|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lý do nhiều tập đoàn khổng lồ liên tục tăng trưởng và mở rộng mà không cần tạo ra lợi nhuận

16:28 | 30/04/2023
Chia sẻ
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp liên tục thua lỗ hàng tỷ USD nhưng vẫn có vốn hóa hàng chục, hàng trăm tỷ USD, lãnh đạo hưởng thù lao hậu hĩnh, người lao động được trả lương cao và trên hết, tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Vậy tại sao những doanh nghiệp này lại vẫn có thể tồn tại lâu đến như vậy?

Những gã khổng lồ mất tiền

Việc kiếm lợi nhuận dường như đang trở nên vô nghĩa với các công ty hiện đại. Người sáng lập không quan tâm tới lợi nhuận, cổ đông cũng không và ngay cả nhân viên cũng chẳng mặn mà. Hiện tượng này đang mở ra một kỷ nguyên của những gã khổng lồ, với vốn hóa hàng chục, hàng trăm tỷ USD, nhưng thua lỗ liên tục.

Năm 2022, Zillow lỗ 101 triệu USD, WeWork lỗ 2,3 tỷ USD, Snapchat lỗ 1,43 tỷ USD, trong khi Uber mất tới 9,1 tỷ USD. Thông thường, những khoản thua lỗ trên sẽ là cơn ác mộng với chủ doanh nghiệp. Nếu không thể xoay sở, khả năng công ty phá sản là rất cao.

Các start up công nghệ có vốn hóa hàng chục tỷ USD nhưng lại thua lỗ liên tục.

Tuy vậy, các công ty hiện nay chẳng mấy quan tâm đến việc thua lỗ. Thay vào đó, tất cả những gì mà doanh nghiệp tập trung vào là tăng trưởng. Miễn là doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng, mọi khoản lỗ đều có thể chấp nhận được.

Không chỉ các công ty khởi nghiệp chấp nhận thua lỗ, nhiều gã khổng lồ công nghệ cũng từng áp dụng chiến thuật này. Chẳng hạn, lợi nhuận của Amazon thường rất thấp, và mảng bán lẻ vẫn hay thua lỗ.

Ngoài lĩnh vực quảng cáo, gần như các hoạt động kinh doanh khác của Google đều thua lỗ. Mãi tới quý I/2023, mảng kinh doanh điện toán đám mây của Google mới thu về được lợi nhuận lần đầu tiên.

Ngay cả Disney cũng đang chuyển sang chiến lược chấp nhận lỗ. Về tổng thể, gã khổng lồ giải trí này vẫn có lãi. Tuy nhiên, vào quý IV/2022, dịch vụ Disney+  đã khiến công ty mất đi 1,5 tỷ USD.

Mảng kinh doanh bán lẻ của Amazon (bao gồm thị trường Bắc Mỹ và Quốc tế) thường xuyên chịu lỗ. Amazon có lãi chủ yếu dựa vào mảng điện toán đám mây - Amazon Web Services (AWS).

Hầu hết những gã khổng lồ trên không cần thiết phải chịu lỗ. Họ có thể nâng giá, giảm hoạt động bán hàng, marketing, hạn chế tái đầu tư … Tuy nhiên, các doanh nghiệp không chọn cách này bởi vẫn có thể bù đắp lỗ và với nhiều công ty, tăng trưởng quan trọng hơn lợi nhuận.

Xu hướng trả thù lao bằng cổ phiếu

Theo Tax Foundation, vào những năm 1970, đầu 1980, mức thuế tại Mỹ rất cao. Nếu kiếm được trên 215.400 USD/năm, người dân Mỹ sẽ phải trả thuế suất thu nhập tới 70%. Tuy nhiên, thuế trên lãi vốn dài hạn lại chỉ khoảng 30%. Bởi vậy, những giám đốc, chủ doanh nghiệp có mức thu nhập cao bắt đầu hạn chế nhận lương bằng tiền mặt, và tăng thù lao bằng cổ phiếu.

Việc các lãnh đạo nhận lương thấp là một kịch bản vẹn cả đôi đường. Công chúng sẽ bớt chỉ trích CEO vì mức lương cao. Hội đồng quản trị có thể dễ dàng phê duyệt những khoản thù lao khổng lồ bằng cổ phiếu. Giá cổ phiếu cũng có thể tăng mạnh mẽ, và CEO sẽ không phải trả thuế quá nhiều.

Tất nhiên, các nhà lãnh đạo vẫn phải đảm bảo công ty có lãi, bởi lợi nhuận từng là yếu tố giúp cổ phiếu trở nên hấp dẫn trong mắt cổ đông, và giúp cổ phiếu tăng giá. Cổ phiếu tăng giá đồng nghĩa với việc thu nhập thực tế của giám đốc sẽ tăng lên. 

Nhà đầu tư không muốn chịu thuế

Thông thường, một trong những đặc điểm hấp dẫn nhất của cổ phiếu là cổ tức. Mỗi quý, nhà đầu tư sẽ được trả một phần lợi nhuận của công ty. Một số công ty như Exxon Mobil hay Coca Cola cam kết luôn trả cổ tức.

Trong 112 năm, Exxon chưa từng lỡ một lần thanh toán cổ tức nào, bất chấp việc có làm ăn thua lỗ. Cổ tức cũng từng là thứ thu hút những nhà đầu tư như Warren Buffett.

Tuy nhiên, quan điểm về cổ tức đã nhanh chóng thay đổi khi internet xuất hiện. Các công ty thép, bảo hiểm hay năng lượng, thường chỉ có mức tăng trưởng khiêm tốn. Trái lại, doanh nghiệp công nghệ lại có thể phát triển với tốc độ chóng mặt, lên tới hai, ba con số. 

Trong cùng một khoảng thời gian, giá cổ phiếu của Exxon chỉ tăng thêm 1,8 lần, trong khi Amazon là 33 lần.

Doanh nghiệp củng cố quan điểm tăng trưởng quan trọng hơn cổ tức chính là Amazon. Mảng kinh doanh cốt lõi của Amazon là bán lẻ, nhưng lợi nhuận luôn thấp và công ty phải dựa vào Amazon Web Services để không bị thua lỗ.

Nếu muốn, Amazon có thể trả cổ tức đều đặn cho nhà đầu tư ngay lập tức bằng cách nâng nhẹ giá Amazon Prime, giảm tốc độ mở rộng, cắt giảm những hoạt động đầu tư gây thua lỗ như xe tự hành, xe điện, vận chuyển hàng hóa bằng máy bay không người lái .... Tuy nhiên, với Amazon, giá trị của cổ phiếu quan trọng hơn lợi nhuận hay cổ tức.

Và ngày nay, các nhà đầu tư tăng trưởng cũng có chung quan điểm này. Nhóm nhà đầu tư này cho rằng cổ tức là một sự lãng phí. Cổ tức bị đánh thuế tới hai lần, một ở cấp độ doanh nghiệp, và một lần nữa với nhà đầu tư.

Trước khi trả cổ tức, công ty sẽ phải đóng 25% thuế thu nhập doanh nghiệp. Sau khi trả cổ tức, nhà đầu tư phải nộp thêm thuế thu nhập cá nhân, có thể lên tới 40%. Như vậy, một USD cổ tức khi đến tay nhà đầu tư sẽ chỉ còn khoảng 0,45 USD.

Thay vì nộp tới 55% lợi nhuận cho chính phủ, Amazon có thể tái đầu tư, và khiến doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, cổ phiếu tăng giá. Nhà đầu tư khi đó có thể chốt lời từ cổ phiếu, chứ không phải cổ tức, với mức thuế thấp hơn nhiều. 

Bị hấp dẫn bởi mức lợi nhuận cao và phải trả ít thuế, ngay cả nhà đầu tư yêu thích cổ tức như Warren Buffett cũng đã quyết định đổ tiền vào Amazon. Trở ngại duy nhất còn lại với những gã khổng lồ thua lỗ chính là nhân viên.

Nhân viên chấp nhận công ty thua lỗ

Giống như cổ đông, trước kia, các nhân viên thường thích những doanh nghiệp có lợi nhuận. Đối với nhân viên, tham gia công ty không chỉ là một khoản đầu tư, mà còn là kế sinh nhai. Ngoài ra, nhân viên từng thường gắn bó với một công ty trong suốt sự nghiệp, nên việc lựa chọn doanh nghiệp ổn định, với tỷ suất lợi nhuận tốt là rất cần thiết.

Tuy vậy, theo thời gian, nhân viên ngày càng sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn. Trước hết, nhân viên không còn cảm thấy bị ràng buộc bởi một công việc, và nhận ra rằng việc thay đổi công ty sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, người nhảy việc thường có mức lương tăng gần 10%. 

Ngành công nghệ tại Mỹ có mức lương thậm chí còn cao hơn cả các công việc quản lý.

Ngày nay, nhân viên cũng đang kiếm được nhiều tiền từ cổ phiếu. Trước kia, nhân viên từng từ chối nhận lương bằng cổ phiếu vì rủi ro. Tuy nhiên, giờ đây, người lao động nhận ra rằng nếu muốn trở nên thực sự giàu có, thì nhân viên sẽ phải sở hữu tài sản như bất động sản hay cổ phiếu.

Và bởi vậy, nhân viên cũng đã dần chấp nhận những gã khổng lồ luôn thua lỗ, miễn là cổ phiếu của công ty tiếp tục tăng trưởng.

Không thể thua lỗ mãi

Chẳng doanh nghiệp nào muốn thua lỗ. Tuy nhiên, họ sẵn sàng chấp nhận thua lỗ hơn bao giờ hết. Miễn là còn có thể tăng trưởng, các doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động mãi từ tiền của nhà đầu tư.

Khi công ty vẫn phát triển, cả nhân viên, cổ đông lẫn nhà sáng lập đều không cần quan tâm tới lợi nhuận. Đối với cả ba, việc công ty không kiếm được lợi nhuận lại hóa ra là lựa chọn sinh lời nhất, bởi thu nhập ít phải chịu thuế và tiền được tái đầu tư, tạo thêm nhiều tăng trưởng hơn nữa.

Tăng trưởng khiến cổ phiếu tăng giá và những người hưởng lợi lại chính là ban lãnh đạo, cổ đông và nhân viên. Tuy nhiên, môi trường lãi suất cao đang làm lộ điểm yếu của "những gã khổng lồ mất tiền". Khi nhà đầu tư rút lui, doanh nghiệp sẽ phải bắt đầu kiếm lời, hoặc chấp nhận phá sản.

Minh Quang