|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Malaysia duy trì vị trí nhà xuất khẩu LNG thứ 5 thế giới

01:25 | 11/07/2022
Chia sẻ
Theo công bố mới đây của Liên minh Khí đốt Quốc tế (IGU), Malaysia (Ma-lai-xi-a) tiếp tục giữ vị trí là nhà xuất khẩu khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ 5 sau Australia (Ôx-trây-li-a), Qatar (Ca-ta), Mỹ và Nga.

Tàu chở LNG neo tại cảng MV Excelsior neo tại cảng Texas, Mỹ. (Ảnh: Bloomberg/TTXVN).

Báo cáo LNG thế giới năm 2022 nhấn mạnh rằng tổng lượng LNG xuất khẩu của Malaysia năm 2021 đạt 24,9 triệu tấn/năm (mtpa) tăng nhẹ so với 23,9 mtpa năm 2020, và ước tính chiếm khoảng 6,7% tổng lượng LNG giao dịch trên toàn cầu.

Malaysia tiếp tục dẫn đầu về công nghệ sản xuất khí đốt thiên nhiên hóa lỏng nổi (FLNG). Ngoài cơ sở FLNG đầu tiên trên thế giới đi vào hoạt động mang tên Petroliam Nasional Bhd (Petronas), FLNG Satu (PFLNG1) với công suất 1,2 mtpa và PFLNG2 với công suất 1,5 mtpa đã đi vào hoạt động vào năm 2021.

Tính đến cuối tháng 4/2022, chỉ có bốn đơn vị FLNG hoạt động trên toàn cầu. Quyết định đầu tư cuối cùng cho PFLNG thứ ba dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối năm 2023.

Báo cáo cũng cho thấy thương mại LNG toàn cầu tăng 4,5%, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 372,3 tấn vào năm 2021, do sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch dẫn đến nhập khẩu LNG tăng vọt.

Tổng thư ký IGU Milton Catelin cho biết, LNG đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của an ninh năng lượng toàn cầu cũng như ổn định kinh tế và vai trò này chưa bao giờ lớn hơn trong thời điểm hiện nay.

Ông nói: “Khi thế giới xem xét các lựa chọn để điều hướng (lĩnh vực năng lượng) qua các thời điểm chưa từng có, các nhà hoạch định chính sách nên xem xét các lựa chọn có sẵn và thời gian cần thiết để đưa ra nguồn cung mới. Ngành công nghiệp rất cần sự rõ ràng về chính sách ngắn hạn”.

Về giá cả, báo cáo cho biết tăng trưởng giá LNG bắt đầu với sự phục hồi nhu cầu nhanh chóng sau đại dịch COVID-19 và nguồn cung bổ sung chậm hơn và tiếp tục bị ảnh hưởng nhiều hơn khi xung đột Nga-Ukraine (U-crai-na) gây thêm căng thẳng cho thị trường vốn đã được thiết lập ổn định trong dài hạn.

Năm 2021, Nga đóng góp 8% tổng lượng LNG xuất khẩu toàn cầu, trong đó 43,9% được vận chuyển đến châu Âu, 56,1% còn lại được chuyển đến châu Á-Thái Bình Dương và châu Á.

Với việc Liên minh châu Âu (EU) cam kết loại bỏ nhập khẩu năng lượng của Nga vào năm 2027, các thị trường xuất khẩu LNG hiện có (Mỹ và Qatar) và các thị trường mới đang phát triển (châu Phi) là những con đường quan trọng để đa dạng hóa các nguồn năng lượng và hỗ trợ an ninh năng lượng của châu Âu.

Tính đến tháng 4/2022, 136,2 mtpa công suất hóa lỏng đang được xây dựng hoặc phê duyệt để phát triển. Khoảng 7,7 mtpa trong tổng công suất tăng lên dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào nửa cuối năm 2022, phần còn lại sẽ dần được đưa vào mạng lưới trong khoảng thời gian từ năm 2023-2027.

Theo IGU, giá LNG giao ngay đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử và giá LNG của châu Âu vượt qua các mức giá ở châu Á. Giải quyết các hạn chế về nguồn cung sẽ là yếu tố quan trọng đối với an ninh năng lượng và ổn định kinh tế trên thế giới.

Tính đến tháng 4/2022, thương mại LNG toàn cầu đã bắt đầu kết nối 19 thị trường xuất khẩu với 40 thị trường có khả năng nhập khẩu. Thương mại LNG toàn cầu tăng 4,5%, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 372,3 tấn vào năm 2021 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch khiến nhập khẩu LNG tăng vọt.

Tăng trưởng xuất khẩu LNG chủ yếu được thúc đẩy bởi Mỹ (tăng 22,3 triệu tấn, tương đương 49,8%), Ai Cập (tăng 5,2 triệu tấn, với 391,2%) và Algeria (tăng 1,2 triệu tấn, tương đương 11,4%). Australia vẫn là nước xuất khẩu LNG lớn nhất năm 2021 với mức 78,5 triệu tấn.

Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất, tăng nhập khẩu ròng từ 68,9 triệu tấn năm 2020 lên 79,3 triệu tấn năm 2021.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp khí đốt toàn cầu tiếp tục tăng cường vai trò quan trọng của mình trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững và có thể đạt được với trọng tâm là sản xuất điện khử carbon, giảm phát thải từ giao thông và nâng cao hiệu quả.

Tổng thư ký IGU nói thêm: “Ngay cả khi môi trường ngày càng trở nên thách thức, thế giới vẫn phải duy trì quá trình chuyển đổi năng lượng và khí tự nhiên. Danh mục ngày càng tăng của các loại khí đã khử carbon, carbon thấp và không carbon, sẽ là chìa khóa để biến điều đó thành khả thi.”

Ông Milton Catelin cho rằng khí đốt là phương tiện lâu dài, bền vững và nhanh nhất để đưa thế giới trở lại con đường chuyển đổi năng lượng và tính linh hoạt vốn có của LNG cho phép khả năng có thể phân phối loại nhiên liệu này đến hầu hết mọi nơi trên thế giới. Các giải pháp khử carbon khác đang được khám phá bao gồm hấp thụ CO2 từ nguồn khí tự nhiên. 

An Nguyễn (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur)