|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Fed có thể phải tăng lãi suất để nền kinh tế không tăng trưởng nóng

07:49 | 05/05/2021
Chia sẻ
Hôm 4/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã gợi ý Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể phải tăng lãi suất để nền kinh tế Mỹ không tăng trưởng nóng. Song, sau đó không lâu, bà đã điều chỉnh bình luận cũ.

Hôm 4/5, tại một diễn đàn kinh tế do The Atlantic tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng Fed nên tăng lãi suất để kiểm soát tốc độ tăng trưởng quá nhanh của nền kinh tế Mỹ sau khi chính phủ bơm hàng nghìn tỷ USD kích thích tài khóa.

"Có thể Fed phải tăng lãi suất một chút để đảm bảo nền kinh tế Mỹ không tăng quá nóng…dù các gói kích thích tài khóa là tương đối nhỏ so với quy mô của nền kinh tế", bà Yellen gợi ý.

"Các gói chi tiêu bổ sung là những khoản đầu tư mà nền kinh tế Mỹ cần để gia tăng năng lực cạnh tranh. Tôi nghĩ nền kinh tế của chúng ta sẽ tăng trưởng nhanh hơn nhờ các gói kích thích này", Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, vị bộ trưởng đã điều chỉnh phần nào bình luận cũ. Bà Yellen khẳng định, bà tôn trọng tính độc lập của Fed và không có ý tác động đến việc ấn định lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ. Bà Yellen từng làm Chủ tịch Fed trong giai đoạn 2014 – 2018, CNBC thông tin thêm.

"Không phải tôi đang dự đoán hay gợi ý điều gì", bà Yellen chia sẻ tại Hội nghị Hội đồng Giám đốc Điều hành của Wall Street Journal cùng ngày 4/5. "Nếu ai đó coi trọng tính độc lập của Fed thì đó chính là tôi. Hơn nữa, tôi tin rằng chúng ta nên tin tưởng Fed sẽ làm mọi thứ cần thiết để đạt được mục tiêu kép của họ".

Bộ trưởng Tài chính Mỹ gợi ý Fed tăng nhẹ lãi suất - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen từng có 4 năm lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), giai đoạn 2014 - 2018. (Ảnh: Reuters).

Nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bùng nổ, tăng trưởng GDP quý I năm nay đạt mức 6,4%. Gần đây, Goldman Sachs dự đoán tăng trưởng của quý II sẽ rơi vào khoảng 10,5%.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 3 năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã phân bổ khoảng 5.300 tỷ USD chi tiêu tài khóa, dẫn đến thâm hụt ngân sách hơn 3.000 tỷ USD trong năm 2020 và 1.700 tỷ USD trong nửa đầu năm tài khóa 2021.

Hiện tại, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy một kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng hơn 2.000 tỷ USD và một số gói chi tiêu khác cho giáo dục và chăm sóc trẻ em cũng trị giá vài nghìn tỷ USD.

Bộ trưởng Janet Yellen cho biết Mỹ cần tập trung vào trách nhiệm tài khóa trong dài hạn, nhưng bà còn nói thêm rằng chi tiêu cho các vấn đề trọng tâm trong sứ mệnh của chính phủ liên bang đã bị phớt lờ quá lâu.

Tổng thống Biden đang "có một chiến lược tham vọng nhằm bù đắp cho hơn một thập kỷ đầu tư yếu kém vào cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển, con người, cộng đồng và nhóm các doanh nghiệp nhỏ", bà Yellen bày tỏ.

"Tuy nhiên, chúng ta ngủ quên quá lâu, khiến các vấn đề dài hạn của nền kinh tế mưng mủ", bà Yellen cảnh báo.

Cho đến nay, Fed vẫn giữ lãi suất ngắn hạn ở gần mức 0, bất chấp nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong gần 40 năm. Tại cuộc họp chính sách hồi cuối tháng 4, các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ đã tuyên bố sẽ duy trì chính sách tiền tệ hiện tại cho đến khi nền kinh tế Mỹ đạt được "tiến bộ lớn", hướng tới mục tiêu toàn dụng lao động và lạm phát trung bình khoảng 2% trong dài hạn.

Công chúng đang ngày càng lo ngại lạm phát sẽ tăng nóng vì các gói chi tiêu tài khóa quy mô lớn và tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng tại Mỹ, nhưng các quan chức Fed cho biết sau một đợt tăng ngắn trong năm nay thì áp lực lạm phát có thể sẽ giảm xuống.

Bản thân Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cũng không quá lo lắng về lạm phát, mặc dù bà khẳng định Fed có các công cụ để ghìm cương lạm phát nếu lạm phát thực sự tăng vượt mức kiểm soát. Gần đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell lại nói công cụ chính để kiểm soát lạm phát là thông qua tăng lãi suất.

Khả NHân