|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

“Lực cản” hậu cổ phần hóa

08:46 | 26/12/2016
Chia sẻ
Chuyển đổi mô hình từ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sang công ty cổ phần là một quá trình gồm nhiều công việc phải hoàn thành, từ xác định giá trị doanh nghiệp, phương thức hoạt động mới... đến chọn cổ đông, sắp xếp lao động...

luc can hau co phan hoa

Nhưng chuyển đổi mô hình hoạt động cũng mới chỉ là bước khởi đầu. Hậu cổ phần hóa hóa ra có rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Vấn đề khó không nằm ở phương thức quản trị, kinh doanh mà nằm chính trong tư tưởng các nhà quản lý, đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Họ đã không “chuyển đổi cơ chế” tư duy theo cùng mô hình hoạt động của doanh nghiệp.

Thông tin tại hội nghị toàn quốc triển khai công tác đổi mới, sắp xếp DNNN giai đoạn 2016-2020 mới đây cho thấy sau 15 năm cổ phần hóa DNNN, hiện tính bình quân Nhà nước còn nắm giữ tới 81% vốn điều lệ tại doanh nghiệp.

Nguyên nhân chủ quan lớn nhất đồng thời cũng là vướng mắc lớn nhất được người đứng đầu Chính phủ chỉ ra ngay tại hội nghị, đó là “lợi ích cục bộ chính là rào cản lớn nhất, chưa tạo được động lực thực sự để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn”.

Bổ sung cho nhận định trên, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn Dệt may (Vinatex) Trần Quang Nghị, nói rằng hình ảnh người đại diện vốn chủ sở hữu tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa như những “ông chủ giả”, không có động lực để cải cách, đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, miễn sao bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp là được.

Suy nghĩ của ông Nghị trong bối cảnh Vinatex đã bán 49% vốn nhà nước và đã cổ phần hóa hầu hết các công ty con có thể khiến nhiều người ngạc nhiên, nhưng có lẽ không ít người đại diện vốn tại doanh nghiệp cũng suy nghĩ tương tự.

Hậu cổ phần hóa nhưng quan điểm, cách thức lãnh đạo tại doanh nghiệp của những người đại diện vốn nhà nước không thay đổi thì chắc chắn việc cổ phần hóa chỉ là hình thức. Nó tương tự như trường hợp Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từng chấp thuận cổ phần hóa công ty mẹ nhưng yêu cầu giữ lại quyền điều hành Công ty Đầu máy, nơi quản lý hàng chục đầu tàu trên cả nước và chỉ cổ phần hóa các doanh nghiệp toa xe. Nhà đầu tư nào sẽ mạnh dạn rót vốn vào các công ty toa xe, vận tải khi phải đi thuê lại đầu máy của Nhà nước?

Ở một góc độ khác, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành đề cập đến những khó khăn khi thuê tư vấn xác định giá trị các tổng công ty phát điện khi cổ phần hóa. Ông cho rằng quy mô và tính chất doanh nghiệp phức tạp khi định giá, phải thuê tư vấn quốc tế định giá trong khi quy định về chi phí thuê tư vấn định giá của Bộ Tài chính rất thấp dẫn đến không thuê được, khiến quá trình cổ phần hóa bị chậm. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Hiếu giải thích ngay rằng: cổ phần hóa là mục tiêu cuối cùng, không phải là giải pháp. Do vậy tất cả các giải pháp đều hướng đến mục tiêu đó. Bộ Tài chính đã sửa đổi nhiều quy định và còn tiếp tục sửa đổi các quy định để phù hợp hơn. Trường hợp như các tổng công ty phát điện, nếu EVN làm văn bản đề nghị lên sẽ có câu trả lời thích hợp sớm nhất. Nhưng không thể vin vào đó để làm chậm trễ việc cổ phần hóa.

Như vậy có thể thấy, 15 năm sau khi bắt đầu tiến trình cổ phần hóa DNNN được thực hiện, có nhiều nguyên nhân khiến tiến trình này chậm và ít hiệu quả, trong đó nguyên nhân chủ quan lớn nhất là tư tưởng các nhà quản lý, điều hành doanh nghiệp không song hành, thậm chí còn là lực cản khiến cho doanh nghiệp sau cổ phần hóa thực chất không thay đổi mà vẫn “an phận, thủ thường” như khi còn là DNNN.

Lan Nhi