|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Australia sẽ sớm giành lại vị trí nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới

03:41 | 06/01/2022
Chia sẻ
Kết thúc năm 2021, Australia dự kiến sẽ sớm giành lại vị trí là nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, xét về cả sản lượng lẫn doanh thu, trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng toàn cầu và giá LNG đang tăng cao.

Số liệu từ Công ty tư vấn năng lượng toàn cầu EnergyQuest, lượng hàng hóa nhiên liệu hóa thạch siêu ướp lạnh từ Australia "chảy" sang các nước khác, trong năm 2021, ước tính tăng lên mức 80,9 triệu tấn, vượt xa so với con số 77 triệu tấn mà nước này đã đạt được trước đại dịch và có khả năng "đánh bại" sản lượng của Qatar "nhà vô địch thế giới" về xuất khẩu LNG trong nhiều năm qua.

EnergyQuest nhận định sau giai đoạn bị phong tỏa bởi đại dịch COVID-19, sự phục hồi kinh tế nhanh hơn dự kiến trên khắp toàn cầu đã đẩy nhu cầu về dầu và khí đốt tăng cao, dẫn đến giá LNG tăng. 

Giám đốc điều hành của EnergyQuest, Graeme Bethune, cho biết giữa lúc chuỗi cung ứng và vận chuyển toàn cầu đang bị thách thức, sự gia tăng ổn định trong hoạt động xuất khẩu LNG của Australia là một thành tựu đáng chú ý.

Năm 2021, doanh thu xuất khẩu LNG của Australia ước tính đã tăng lên mức 48 tỷ AUD (34 tỷ USD), cao hơn 12 tỷ AUD (8,52 tỷ USD) so với năm 2020. Mặc dù vậy, theo Tiến sỹ Bethune, năm 2022, khả năng giữ vị thế số một thế giới về xuất khẩu LNG của Australia sẽ bị đe dọa, khi Qatar và Mỹ đều đã công bố các kế hoạch mở rộng ngành công nghiệp LNG.

Bên cạnh đó, ông Bethune cho rằng sản lượng khai thác trong năm 2021 của Australia đã gần đạt đỉnh, do sự suy giảm tự nhiên của các mỏ khí đốt cung cấp cho các dự án hiện tại và một số lượng hạn chế các mỏ mới đang được phát triển.

Hai dự án khai thác LNG mới, bao gồm khu mỏ Barossa của công ty Santos tại khu vực ngoại ô thành phố Darwin (bang Bắc Australia) và khu mỏ Scarborough của công ty Woodside ở bang Tây Australia, có thể đưa sản lượng LNG của Australia trở lại mức hiện tại, nhưng không có khả năng nâng lên mức cao mới. 

Tiến sỹ Bethune nói việc đạt đến các cấp độ sản lượng mới sẽ đòi hỏi Australia phải có thêm nhiều nguồn cung khí đốt mới, để xoay chuyển sự suy giảm tại khu mỏ North West Shelf, một dự án LNG lớn nhất của Australia.

Trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường, chống lại biến đổi khí hậu, rất nhiều nhà đầu tư, các công ty tài chính và ngân hàng lớn toàn cầu bắt đầu ngừng đầu tư vào lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch, đẩy chi phí vốn của các dự án mới lên cao hơn, gây khó khăn cho các nhà sản xuất dầu khí.

Về ngắn hạn nhu cầu về khí đốt thế giới dự kiến vẫn sẽ hết sức mạnh mẽ, nhưng trong dài hạn, nhu cầu này chắc chắn sẽ dần sụt giảm, đặc biệt là khi các quốc gia đang hướng tới mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo Giám đốc điều hành EnergyQuest, những người ủng hộ khí tự nhiên quảng bá LNG như một loại nhiên liệu "chuyển tiếp" cần thiết, để làm thông suốt con đường chuyển đổi từ nhiệt điện chạy bằng than sang các nguồn năng lượng Mặt Trời và gió an toàn với môi trường hơn. 

Tuy nhiên, các nhà khoa học và những người theo chủ nghĩa khí hậu lập luận LNG vẫn là một nguồn phát thải đáng kể và cần phải sớm loại bỏ dần, để tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu.

LNG hiện là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ ba của Australia, sau quặng sắt và than. Bộ trưởng Tài nguyên Keith Pitt cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang đẩy giá LNG tăng cao hơn, có thể giúp ngành công nghiệp khai thác LNG của Australia đạt mức doanh thu 63 tỷ AUD (44,73 tỷ USD) trong năm tài chính 2022, trước khi quay trở lại mức 55 tỷ AUD (39 tỷ USD) trong năm tiếp theo.

Diệu Linh