|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lý do ECB đi trước Fed trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ

01:00 | 13/06/2024
Chia sẻ
ECB đã cắt giảm lãi suất tiền gửi cơ bản từ mức kỷ lục 4% xuống 3,75%, giữa bối cảnh cuộc chiến chống lạm phát đạt tiến triển khi lạm phát giảm mạnh và đang hướng tới mục tiêu 2%.

Trong một động thái hiếm hoi, tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đi trước Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ khi tiến hành cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau gần 5 năm.

Tại sao ECB lại đi trước Fed?

ECB, Ngân hàng trung ương của 20 quốc gia sử dụng đồng euro, đã cắt giảm lãi suất tiền gửi cơ bản từ mức kỷ lục 4% xuống 3,75%, giữa bối cảnh cuộc chiến chống lạm phát đạt tiến triển khi lạm phát giảm mạnh và đang hướng tới mục tiêu 2%.

Ngân hàng trung ương Canada cũng cắt giảm lãi suất cơ bản vào tuần trước, trong khi các nhà hoạch định chính sách ở Thụy Điển và Thụy Sỹ gần đây đã bắt đầu nới lỏng chính sách.

Tuy nhiên, Fed vẫn phải đối mặt với lạm phát dai dẳng trong khi thị trường lao động tương đối vững mạnh. Điều này đã đẩy lùi dự báo về thời điểm Fed sẽ bắt đầu giảm chi phí đi vay.

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ dự kiến sẽ giữ lãi suất không đổi ở mức cao nhất trong 23 năm. Các nhà phân tích dự đoán họ sẽ không bắt đầu cắt giảm lãi suất trước tháng Chín.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông châu Âu trong tuần này, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho rằng ngân hàng trung ương phải hành động dựa trên nền tảng khác nhau và nhiệm vụ tương ứng.

Sau khi ECB hạ lãi suất vào tuần trước, bà Lagarde cho rằng thật khó để dự đoán con đường phía trước và có thể sẽ rất “gập ghềnh.”

Các nhà phân tích dự báo về việc cắt giảm lãi suất mỗi quý một lần nhưng cũng lưu ý rằng ECB có thể tiến hành chậm hơn, tùy thuộc vào dữ liệu.

Tác động đối với đồng euro

Nếu lãi suất của Mỹ vẫn cao hơn, lợi suất trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu kỳ hạn 10 năm sẽ gia tăng và đồng USD trở nên hấp dẫn hơn so với các loại tiền tệ khác. Sau khi ECB hạ lãi suất vào tuần trước, đồng euro đã giảm xuống khoảng 1,07 USD sau nhiều tuần giao dịch ở mức khoảng 1,09 USD.

Nhà phân tích Jens-Oliver Niklasch của ngân hàng LBBW cho biết nếu Fed giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp trong hai ngày 11-12/6, đồng euro có thể suy yếu so với đồng USD.

Nhà kinh tế thuộc Hiệp hội Các phòng thương mại Đức (DIHK), Volker Treier, nhận định trong thời điểm kinh tế khó khăn này, đồng euro yếu hơn đồng USD có thể tạo động lực cho các nhà xuất khẩu.

Tuy nhiên, đồng euro yếu hơn có thể làm tăng chi phí nhập khẩu, đặc biệt là hàng nhập khẩu và làm tăng lạm phát trong Khu vực đồng euro.

Trà My