Luồng vốn lớn chảy vào bất động sản công nghiệp
Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp Hưng Yên khá cao
Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp Hưng Yên khá cao
“Cơn bão hoàn hảo”
Bất động sản công nghiệp là phân khúc được đề cập đến nhiều thời gian gần đây. Với những điều kiện thuận lợi từ động thái chuyển nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc của một số tập đoàn, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do…, dường như đây đang là thời cơ vàng cho bất động sản cất cánh.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến các công ty nước ngoài và Trung Quốc đẩy mạnh việc đảm bảo năng lực sản xuất ở Đông Nam Á và đây là cơ hội thuận lợi cho Việt Nam. Nước ta có nhiều lợi thế trong cuộc cạnh tranh để trở thành điểm đến của các tập đoàn lớn như chi phí lao động và giá đất công nghiệp của Việt Nam thấp so với hầu hết các nước trong khu vực.
Là đơn vị tư vấn và giữ vai trò kết nối cho nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp và nhà đầu tư, bà Nguyễn Huyền Trang, Giám đốc Thị trường JLL Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khai và hứa hẹn sự bùng nổ của loại hình bất động sản công nghiệp trong tương lai.
Phát triển khu công nghiệp, qua đó kéo nhiều doanh nghiệp FDI đến đầu tư sản xuất là hướng đi được nhiều địa phương lựa chọn
“Chúng tôi tin rằng, Việt Nam sẽ là trung tâm công nghiệp mới của khu vực”, bà Trang nhấn mạnh.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dù kết thúc ra sao thì cũng cho thấy một sự bất ổn nhất định với các doanh nghiệp đứng chân tại Trung Quốc. Với sự nhạy cảm của mình, việc các tập đoàn lớn chấp nhận dịch chuyển, rời khỏi Trung Quốc để tìm đến những thị trường có tính ổn định cao hơn là hoàn toàn dễ hiểu.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Greg Ohan, Phó tổng giám đốc Công ty BW Industrial cho biết: "Chúng tôi đang nhìn thấy một luồng vốn đầu tư lớn vào bất động sản công nghiệp ở Việt Nam, tương tự như tại Trung Quốc những năm trước đây”.
Còn ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam không giấu được sự phấn khích khi cho rằng, “cơn bão hoàn hảo” này đang tạo ra một lượng lớn vốn đầu tư tiềm năng đổ vào Việt Nam.
Địa phương hào hứng
Chia sẻ về triển vọng phát triển của ngành công nghiệp nói chung, lĩnh vực bất động sản công nghiệp nói riêng của Hà Nam, ông Trương Quốc Huy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 7/8 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ cho phép, đã được thành lập, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hoạt động rất hiệu quả với hàng trăm doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 890 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 260 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD.
Cũng rất hào hứng với triển vọng của phân khúc này, ông Lương Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Hưng Yên cho biết, với Hưng Yên, tiềm năng cho công nghiệp và bất động sản công nghiệp là rất tốt. Hiện tỉnh có 11 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 2.000 ha và đang xin quy hoạch 1 khu công nghiệp, dịch vụ đô thị mới, với tổng diện tích lên đến 3.000 ha (trong đó, có 500 ha quy hoạch dịch vụ đô thị).
Lợi thế của Hưng Yên chính là khả năng kết nối thuận tiện với Hà Nội, Hải Phòng thông qua các tuyết đường huyết mạch 5A, 5B, đường vành đai. Hiện các khu công nghiệp ở Hưng Yên có tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 70%, trong đó một lượng lớn các khách hàng là doanh nghiệp FDI từ Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Thế Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp Viglacera cho biết, so với nhiều khu công nghiệp ở Trung Quốc, các khu công nghiệp ở Hưng Yên sở hữu nhiều lợi thế so sánh. Chẳng hạn, từ Bắc Kinh đến cảng gần nhất (của Trung Quốc) cũng mất hơn 1.000 km. Trong khi với hành lang Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng, thì việc di chuyển từ Bắc Kinh đến các khu công nghiệp ở Hưng Yên như Khu công nghiệp Thăng Long 2 cũng vẫn gần hơn các cảng Bắc Hải, Quảng Tây của Trung Quốc. Các khu công nghiệp của Hưng Yên đã và sẽ được hưởng lợi từ lợi thế giao thông, địa lý này.
Đón lõng nhu cầu nhà ở
Nhận thấy tiềm năng lớn và sự bứt phá mạnh mẽ của lĩnh vực công nghiệp, Công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp Viglacera đang đầu tư tiếp Khu công nghiệp Thăng Long 2. Dù mới ở giai đoạn khởi động, nhưng theo đại diện Công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp Viglacera, Khu công nghiệp Thăng Long 2 đã sắp đầy do nhiều đối tác lớn đặt chỗ.
"Khu công nghiệp Viglacera giai đoạn 1 có diện tích 280 ha, hiện đã có nhiều đối tác lớn nhận thuê và cơ bản lấp đầy. Trong đó, Công ty Samsung thuê khoảng 150 ha, Công ty Mappletree thuê khoảng 30 ha, Công ty Hitachi thuê khoảng khoảng 70 ha”, ông Phong cho biết.
Theo ông Phong, việc những doanh nghiệp lớn đổ về Hưng Yên đầu tư sẽ tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho người dân và kéo theo nhu cầu về phát triển dịch vụ, nhà ở, nâng cao đời sống cho người dân.
Để đón lõng nhu cầu về nhà ở cho công nhân, chuyên gia khu công nghiệp, Công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp Viglacera đang phát triển một dự án khu đô thị sát ngay bên cạnh khu công nghiệp mới với nhiều dòng sản phẩm như khu nhà ở liền kề thấp tầng, diện tích từ 100 - 160 m2, khu nhà phố thương mại, diện tích từ 106 - 165 m2, khu biệt thự ven hồ, diện tích từ 416 - 489 m2. Ngoài ra, chủ đầu tư này còn dành 3,9 ha để phát triển các dự án nhà ở xã hội. Dự án sẽ có 5 block cao 9 tầng, với các thiết kế căn hộ có diện tích linh hoạt, ở mức 30, 35 và 40 m2/căn.
Bên cạnh đó, trong khu công nghiệp, chủ đầu tư cũng sẽ dành một phần diện tích để xây dựng 8 block nhà ở xã hội tương tự, xây dựng khu nhà ở dành cho chuyên gia.
Theo ông Phong, phát triển công nghiệp, ngoài việc đảm bảo các điều kiện về môi trường, phát triển bền vững, thì các chủ đầu tư cần lưu ý cả đến nhu cầu nhà ở của công nhân, chuyên gia. Với việc có đến hàng chục ngàn người lao động tại các khu công nghiệp, thì nhu cầu này là rất lớn và cũng là phân khúc đầu tư hiệu quả.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com
Tin liên quan