Malaysia duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế
Quyết định của BNM phù hợp với nhận định của giới chuyên gia và đây là lần thứ 5 liên tiếp kể từ tháng 9/2020, BNM không thay đổi OPR.
Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp về lãi suất, BNM chỉ rõ kinh tế toàn cầu tiếp tục hồi phục, đặc biệt là các nền kinh tế chủ yếu được hỗ trợ bởi sự chuyển biến tích cực của ngành chế tạo và lĩnh vực thương mại.
Chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 cùng gói kích thích khổng lồ của Mỹ cộng thêm sự hỗ trợ về mặt chính sách của các nền kinh tế lớn khác sẽ tiếp tục thúc đẩy tốc độ hồi phục nhu cầu trong nước của các quốc gia.
Tuy nhiên, việc một số nước phải thắt chặt biện pháp kiểm soát do sự bùng phát trở lại của dịch có thể sẽ làm gián đoạn tiến trình phục hồi kinh tế.
Mặc dù sự biến động của thị trường tài chính đã lắng xuống ở một mức độ nhất định và các điều kiện tài chính có thể tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế, nhưng triển vọng tăng trưởng vẫn đối mặt với rủi ro suy giảm. Nguyên nhân là do diễn biến khó lường của dịch và biến động của thị trường tài chính có thể gia tăng.
Đối với Malaysia, theo BNM, các số liệu kinh tế gần đây cho thấy các hoạt động kinh tế của nước này tiếp tục được cải thiện trong quý I/2021, xu hướng gia tăng kéo dài tới tháng 4/2021.
Gần đây, Chính phủ Malaysia tái áp dụng Lệnh hạn chế di chuyển ở một số khu vực và điều này trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế, nhưng tác động không lớn vì gần như tất cả các lĩnh vực kinh tế được phép tiếp tục hoạt động.
Xu thế tăng trưởng của Malaysia dự kiến sẽ không ngừng được cải thiện, được hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu toàn thế giới và sự gia tăng chi tiêu của cả khu vực công lẫn khu vực tư nhân do có được sự hỗ trợ bởi chính sách.
Đồng thời, tăng trưởng kinh tế cũng sẽ được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng của các cơ sở sản xuất hiện có cũng như xây mới, đặc biệt là sự gia tăng sản lượng trong lĩnh vực điện tử và thiết bị điện, dầu khí... Ngoài ra, Chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 ở trong nước cũng giúp củng cố tâm lý thị trường, đóng góp vào sự phục hồi kinh tế của đất nước.
Dù vậy, BNM cho rằng triển vọng tăng trưởng vẫn tồn tại rủi ro suy giảm, chủ yếu đến từ tính không xác định của dịch cũng như những thách thức đối với việc triển khai tiêm chủng trên toàn cầu và trong nước. Triển vọng lạm phát của Malaysia phụ thuộc vào các xu hướng sắp tới của giá dầu quốc tế và giá hàng hóa, với mức dự kiến trong năm nay trong khoảng 2,5-4%.
Theo BNM, chính sách tiền tệ hiện nay là phù hợp và đủ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cân nhắc tới tính không xác định của dịch, BNM sẽ tiếp tục đánh giá lạm phát và triển vọng tăng trưởng trong nước dựa trên các số liệu và thông tin mới nhất để xác định phương hướng điều hành chính sách tiền tệ.