|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hàng loạt quốc gia châu Á đang chuyển hướng nhập khẩu khí LNG của Mỹ

08:13 | 20/05/2022
Chia sẻ
Nhiều quốc gia châu Á đang chuyển hướng nhập khẩu khí LNG của Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sổ đơn hàng xuất khẩu LNG của Mỹ đã lấp đầy. Để đáp ứng nhu cầu mới trong dài hạn, quốc gia sẽ cần bắt đầu đầu tư vào nhiều nhà máy và cơ sở hạ tầng ngay lập tức.

Theo trang Oilprice,Nhật Bản được cho là đang tích cực xem xét việc mở rộng gói hỗ trợ tài chính cho Mỹ nhằm thúc đẩy sản lượng khí đốt tự nhiên hoá lòng (LNG). Mỹ đang là quốc gia xuất khẩu khí LNG lớn thứ 3 thế giới sau Qatar và Australia. Tuy nhiên, quốc gia này đang tham vọng nâng tầm ảnh hưởng của mình hơn nữa trong lĩnh vực LNG khi Nga đang dần suy yếu. 

Trung Quốc và Nhật Bản đang chuyển hướng sang Mỹ

Theo Nikkei, Nhật Bản đang cổ gắng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga sau khi căng thẳng với Ukraine bùng nổ. Tất nhiên, để làm được điều này, Nhật Bản cần phải tìm nguồn cung khí LNG và một số loại năng lượng hoá thạch thay thế cho Nga. Và Nhật Bản đã chọn Mỹ là nhà cung cấp thay thế.

Mới đây, Chính phủ Nhật Bản cũng đã yêu cầu các công ty điện lực gia tăng dự trữ khí LNG và chia sẻ các nguồn năng lượng. 

Theo đó, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã chỉ đạo các công ty điện lực đảm bảo rằng họ có đủ nguồn năng lượng dự trữ trong ba tuần, đồng thời kêu gọi các công ty khí đốt và điện lực bán khí đốt dự phòng cho nhau. Các quan chức của Bộ cũng đang thảo luận về các biện pháp sử dụng LNG với các đại diện trong ngành. 

Nhật Bản không phải là quốc gia châu Á duy nhất chọn Mỹ. Các nước nhập khẩu khí LNG hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng tìm đến Mỹ. Kể từ khi căng thẳng leo thang (24/2), Trung Quốc đã ký rất nhiều hợp đồng mua bán khí đốt với Mỹ. Nhìn chung, lượng này sẽ chiếm khoảng 7,7 triệu tấn mỗi năm trong nguồn cung LNG của Mỹ.

Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành quốc gia nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, do nước này đang phải ứng phó với đại dịch COVID-19, Trung Quốc phải tìm cách giảm tải phần lớn kho LNG của mình. Các báo cáo chỉ ra rằng khi một quốc gia đối phó với đại dịch, lượng hàng nhập khẩu của họ chỉ ở mức đủ dùng chứ không không mua nhiều để dự trữ.

Nguồn cung LNG toàn cầu cũng chuyển dịch sang các nước phương Tây

Nhiều quốc gia châu Âu cũng đang nỗ lực loại bỏ LNG của Nga để chuyển sang nguồn cung cấp từ Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sổ đơn hàng xuất khẩu LNG của Mỹ đã lấp đầy. Để đáp ứng nhu cầu mới trong dài hạn, quốc gia sẽ cần bắt đầu đầu tư vào nhiều nhà máy và cơ sở hạ tầng ngay lập tức.

Đây là lúc mà các quốc gia như Nhật Bản muốn can thiệp và giúp đỡ Mỹ. Bằng cách bắt kịp nhà cung cấp mới, họ hy vọng sẽ đảm bảo một dòng năng lượng cần thiết liên tục. Năm 2021, Mỹ xuất khẩu khoảng 75 triệu tấn LNG. Và với nhu cầu bổ sung, quốc gia này có thể sẽ tăng hạng từ nhà xuất khẩu lớn thứ 3 lên vị trí số 1. Khi các nhà máy sản xuất ở Louisiana đi vào hoạt động chắc chắn sẽ giúp ích cho việc này.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Nga dường như vẫn chưa thể mất vị thế của mình. 

Nhiều báo cáo cho thấy Ấn Độ đang mua một lượng lớn LNG của Nga với mức giá chiết khấu cao. Trên thực tế, theo The Times of India , Gujarat State Petroleum Corp. và GAIL India Ltd. gần đây đã mua một số lô hàng LNG giao ngay từ Nga với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường.

Các công ty này có khả năng sẽ tiếp tục mua nhiều hơn nữa chừng nào nguồn cung của Nga vẫn còn rẻ, làm tăng thêm sự mâu thuẫn của thị trường.

Ấn Độ hiện đã nhận được gần 3/4 lượng khí LNG theo các hợp đồng dài hạn. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng và tình trạng mất điện liên tục đang buộc các nhà máy điện của quốc gia này phải mua thêm các lô hàng giao ngay, vốn đang giao dịch ở mức cao hơn mức bình thường do nguồn cung toàn cầu bị suy giảm.

Đồng thời, nhu cầu về khí đốt trong lĩnh vực phân bón cũng tăng cao, một số nhà nhập khẩu đang chốt các lô hàng giảm giá của Nga. Ngoài khí LNG, quốc gia Nam Á này cũng đang mua dầu giá rẻ của Nga.

H.Mĩ