Cung cấp 11 KCN – 2.700 ha đất cho thuê, Hải Phòng lọt top dẫn đầu thị trường BĐS công nghiệp phía Bắc
5 KCN tại Hải Phòng đã lấp đầy 100%, giá thuê từ 73 – 135 USD/m2
Trong báo cáo Tình hình thị trường bất động sản (BĐS) quý I/2019 mà Savills vừa công bố, ông John Cambell, Tư vấn cấp cao bộ phận Công nghiệp nhận định, thị trường Khu công nghiệp (KCN) Hải Phòng hoạt động kể từ năm 1994 và là một trong những thị trường dẫn đầu tại khu vực phía Bắc.
Theo Savills, Quận Hải An là khu vực năng động nhất, chiếm 64% tổng diện tích đất công nghiệp ở Hải Phòng. (Ảnh: Hiếu Quân)
"Tính đến quý I/2019, Hải Phòng có 11 KCN, cung cấp xấp xỉ 2.700 ha diện tích đất cho thuê, chiếm khoảng 57% tổng diện tích. Quận Hải An là khu vực năng động nhất, chiếm 64% tổng diện tích đất công nghiệp ở Hải Phòng, tiếp đến là các quận/huyện An Dương, Thủy Nguyên và Đồ Sơn. 5 KCN đã lấp đầy hoàn toàn với giá thuê dao động từ 73 USD/m2 đến 135 USD/m2, chưa bao gồm chi phí quản lý hàng năm", báo cáo của ông Cambell thông tin.
Tình hình hoạt động tốt như vậy một phần nhờ hàng loạt chính sách ưu đãi của Chính phủ. Hầu hết các KCN tại Hải Phòng đều nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, đây là một trong 15 Khu kinh tế tại Việt Nam. Mà theo Điều 16 Nghị định 218/2013/NĐ-CP, dự án đầu tư mới trong Khu kinh tế sẽ được miễn thuế hoàn toàn trong 4 năm và giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo. Cơ quan chức năng cũng sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho nhà đầu tư trong việc hạn chế trì hoãn giải phóng mặt bằng và giấy phép đầu tư.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2018, thành phố hoa phượng đỏ đã thu hút 3 tỉ USD vốn đăng ký FDI – xếp thứ ba toàn quốc. Tỉnh đặc biệt ưu tiên phát triển các dự án hạ tầng theo hình thức PPP tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng biển và các cơ sở hạ tầng thương mại.
Tính đến quý I/2019, tỉnh đã có 32 cảng biển, trong đó có 4 cảng biển quốc tế và một cảng nước sâu (Tân Vũ – Lạch Huyện); một số dự án tương lai bao gồm cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và cầu Vũ Yên 1. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã chấp thuận hơn 268 triệu USD để tài trợ cho 11 dự án cơ sở hạ tầng đường bộ quan trọng sẽ được thực hiện trong năm 2019 và 2020.
Nhận định về tiềm năng của thị trường BĐS công nghiệp Hải Phòng, đại diện Savills cho biết, hai KCN mới vừa tham gia vào thị trường từ đầu năm 2018. Còn hai khu vực có nguồn cung được chú ý là Deep C Giai đoạn 2 và 3 và KCN Nam Đình Vũ. Nguồn cung tương lai bao gồm KCN Tràng Cát với cơ sở hạ tầng dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay và KCN Nam Cầu Kiền – Giai đoạn 2 trong tháng 7/2019.
Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, Hải Phòng sẽ có 12 cụm công nghiệp mới vào năm 2020, cung cấp thêm 1.080 ha và công suất dự kiến đạt 70%. Đến 2025, quy mô đất công nghiệp sẽ tăng thêm 1.377 ha và công suất ước tính đạt 80 – 90%.
Nhìn chung toàn thị trường, tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng 10,3% theo năm nhờ ngành sản xuất và năng lượng. Cụ thể, ngành sản xuất có mức tăng trưởng 12,8%. Chỉ số PMI trung bình năm qua của tỉnh này đạt 51,2, mức tăng trưởng này thấp do nguồn cầu thấp và nguồn lao động giảm mạnh, tuy nhiên sản lượng ngành sản xuất vẫn tăng trưởng và đạt trên mức 50 điểm.
Tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng 10,3% theo năm.
Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) là chỉ số đo lường "sức khoẻ" kinh tế của ngành sản xuất. PMI dựa trên 5 chỉ số thành phần chính gồm: đơn đặt hàng mới, mức tồn kho, sản xuất, giao hàng từ nhà cung ứng và môi trường lao động. PMI hơn 50 tức có sự mở rộng hoạt động sản xuất so với tháng trước; PMI dưới 50 là chững lại và ở mức 50 là không có thay đổi.