Việt Nam hiện có 80.000ha đất cho khu công nghiệp, tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp mới của Đông Nam Á
Theo báo cáo chuyên đề về thị trường bất động sản công nghiệp vừa mới phát hành của JLL, 20 năm qua, Việt Nam không ngừng phát triển để dần trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á. Bắt đầu mở cửa từ năm 1986 với chỉ khoảng 335 ha đất dành riêng cho các khu công nghiệp, đến năm 2018, Việt Nam hiện đã có 80.000 ha đất dành cho khu công nghiệp.
Theo JLL, sự tăng trưởng mạnh mẽ này đến từ 4 yếu tố: Một là Việt Nam đang phát triển ngành kinh tế xuất khẩu; hai là sự phát triển của các khu công nghiệp và kinh tế chuyên biệt và có quy hoạch cụ thể; các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia; bốn là sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Phát biểu tại buổi công bố báo cáo, bà Trang Bùi, Giám đốc phát triển bộ phận thị trường của JLL cho hay, nguyên nhân khiến cho bất động sản khu công nghiệp Việt Nam trỗi dậy đó chính là chi phí sản xuất thấp, chỉ dưới 1 USD/giờ, thấp nhất trong khối ASEAN và thấp hơn cả Trung Quốc. Trong khi tại Trung Quốc chi phí giá đất đang tăng cao và chuyển sang lắp ráp sản phẩm công nghệ cao là chính.
Bà Trang Bùi, Giám đốc phát triển bộ phận thị trường của JLL phát biểu tại buổi công bố báo cáo chuyên đề về thị trường bất động sản công nghiệp của JLL. Ảnh: Khánh Hà. |
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng như chính quyền nhiều địa phương có nhiều ưu đãi đối với các nhà đầu tư ngoại vào khu công nghiệp, khu chế xuất như: miễn Visa cho các chuyên gia nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; ưu đãi thuế đất; cơ chế hải quan 1 cửa nhanh chóng…
Ngoài ra, lợi nhuận trên chi phí (YOC) khá cao từ 11-12% so với các nước trong khu vực khiến cho việc đầu tư sản xuất kinh doanh tại Việt Nam khá hấp dẫn.
Theo JLL, những yếu tố chủ chốt khiến Việt Nam sẽ trở thành trung tâm công nghiệp mới của Đông Nam Á đó là: nền kinh tế định hướng xuất khẩu; sự dịch chuyển từ Trung Quốc; vị trí chiến lược; thị trường logistics đang chuyển mình; cơ sở hạ tầng; cách mạng công nghiệp 4.0.
Về nền kinh tế định hướng xuất khẩu, Việt Nam đang phát triển nền kinh tế theo hướng xuất khẩu và khuyến khích kinh doanh trong lĩnh vực này. Điều này được thể hiện rõ qua việc phát triển các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm tại 3 miền Bắc, Trung và Nam. Đồng thời, việc tham gia vào 18 hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh cho các công ty nội địa và nước ngoài.
Về sự dịch chuyển từ Trung Quốc, việc Trung Quốc dần chuyển từ nên công nghiệp cơ bản sử dụng nhiều lao động sang một nấc thang mới trong chuỗi giá trị đã tạo ra một làm sóng dịch chuyển công xưởng ra khỏi nước này đến các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Nhờ vào vị trí chiến lược của mình, Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi và cơ hội cần phải nắm bắt kịp thời.
Chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ cũng tạo ra những tác động hai chiều. Một mặt, thúc đẩy làn sóng dịch chuyển của các công ty từ Trung Quốc sang Việt Nam, mặt khác lại khiến giá cả hàng hóa leo thang, điều này có thể sẽ khiến giảm sức mua trên thị trường thế giới và ảnh hưởng đến lượng hàng hóa xuất khẩu.
Việt Nam hiện có 80.000ha đất cho khu công nghiệp, tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp mới của Đông Nam Á. Ảnh minh họa. |
Tiếp đó, Việt Nam sở hữu một vị trí chiến lược, nằm giữa Trung Quốc và Singapore với 3.260 km đường bờ biển, tiếp giáp với biển Đông, một trong những khu vực giao thương đường biển trọng yếu của thế giới. Khoảng 40% lượng hàng hóa vận chuyển từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương sẽ đi qua khu vực biển Đông này để đến được Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
Một yếu tố giúp thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam phát triển nữa đó là thị trường logistics đang chuyển mình.
Rất nhiều chuyên gia cho rằng thị trường logistics sẽ phát triển "nổi bật" trong vòng 5-10 năm nữa. Sự tăng tưởng mạnh mẽ tầng lớp trung lưu với thu nhập khả dụng tăng cao và sự lan tỏa mạnh mẽ của thương mại điện tử ngày nay sẽ là những sung lực, nguồn cầu mạnh mẽ thúc đẩy thị trường logistic phát triển.
Về cơ sở hạ tầng, theo Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), 5,8% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam được chi cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, một mức chi phí cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Để có thể chuyển dịch lên một nấc thang mới trong chu kỳ phát triển khu công nghiệp/ logistics và trở nên thu hút và cạnh tranh hơn so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam sẽ cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm hệ thống đường cao tốc, các cảng biển nước sâu, nâng cao chất lượng hệ thống điện nước, bao gồm cả hệ thống tái tạo năng lượng.
Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy sự bứt phá của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Một trong những thách thức nhất của Việt Nam trong vòng vài năm tới chính là việc làm sao có thể thích nghi nhanh chóng và nắm bắt được những thay đổi do công nghệ và tự động hóa do Công nghiệp 4.0 mang lại.
Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam nhận định: "Với tham vọng thúc đẩy Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp mới tại Đông Nam Á và cũng tương tự như quá trình phát triển ở các nước khác trong khu vực, chúng tôi tin rằng thị trường công nghiệp Việt Nam sẽ sớm chuyển mình và phát triển lên một tầm cao mới, Việt Nam sẽ chuyển dịch từ một thị trường sử dụng nhiều lao động sang thị trường phát triển tập trung nhiều vốn”.