Luật sư bày cách để Cộng Cà Phê đấu tranh với những quán 'mượn' chữ Cộng
"Cộng Cà Phê" là một thương hiệu khá nổi tiếng và có vị thế nhất định trên thị trường trong những năm qua. Gần đây, một số cơ sở kinh doanh đã "học theo" ý tưởng của Cộng Cà Phê. Chẳng hạn, một quán trà chanh mang tên "Trà Chanh Cộng" từng xuất hiện ở Hà Nội trước khi phải dỡ bảng hiệu theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Ở Đà Nẵng, người dân phát hiện một quán cà phê khá giống Cộng Cà phê từ thiết kế logo, màu sơn xanh chủ đạo đến trang phục, phong cách bày trí thời bao cấp.
Nhãn hiệu của Cộng Cà Phê đang bị xâm phạm
Việc các cơ sở kinh doanh ẩm thực bắt chước tên hoặc trang trí theo phong cách giống Cộng Cà Phê khiến nhiều khách hàng quen thuộc của Cộng Cà Phê cảm thấy bối rối, vì họ không biết những quán đó có mối liên hệ nào với Cộng Cà Phê hay không. Nhiều người cũng đặt câu hỏi: Những hành vi như thế trái pháp luật không?
Luật sư Phạm Thị Nhung, một thành viên của Hãng luật TGS thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, nói rằng nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, tổ chức này với hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể khác.
"Pháp luật công nhận một nhãn hiệu là độc quyền khi và chỉ khi chủ nhãn hiệu đăng ký và có văn bằng của Cục Sở hữu trí tuệ", luật sư nhấn mạnh.
Sau khi chủ sở hữu nhãn hiện nhận văn bằng bảo hộ, các cá nhân hay tổ chức khác muốn sử dụng nhãn hiệu phải thương lượng với chủ sở hữu độc quyền nhãn hiệu đó theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 123 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2019.
"Với tình huống Cộng Cà Phê đang gặp phải, tôi hiểu các cá nhân, tổ chức khác đã tự ý sử dụng nhãn hiệu của "Cộng Cà Phê" mà không hề xin phép hoặc không có sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu theo quy định tại Khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2019", luật sư Nhung bình luận.
Cơ sở kinh doanh bắt chước cách bài trí và phục vụ của Cộng Cà Phê
Về việc một quán cà phê có kiểu bài trí và phong cách phục vụ giống kiểu hệ thống của "Cộng cà phê", luật sư Nhung nói chúng ta phải xét một khía cạnh trước khi kết luận chủ quán phạm luật hay không.
Một tài sản trí tuệ muốn hưởng sự bảo hộ của pháp luật phải được thể hiện, định dạng dưới một hình thức vật chất nhất định. Khi một người trang trí, bày biện, thiết kế một không gian theo một ý tưởng nhưng chưa thể hiện nó dưới dạng hình thức vật chất nhất định thì người đó chưa xác lập quyền tác giả (khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ).
Đối với quyền sở hữu công nghiệp, theo chị Nhung, cách thiết kế, bài trí trong quán Cộng Cà Phê không có tính mới, không phải giải pháp kĩ thuật, cũng chẳng là quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định nên chúng ta không thể coi thiết kế, bài trí là một sáng chế.
Mặt khác, thiết kế bài trí là yếu tố mà chúng ta khó có thể áp dụng với qui mô đại trà trong thực tế bởi vì chẳng chuỗi cà phê nào thiết kế cả trăm quán như một và họ cũng không thể có mặt bằng giống hệt nhau để thực hiện việc đó nên chúng ta cũng chưa thể coi thiết kế bài trí là kiểu dáng công nghiệp.
"Do đó, trong trường hợp này, chúng ta không có căn cứ để xác minh quán cà phê thiết kế, bài trí, phục vụ giống Cộng Cà Phê thực hiện hành vi trái pháp luật", luật sư Nhung giải thích.
Nếu Cộng Cà Phê muốn bảo hộ cả phong cách thiết kế, không gian quán, luật sư Nhung khuyến nghị rằng họ phải định hình ý tưởng đó thành bản mô tả hoặc vẽ ra bằng bất kỳ phương tiện gì để mọi người có thể nhìn, đọc, chạm. Đó là cách để họ hưởng quyền bảo hộ tác giả.
Các biện pháp mà Cộng Cà Phê có thể áp dụng để đấu tranh
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân nào đó xâm phạm quyền lợi chính đáng, Cộng Cà Phê có thể áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp theo tiến trình xử lý xâm phạm nhãn hiệu.
Trước tiên, chủ sở hữu nhãn hiệu trực tiếp hoặc thông qua đại diện làm công văn cảnh báo vi phạm và đề nghị chấm dứt hành vi, khắc phục hậu quả.
Trong trường hợp chủ thể vi phạm không thực hiện các yêu cầu trên hoặc thực hiện không đầy đủ, chủ nhãn hiệu yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý xâm phạm nhãn hiệu (biện pháp hành chính).
Khi tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ xảy ra, chủ sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố giải quyết.
Tòa án có thẩm quyền xử lý xâm phạm nhãn hiệu buộc bên xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thực hiện việc chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi và cải chính công khai, thực hiện nghĩa vụ dân sự, bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, tòa án còn có thể yêu cầu bên xâm phạm nhãn hiệu tTiêu hủy hoặc phân phố hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (với điều kiện không làm ảnh đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ).
Chủ sở hữu nhãn hiệu có thể áp dụng biện pháp hình sự đối với các cá nhân, tổ chức cố ý thực hiện hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam với qui mô thương mại.
Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm xâm phạm, chủ sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm có thể nộp đơn yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý xâm phạm nhãn hiệu.
"Điều 129. Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý
1. Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng."
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/