Lý do thật sự đằng sau việc cha đẻ TikTok hoãn kế hoạch IPO nhiều tham vọng
ByteDance, công ty sở hữu ứng dụng video ngắn TikTok, đang hoãn lại vô thời hạn kế hoạch thực hiện IPO dự tính diễn ra vào đầu năm nay. Nguồn tin thân cận với vấn đề nói với WSJ rằng quyết định được đưa ra sau khi nhiều thành viên chính phủ nói rằng công ty này lên tập trung giải quyết những rủi ro về mặt bảo mật dữ liệu.
"Ông lớn" mạng xã hội Trung Quốc, vốn có định giá lên tới trên dưới 180 tỷ USD ở vòng gọi vốn diễn ra vào tháng 12 năm ngoái, đã cân nhắc thực hiện IPO ở thị trường Mỹ hoặc Hong Kong. Dù vậy, người sáng lập công ty Zhang Yiming đã quyết định hoãn lại kế hoạch này vào tháng 3 năm nay sau khi gặp các cơ quan điều hành về an ninh và không gian mạng.
Bên cạnh đó, ByteDance cũng có một lý do khác nữa để hoãn IPO. Vào thời điểm đó, công ty này chưa có một giám đốc tài chính.
Những nước đi thận trọng của ByteDance trái ngược với kế hoạch táo bạo của Didi Global Inc, công ty sở hữu dịch vụ gọi xe lớn nhất Trung Quốc Didi. Didi đã thúc đẩy kế hoạch niêm yết tại Mỹ bất chấp đề xuất từ cơ quan quản lý không gian mạng trong bối cảnh lo ngại rằng một số dữ liệu của Didi có thể rơi vào tay nước ngoài.
Didi kêu gọi được 4,4 tỷ USD vào cuối tháng 6 thông qua IPO song hiện đang trở thành tâm điểm của một cuộc điều tra an ninh mạng. Kể từ thời điểm đó, ứng dụng chính của Didi và 25 ứng dụng khác có liên quan đến Didi đã bị yêu cầu gỡ bỏ khỏi các kho ứng dụng Trung Quốc.
Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc và Uỷ ban Điều hành Chứng khoán Trung Quốc không đưa ra bình luận trước đề nghị của WSJ.
Kể từ tháng 11 năm ngoái, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn thắt chặt quản lý các công ty công nghệ với một đợt rà soát các hành vi liên quan đến độc quyền đồng thời tung ra các quy định mới liên quan đến an ninh mạng, quản trị, thu thập dữ liệu. Một số công ty khác, bao gồm Alibaba và công ty giao đồ ăn Meituan cũng đang nằm trong tầm ngắm.
Theo WSJ, Trung Quốc quan ngại về việc các dữ liệu mà các công ty công nghệ thu thập có thể bị xâm phậm do các quy định về công bố thông tin trong các đợt niêm yết tại Mỹ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng thắt chặt các hành vi thu thập và sử dụng thông tin chưa phù hợp để đảm bảo lợi ích của người dùng.
Hồi tuần trước, Trung Quốc cho biết sẽ thắt chặt quản lý hoạt động niêm yết ở nước ngoài. Cơ quan điều hành chứng khoán đang soạn dự thảo quy định yêu cầu các công ty cần xin phê duyệt về mặt điều hành trước khi có thể bán cổ phần ở các thị trường nước ngoài.
Cùng thời điểm, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đang đề xuất sửa đổi quy định đánh giá bảo mật số để bổ sung yêu cầu các công ty internet có trên một triệu người dùng phải trải qua một đợt đánh giá về bảo mật số trước khi niêm yết tại nước ngoài.
Trước đó, về cơ bản, các công ty Trung Quốc không cần xin phép Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc trước khi thực hiện IPO ở nước ngoài. Dù vậy, một nguồn tin nói rằng, từ thời điểm cuối tháng 12 năm ngoái, khi căng thẳng Mỹ - Trung nóng lên, cơ quan này bắt đầu yêu cầu các công ty công nghệ phải thông báo khả năng niêm yết ở nước ngoài và cần xin phê duyệt về mặt chủ trương trước khi thực hiện điều này.
Ở trường hợp của ByteDance, các nhà quản lý Trung Quốc chưa bao giờ thẳng thắn đề nghị một đợt hoãn lại kế hoạch IPO. Dù vậy, họ tỏ ra quan ngại về việc tuân thủ an ninh, bảo mật dữ liệu của các ứng dụng của ByteDance ở Trung Quốc. Trong cuộc gặp mặt, nhà điều hành mong muốn tìm hiểu cách ByteDance thu thập, lưu trữ và quản trị dữ liệu.
ByteDance hiện đang vận hành các ứng dụng được hàng trăm triệu người sử dụng ở Trung Quốc, bao gồm ứng dụng video ngắn Douyin và ứng dụng đọc tin tức Jinri Toutiao. Các thông tin cá nhân mà ByteDance có được có thể bao gồm số điện thoại di động, ngày sinh, tên thật và số giấy tờ tuỳ thân.
Vì những quan ngại của Bắc Kinh, ông Zhang Yiming đã kết luận rằng đây không phải thời điểm phù hợp để IPO, xét trên cả môi trường chính trị và điều hành.
ByteDance hiện đang là một trong những startup giá trị nhất thế giới. Khác Didi, vốn nhiều năm lỗ triền miên, tình hình tài chính của ByteDance giúp startup này không nhất thiết phải triển khai nhanh kế hoạch IPO.
Hồi tháng 6, ByteDance nói với nhân viên trong thông điệp nội bộ rằng doanh thu trong năm 2020 của nó đã tăng hơn 2 lần để chạm mốc 34,3 tỷ USD cùng với đó là lợi nhuận gộp chạm mốc 19 tỷ USD.
ByteDance từng có các "sự cố" với nhà điều hành trong quá khứ. Năm 2018, Bắc Kinh đề nghị gỡ bỏ ứng dụng pha trò Neihan Duanzi của ByteDance vì nhiều nội dung tục tĩu. Ông Zhang phản hồi bằng một bài đăng dài trên mạng xã hội, xin lỗi và hứa sẽ cải thiện hơn vấn đề phê duyệt nội dung.
ByteDance cũng chịu áp lực từ phía nhà điều hành Mỹ. Năm ngoái, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đưa ra quan ngại rằng dữ liệu mà TikTok thu thập có thể được chia sẻ với chính phủ Trung Quốc. ByteDance phủ nhận cáo buộc này.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/