bắt đầu sớm nhất vào tháng 5 tới.